Theo đó, các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh tiếp tục thực hiện tốt quy trình soạn thảo, tham mưu, trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật (từ khâu xin chủ trương, tổ chức lấy ý kiến góp ý, thẩm định, thẩm tra, kiểm tra và tự kiểm tra văn bản…). Nhờ vậy, 100% văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành đều không quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính hoặc các quy định khác làm phát sinh chi phí tuân thủ pháp luật, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.
Tỉnh cũng rà soát, đánh giá đúng, thực chất gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật mà các doanh nghiệp đã, đang và tiếp tục phải gánh trong quá trình thực hiện, chấp hành các quy định pháp luật. Trong đó, đặc biệt quan tâm, chú trọng đến việc bãi bỏ các quy định tạo ra chi phí tuân thủ pháp luật về gia nhập thị trường và chi phí tuân thủ pháp luật về xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết số 139/NQ-CP ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Cắt băng khai trương Trung tâm Hành chính công tỉnh Hậu Giang (ảnh minh họa) |
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, phổ biến, triển khai quán triệt, giải thích quy định của các văn bản pháp luật mới được ban hành để cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ các quy định pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh; các doanh nghiệp nắm được các quy định mới của các văn bản pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh; cấp phát, hướng dẫn sử dụng các tài liệu về tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện công bố, niêm yết, đăng tải công khai kịp thời, đầy đủ, rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, Cổng thông tin điện tử tỉnh về các điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, các điều kiện đã được đơn giản hóa, các nội dung sửa đổi, bổ sung, các quy định mới trong các lĩnh vực kinh doanh dễ làm phát sinh các chi phí không chính tức trong tuân thủ pháp luật
Tuy nhiên, Hậu Giang chia sẻ, nhiệm vụ cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật mới triển khai lần đầu tiên nên còn gặp khó khăn trong tổ chức thực hiện theo các nhóm chi phí của doanh nghiệp (chi phí hành chính liên quan đến báo cáo cung cấp thông tin và chi phí tuân thủ về mặt nội dung) và chi phí của cơ quan nhà nước (quản lý thực thi quy định pháp luật), kể cả nhóm chi phí tuân thủ pháp luật (chi phí tuân thủ pháp luật về gia nhập thị trường và chi phí tuân thủ pháp luật về xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh); chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh; phí, lệ phí, tiền thuê đất và tiền khai thác tài nguyên; chi phí không chính thức.
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang kiểm tra cơ sở vật chất tại Trung tâm Hành chính công (ảnh minh họa) |
Không những thế, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khai thác, công khai các loại thủ tục hành chính cũng như phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, giữa cơ quan với doanh nghiệp chưa được nhịp nhàng và hiệu quả, chưa có bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin ở các doanh nghiệp.
Công tác hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp tại một số cơ quan, đơn vị chưa được bố trí cán bộ chuyên trách, thiếu kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm thực tế, thường do cán bộ làm công tác chuyên môn thực hiện nên tính chuyên nghiệp, phương pháp thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả cao.
Trên cơ sở này, Hậu Giang kiến nghị Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên tổ chức tập huấn hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (chỉ số B1) để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, viên chức làm công tác chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.