Con số "hàng trăm" này nghe ra khá mông lung, vì thực tế Hội đồng thẩm định cũng chưa đưa ra thống kê nào về số lượng phim phải thẩm định hàng tháng, hàng năm. Tuy nhiên, với lý do phim phải kiểm duyệt quá nhiều để biện minh cho những sai sót nghiêm trọng thì khó bề khiến khán giả chấp nhận được.
Mới đây, khi Bộ VHTT&DL đã có công văn gửi Phòng Thương mại Công nghiệp (VCCI) để xin ý kiến đề nghị góp ý đối với dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), VCCI đã có văn bản trả lời, đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ một số quy định như thẩm định phim và cấp giấy phép phổ biến phim.
Dựa trên kinh nghiệm từ sự phản ánh của doanh nghiệp, VCCI đã vạch ra nhiều bất cập trong kiểm duyệt phim. Như thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, nhiều chỗ thậm chí "cản trở" người làm phim. Nhiều bộ phim với lý do hạn chế cảnh nóng, bạo lực đã bị cắt xén đến mức giảm, mất ý đồ nghệ thuật của người làm phim, giảm sức hút của bộ phim...
Từ đó, VCCI đề nghị nên bỏ chuyện độc quyền trong cấp phép và kiểm duyệt xuất bản, đề nghị áp dụng cách thức của xuất bản sách: Một đơn vị quản lý chung và nhiều nhà xuất bản chịu trách nhiệm cấp phép... Cơ quan quản lý chung chỉ chịu trách nhiệm hậu kiểm.
Cạnh đó, cơ quan này cũng đề nghị nên đặt ra những quy chuẩn chung chi tiết để nhà làm phim áp dụng vào, nên tránh cái gì, cảnh nóng, bạo lực ở mức độ nào thì được chấp nhận. Như thế, vừa tránh được sự "quá tải" dễ dẫn đến sai sót của cơ quan thẩm định, vừa giúp doanh nghiệp làm phim bớt rủi ro, lãng phí...
Thực sự, chuyện phim Việt bị kiểm duyệt quá tay cũng đã là bức xúc của người làm phim nhiều năm nay. Khi bắt tay làm những bộ phim có yếu tố táo bạo, nhà làm phim hầu như cũng chỉ biết đến hên xui, may rủi chứ không căn cứ vào đâu để biết phim làm như thế có bị cắt, bị cấm chiếu hay không.
Cách làm mò mẫm này đã khiến nhiều bộ phim, sau khi đầu tư công sức, tiền của, hoàn toàn không được ra rạp, như trường hợp “Bụi đời chợ Lớn”, hoặc hàng loạt phim bị cắt đến tơi tả. Như “Thiên linh cái”, sau khi qua kiểm duyệt đổi thành “Thất sơn tâm linh”, và mạch phim thiếu lỗ chỗ, khiến khán giả xem bị khó hiểu, ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu phim.
Phải chăng, thật sự nên cân nhắc đến bỏ độc quyền, hoặc một giải pháp nào đó khiến việc kiểm duyệt, thẩm định có quy chuẩn hơn, hợp lý hơn để điện ảnh Việt có thể thoát “cùm” mà vươn xa, để có một môi trường làm phim an toàn cho nhà sản xuất trong nước và để tránh đi những sự cố đáng tiếc như “đường lưỡi bò” trong phim hoạt hình nhập khẩu.