Xác định nhân tố con người là quan trọng, hàng năm, Sở Tư pháp đều tham mưu mở các lớp tập huấn nghiệp vụ tư pháp về công tác xây dựng văn bản và kỹ năng PBGDPL, mỗi lớp có từ 150 - 200 lượt người tham dự.
Nhiều hình thức tuyên truyền đã được triển khai và phát huy hiệu quả như: Tổ chức hội nghị, tọa đàm; tuyên truyền qua các hội thi tìm hiểu pháp luật; sinh hoạt các Câu lạc bộ pháp luật ấp, khu vực và trường học; qua các phương tiện thông tin đại chúng; các buổi sinh hoạt văn hóa - văn nghệ; qua phát hành tài liệu, tờ rơi pháp luật, tờ gấp, băng rôn, áp phích; qua hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật; qua hoạt động hòa giải ở cơ sở; qua tủ sách, kệ sách pháp luật; qua sinh hoạt dưới cờ tại các trường học…
Nhiều mô hình đã đạt được hiệu quả cao, được sự đồng thuận của người dân, như mô hình “Tổ tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong đồng bào dân tộc, tôn giáo và vận động không vi phạm pháp luật” tại ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hữu (huyện Châu Thành). Toàn ấp có 2.620 nhân khẩu, với 11 hộ dân tộc Khmer, có 120 tín đồ tôn giáo. Phòng Tư pháp huyện và MTTQ huyện đã tổ chức thực hiện mô hình này với hình thức sinh hoạt chuyên đề hàng tháng, cung cấp tờ rơi pháp luật để người dân đọc và bổ sung kiến thức cần thiết.
Ông Lê Văn Út (người dân ấp Phú Nghĩa) cho biết đã tiếp thu được nhiều thông tin pháp luật cần thiết cho cuộc sống. “Chính quyền địa phương lồng ghép tuyên truyền nhiều nội dung, nhưng bản thân tôi thấy tâm đắc nhất là những thông tin pháp luật về bảo hiểm y tế. Được tuyên truyền, chúng tôi nhận thức rằng việc tham gia bảo hiểm y tế là rất cần thiết, để giảm nhẹ chi phí điều trị khi có bệnh tật”, ông Út chia sẻ.
Trường THPT Lương Thế Vinh (thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp) trước năm 2011, có một số học sinh hay gây gổ mất trật tự ảnh hưởng đến việc học tập. Để phòng ngừa cũng như giáo dục các em, nhà trường đã phối hợp với địa phương thực hiện mô hình “Giáo dục thanh, thiếu niên tuổi học đường không vi phạm pháp luật”.
Hàng tháng trường phối hợp với ngành chức năng nắm bắt dư luận về tình hình chấp hành quy định pháp luật của học sinh để có biện pháp can thiệp, đồng thời tổ chức lồng ghép các nội dung tuyên truyền pháp luật đến với các em thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, phát tờ bướm pháp luật và bản thông tin của nhà trường để các em kịp thời nắm bắt.
Phó Hiệu trưởng Lê Văn Tuấn cho biết: “Với nhiều giải pháp đồng bộ, từ khi thành lập mô hình đến nay, trường không có học sinh tụ tập gây rối, đánh nhau và vi phạm pháp luật. Các em cũng hiểu rõ tác hại của các tệ nạn xã hội; được giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, ý thức được nhiệm vụ, trách nhiệm của mình nên ra sức học tập, tham gia các phong trào của lớp, trường”.
Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh cho biết, hiện nay công tác tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn tỉnh được thực hiện với nhiều hình thức phong phú như hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên, các hội nghị triển khai luật, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, các cuộc hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt câu lạc bộ, hội thi tìm hiểu pháp luật… “Việc đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền sẽ giúp người dân dễ dàng hơn trong tiếp cận các chính sách, pháp luật”, ông Quân nói.