ĐHĐCĐ lần đầu của Hapro có 591 cổ đông tham dự chính thức và uỷ quyền, đại diện cho quyền sở hữu 206.687.811 cổ phần phổ thông, chiếm tỷ lệ 93,95% tổng số cổ phần.
Đại hội đã bầu ra Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát (BKS) Hapro nhiệm kỳ 2018-2023. Sau đó, HĐQT, BKS đã tiến hành họp và bầu Chủ tịch HĐQT, Trưởng BKS, đồng thời tại phiên họp đầu tiên, HĐQT đã ra nghị quyết bổ nhiệm các chức danh trong Ban Điều hành. Theo đó, HĐQT có 5 thành viên trong đó bà Nguyễn Thị Nga là Chủ tịch; BKS có 3 thành viên, trong đó bà Nguyễn Hồng Hải là Trưởng ban; Ban Điều hành gồm 8 thánh viên, trong đó ông Vũ Thanh Sơn là Tổng giám đốc .
Đại hội đã các định Chiến lược phát triển là tiếp tục xây dựng và phát triển Hapro là một Tổng công ty xuất nhập khẩu và thương mại nội địa có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, phát huy vai trò là một DN kinh tế, thương mại lớn, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội. Tập trung phát triển thị trường nội địa với hệ thống Siêu thị HaproMart, HaproFood và hệ thống các cửa hàng ăn uống dịch vụ,…
Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng thương mại tại Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước phục vụ phát triển hệ thống bán lẻ; Đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm chủ lực của Việt Nam, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; Tập trung đầu tư các Nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu trọng tâm là một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hapro để xuất khẩu và sản xuất các mặt hàng đưa vào hệ thống bán lẻ tại thị trường nội địa của Tổng công ty.
Cụ thể, liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu, Đại hội đã đặt ra mục tiêu tập trung phát triển đẩy mạnh và nâng cao kim ngạch xuất khẩu trong toàn Tổng công ty; phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu chiếm 80% tổng doanh thu của Tổng công ty. Đưa thương hiệu xuất khẩu Hapro trở thành thương hiệu quốc tế hàng đầu tại khu vực, bao trùm mọi hoạt động của Tổng công ty. Xây dựng thành công 05 mặt hàng xuất khẩu nằm trong 05 DN xuất khẩu hàng đầu cả nước gồm: Gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, thủ công mỹ nghệ;
Ngay sau cổ phần hóa, Hapro tập trung đẩy mạnh xuất nhập khẩu: phát triển mở rộng thêm các thị trường lớn, có tiềm năng; phấn đấu đến năm 2020, Tổng công ty có thị trường xuất khẩu mở rộng tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên Thế giới. Xây dựng một số nhà máy chế biến hàng nông sản để chủ động về nguồn hàng hóa, đáp ứng được các đơn hàng lớn như Nhà máy chế biến hạt điều, Nhà máy chế biến hạt tiêu; Mở rộng hoạt động của Nhà máy xay sát gạo tại Đồng Tháp,… Phát triển một mặt hàng xuất khẩu mới như mặt hàng chế biến thành phẩm, đóng gói bao bì mang thương hiệu Hapro để đưa trực tiếp vào một số chuỗi Siêu thị, Trung tâm thương mại, đại Siêu thị tại nước ngoài..
6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Hapro đạt 63,6 triệu USD bằng 143% so với cùng kỳ 2017. Trong đó Công ty mẹ - Tổng công ty đạt 63,1 triệu USD đạt 57% kế hoạch năm bằng 152% so với cùng kỳ 2017. Tổng doanh thu đạt 2.676 tỷ đồng bằng 127% so với cùng kỳ 2017. Trong đó Công ty mẹ - Tổng công ty đạt 2.022 tỷ đồng đạt 57% kế hoạch năm bằng 152% so với cùng kỳ 2017.
Đại hội cổ đông đã thông qua mục tiêu: Kim ngạch xuất khẩu: đạt 117 triệu USD bằng 115% so với cùng kỳ 2017. Trong đó Công ty mẹ - Tổng công ty đạt 115 triệu USD bằng 131% so với cùng kỳ 2017; Tổng doanh thu: 6.400 tỷ đồng bằng 115% so với cùng kỳ 2017. Trong đó Công ty mẹ - Tổng công ty đạt 3.560 tỷ đồng bằng 108% so với cùng kỳ 2017.