Quá khứ và hiện tại, lịch sử và tương lai luôn luôn hiện diện và hội tụ trong mùa xuân dân tộc. Dải đất quật cường hình chữ S này mở đầu mùa xuân bằng lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, đánh tan 30 vạn quân Thanh xâm lược vào đúng ngày mùng 5 tết. Tiếp tục, ngày 7 tháng Giêng âm lịch là lễ hội đền Sóc, tưởng niệm và tôn vinh huyền thoại Thánh Gióng, một tượng đài tâm linh dựng giữa lòng con dân Việt ngàn đời nay về người anh hùng giữ bờ cõi, giang sơn đánh đuổi giặc Ân xâm lược. Cậu bé 3 tuổi vươn vai thành Phù Đổng Thiên Vương, cây tre đánh giặc thành biểu tượng vũ khí diệt thù, nhân dân phong thánh cho người anh hùng diệt giặc cũng rất dân dã: Thánh Gióng (gióng tre). Nếu như Thánh Gióng chỉ là nhân vật huyền thoại thì người thứ hai được nhân dân phong thánh là một nhân vật lịch sử: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn với chiến công lẫy lừng 3 lần đánh tan quân Nguyên. Dân tộc ta có 2 vị thánh đó, huyền thoại và lịch sử trộn lẫn, sống mãi trong tâm tưởng nhân dân với sức mạnh Phù Đổng và hào khí Đông A. Âm vang hào khí chiến thắng mùa xuân sẽ còn kéo dài đến kỷ niệm chiến thắng 30/4 lịch sử, ngày thống nhất toàn cõi Việt Nam.
Xen giữa những ngày kỷ niệm chiến công oanh liệt là những lễ hội tưởng nhớ và tri ân tổ tiên, ông cha dựng nước và giữ nước. Mở đầu tháng Giêng là ngày giỗ Mẹ Âu Cơ – được coi là Tổ mẫu người Việt, tiếp theo đó, Giỗ Tổ Hùng Vương vào 10/3. Trong tháng 3 cũng là ngày giỗ Hai Bà Trưng, kỷ niệm cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử dân tộc chống lại ách thống trị ngoại bang, khôi phục nền độc lập dân tộc, các nữ tướng đã “Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân” và dựng lên bờ cõi “Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”. Những lễ hội mang đậm ý nghĩa tâm linh và giá trị truyền thống chính là sự nuôi dưỡng nguồn mạch dồi dào lòng yêu nước, chí khí quật cường của dân tộc chúng ta.
Hào khí mùa xuân không chỉ là việc ôn lại truyền thống mà còn là sự tiếp nối truyền thống đáng tự hào và thể hiện ý chí dân tộc. Trước ngưỡng cửa mùa xuân này, đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam đã lập nên kỳ tích đã đánh thức không chỉ là niềm vui đơn thuần mà là sự tự hào dân tộc. Cái sức mạnh Phù Đổng tiềm ẩn trong đội bóng nhỏ bé ở vùng trũng Đông Nam Á bỗng vươn vai lớn dậy trở thành người khổng lồ tầm châu lục. Đó chính là biểu trưng của ý chí quật cường, tinh thần đoàn kết vì màu cờ, sắc áo và cả vì thể diện quốc gia. Cả nước xuống đường mừng chiến thắng, biểu dương hào khí mùa xuân, hào khí Việt Nam! Cái hào khí chiến thắng quân xâm lược đã chuyển hóa sang các lĩnh vực thể thao, văn hóa và tinh thần đó được thể hiện trong cách lĩnh vực xây dựng nước nhà, phát triển kinh tế để độc lập, tự do và hạnh phúc, ấm no song hành!
Hào khí mùa xuân biểu hiện sức sống mạnh mẽ của cả dân tộc, một khí thế vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao mới cùng tiến trình đi lên của nhân loại. Bên cạnh đó, giá trị truyền thống mang đậm đà bản sắc dân tộc Việt là giữ gìn hòa khí ngày xuân. Đó là biểu hiện của một đất nước thanh bình mà ở đó, con người tôn trọng con người, dành cho nhau không chỉ là những lời chúc đầu xuân tốt đẹp mà còn là mong muốn thực sự một cuộc sống an khang, thịnh vượng, gặp nhiều may mắn, tốt lành. Cái hòa khí ngày xuân được giữ gìn từ buổi đầm ấm tất niên qua lúc giao thừa thiêng liêng, trong 3 ngày Tết ở mỗi gia đình rồi lan tỏa ra cộng đồng dân cư, ngoài xã hội đã khiến cho ngày xuân phơi phới tin yêu và tôn vinh, trân quý một cuộc sống thanh bình.
Mùa xuân đã tới, mùa xuân của đất trời, lòng người, mùa xuân hòa hợp dân tộc, điểm gặp của khát vọng và ý chí, nghị lực và thanh tân, dự cảm tương lai tốt đẹp!