[links()] "Cơn ác mộng" của tù nhân trốn trại - Kỳ 2: Truy bắt gã tù nhân phong tình
Tiếp tục câu chuyện truy bắt tội phạm trốn trại, Thiếu tá Nguyễn Văn Bé Năm (Đội trưởng đội Trinh sát - Trại giam Mỹ Phước) kể về trường hợp phạm nhân Trần Duy Triệu (SN 1947, ngụ ấp Mỹ Định, huyện Nhị Mỹ, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).
Thiếu tá Nguyễn Văn Bé Năm. |
Tên tội phạm đào hoa
Bị bắt từ tháng 4/1990 về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa” và “Giả mạo chức vụ”, Triệu bị Tòa tuyên phạt 9 năm tù giam. Vào chấp hành án được 2 năm, đến tháng 7/1992, Triệu đã khoét tường, đào vách để trốn khỏi trại giam.
Sau khi trốn trại, Triệu vẫn ngang nhiên tung hoành ở khắp các tỉnh thành như TP.Hồ Chí Minh, Tiền Giang. Và cũng chính trong thời gian trốn tù này, với khả năng “dẻo mỏ” của mình, Triệu đã lần lượt chinh phục được trái tim của nhiều người phụ nữ. Trong thời gian lẩn trốn, Triệu chung sống như vợ chồng với 4 người phụ nữ và cũng có con riêng với họ. Sự phong tình của phạm nhân này dường như cũng chính là thứ vũ khí hữu hiệu giúp hắn trốn thoát được sự truy bắt của cơ quan công an.
Để che giấu thân phận tù tội, Triệu lấy tên giả là Trần Ngọc Ẩn, tạo cho mình nhiều vỏ bọc khác nhau khi sống với nhiều người phụ nữ ở Mỹ Tho (Tiền Giang) và TP.Hồ Chí Minh nên hắn rất tự tin rằng mình sẽ không thể bị lộ. Sau một thời gian sinh sống tại Việt Nam, “con cáo già” này quyết định trốn sang Campuchia cho an toàn.
Dưới cái tên Trần Ngọc Ẩn, Triệu đã kết hôn mới một người phụ nữ Campuchia và có với người này 1 cô con gái. Trên đất khách, Triệu còn đàng hoàng mở một cửa hàng sửa chữa đồ điện, điện tử và sống cùng vợ con tại Phnom Penh (Campuchia). Trong lúc Triệu đang vui sướng vì đã tạo được cho mình một vỏ bọc hoàn toàn mới ở một miền đất hoàn toàn mới thì khắc tinh của hắn xuất hiện. Người đem đến cơn ác mộng cho gã tội phạm này chính là Thiếu tá Nguyễn Văn Bé Năm.
Dụ rắn ra khỏi hang
Giống như phạm nhân Trần Văn Đông mà PLVN đã đề cập, trường hợp trốn trại của Trần Duy Triệu cũng xảy ra từ trước khi Thiếu tá Bé Năm vào công tác tại Trại giam Mỹ Phước. Tuy nhiên với tinh thần trách nhiệm của mình, anh vẫn quyết tâm nghiên cứu hồ sơ của Triệu để truy bắt hắn đến cùng. Tuy nhiên, việc Triệu mai danh ẩn tích, che giấu hành tung của mình rất kỹ càng khiến mọi cố gắng điều tra của Bé Năm đều không đem lại kết quả gì. Khoảng hơn chục năm đằng đẵng không có một chút manh mối nào về Triệu, mọi mối quan hệ của Triệu đều không đem lại thông tin gì hữu ích cho người trinh sát này.
Nhận dạng của đối tượng Trần Duy Triệu. |
Nhưng sự kiên trì bao giờ cũng đem lại cho người ta thành quả. Sau 20 năm đều đặn rà soát, dò hỏi từ người thân, bạn bè cho đến chính quyền địa phương, cuối cùng Bé Năm đã nắm được một đầu mối then chốt của Triệu, đó chính là cái sự đào hoa, đi đến đâu vương tình đến đó của Triệu.
Sau khi đã lần ra được những mối quan hệ sau khi trốn trại của Triệu, tìm được địa chỉ của những người vợ của Triệu rồi, Thiếu tá Bé Năm cuối cùng cũng đã xác định được Triệu đang trốn tại Campuchia dưới một cái tên Trần Ngọc Ẩn. Việc Ẩn lúc này đã mang quốc tịch Campuchia trở thành trở ngại rất lớn đối với Thiếu tá Bé Năm trong việc bắt giữ hắn. Vì Triệu mang quốc tịch nước ngoài nên muốn bắt hắn thì phải thông qua Interpol, mà công đoạn này rất tốn thời gian.
Trong khi đó, sau khi đã rà soát từ những người thân của Triệu, sợ “dứt dây động rừng”, Triệu sẽ đề phòng và tiếp tục vỏ trốn nên việc bắt giữ Triệu cần phải tiến hành ngay, không được phép chậm trễ vì để càng lâu càng dễ sinh biến.
Việc tiếp cận Triệu càng trở nên khó khăn hơn khi Triệu rất cáo già và cảnh giác. Kể từ khi sang Campuchia, hắn không bao giờ bước chân qua cửa khẩu về Việt Nam. Muốn bắt Triệu ngay lúc này thì không có cách nào khác là phải điều được Triệu qua cửa khẩu về địa phận Việt Nam.
Lúc này, bản lĩnh của người chiến sỹ trinh sát càng thể hiện rõ hơn bao giờ hết, sự linh động và sắc bén đã giúp cho kế hoạch của thiếu tá Năm thành công. Bằng những biện pháp nghiệp vụ, đến ngày 9/8/2011, thiếu tá Năm đã dụ được Triệu bước qua cửa khẩu về ranh giới Việt Nam.
Ngay khi vừa đặt chân lên đất Việt Nam tại Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, Triệu đã bị bắt giữ. Khi mới bị bắt, Triệu vẫn ỷ vào lý lịch và quôc tịch mới của mình nên hắn một mực chối cãi, không thừa nhận. Chỉ đến khi nhìn thấy lệnh truy nã với tấm ảnh nhận dạng của mình được dán lù lù trên đó, Triệu mới cứng lưỡi và chịu thúc thủ...
Thay cho lời kết
Qua những câu chuyện về hành trình hàng chục năm theo đuổi những cái bóng mờ của những phạm nhân trốn trại, chúng tôi mới hiểu thêm được về ý chí sắt đá của những chiến sỹ trinh sát trại giam. Họ phải “rắn” để đối đầu với những nguy hiểm, phải “sắc” để làm mũi nhọn tấn công tội phạm và hơn nữa là phải bền để không sờn lòng trước những khó khăn trở ngại. Giả sử khi gặp những trương hợp phạm nhân trốn trại như trên, người chiến sĩ trinh sát mà sờn lòng, bỏ cuộc sau hàng chục năm ròng rã thì giờ đây có lẽ những phạm nhân đó vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Với Thiếu tá Năm, cái máu trinh sát dường như đã ngấm sâu vào con người anh. Ngay cả khi ngồi trò chuyện với phóng viên, anh Năm vẫn có vẻ thấp thỏm. Chúng tôi gặng hỏi người trinh sát này mới chịu thổ lộ, hóa ra gần đây anh đang theo dấu một tội phạm trốn trại cách đây gần 30 năm, việc lùng theo dấu vết mới bắt đầu đem lại chút hiệu quả, giờ đây anh đang nóng lòng chờ thông tin xác minh từ các nơi báo về. “Công sức lần theo dấu vết tội phạm hàng chục năm nay đã gần đến ngày “thu hoạch” rồi!” - ánh mắt Bé Năm như rực sáng một niềm tin.
Giang Nam