Anh Nguyên và chị Lưu khi còn ở nhà thuê chật chội thì ít xảy ra mâu thuẫn. 4 năm sau ngày cưới, khi được vay ưu đãi mua căn hộ chung cư, họ lại liên tục bất hoà. Người chồng thấy cuộc sống tẻ nhạt vì bất đồng quan điểm về tài chính và mâu thuẫn ngày càng bị "đẩy ra xa" nên từng viết đơn ly dị. Tuy nhiên, anh đã rút đơn khi thấy vợ có thay đổi.
Mối quan hệ của hai người sau thời gian đầu êm thấm lại bắt đầu bùng lên mâu thuẫn cũ. Sau một lần cãi vã rồi xảy ra xô xát, đầu năm 2015 chị Lưu bỏ nhà, thuê phòng trọ sống một mình và giấu chồng địa chỉ. Ở nhà, anh Nguyên nộp đơn lên TAND huyện Gia Lâm xin ly hôn.
Nhiều lần gửi giấy về căn hộ chung cư (nơi tạm trú) đề nghị chị Lưu đến làm thủ tục song không thấy được thực hiện, toà án xử ly hôn vắng mặt người vợ. Đầu năm 2016, anh Nguyên thành "người tự do" và ít tháng sau cưới vợ mới.
Chị Lưu khi hay tin qua người hàng xóm đã lập tức kháng cáo với lý do vẫn còn tình cảm với chồng, muốn níu kéo cuộc hôn nhân.
Tại phiên phúc thẩm do TAND Hà Nội mở vào ngày giáp Tết nguyên đán 2017, chị bảo hai người không có mâu thuẫn gì lớn. Chị luôn yêu thương chồng nhưng không hiểu sao hay bị anh tìm cớ gây sự để đánh đập. Sợ tính vũ phu của chồng nên chị muốn lánh mặt một thời gian để anh bình tâm lại, nào ngờ "mất chồng".
Anh Nguyên thì ngược lại với vợ khi cho rằng tình cảm hai người đã cạn. Kết hôn gần chục năm mà không có con, anh và gia đình đã đầu tư tiền bạc, thời gian để chạy chữa nhưng không thấy chuyển biến. Anh đánh giá vợ không chịu khó làm việc, công việc gì cũng cho là không “tử tế”.
Anh nêu quan điểm không muốn hoà giải để cứu vãn cuộc hôn nhân này, trong khi chị Lưu một mực nhắc đi nhắc lại vẫn thủy chung, thương yêu chồng. Thẩm phán hỏi cách "nỗ lực hàn gắn tình cảm" song chị đều không trả lời thẳng mà liên tục nói vẫn còn yêu chồng. "Khi có mâu thuẫn chị đã làm gì để giải quyết? Trong lúc bỏ nhà ra đi, chị có liên lạc nhằm hàn gắn hôn nhân? Là phụ nữ có học thức, khi bị bạo hành chị có biết đến đâu nhờ trợ giúp không?", toà hỏi.
Tòa cũng hỏi anh Nguyên "có thấy trách nhiệm của mình trong mâu thuẫn gia đình và việc vợ không có công việc ổn định không?". Anh khá ngạc nhiên rồi cho hay, chỉ là công chức bình thường nên không đủ quan hệ để xin cho vợ một công việc mà theo chị phải là “tử tế”.
Do không thể hoà giải được tại toà, TAND Hà Nội tuyên chấp nhận một phần đơn kháng cáo của chị Lưu, sửa án sơ thẩm, bác yêu cầu xin ly hôn của anh Nguyên. Cấp phúc thẩm cho rằng việc TAND huyện Gia Lâm chấp nhận yêu cầu ly hôn của anh Nguyên là có căn cứ vì tình cảm vợ chồng đã không còn. Tuy nhiên vì vắng mặt nên việc hòa giải giữa hai người chưa diễn ra khiến chị Lưu còn chưa thỏa mãn. TAND Hà Nội quyết định giao cho cấp sơ thẩm giải quyết lại từ đầu để chị có cơ hội hòa giải với chồng..
Sau phán quyết này, chị Lưu tươi cười bước ra khỏi phòng xử, không một lần nhìn người chồng mà chị vừa nói "vẫn tha thiết yêu thương, muốn hàn gắn".