Kể về hành trình thoát khỏi đói nghèo của mình, anh Pang Ting Y Thuốt (thôn 1, xã Rô Men, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) luôn dành sự trân trọng đối với nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp đỡ cho rất nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số nghèo có nguồn vốn để mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình, thoát khỏi khó khăn, đói nghèo, vươn lên làm giàu.
Anh Pang Ting Y Thuốt cải tạo lại vườn cà phê |
Gia đình anh Y Thuốt, người dân tộc M’Nông sinh sống từ nhỏ ở vùng đất nghèo huyện Đam Rông, Lâm Đồng. Lập gia đình với hai bàn tay trắng, anh và gia đình gặp vô vàn khó khăn vì thiếu vốn sản xuất và cơ sở vật chất để trang trải cho cuộc sống gia đình. “Là trụ cột của gia đình với 5 nhân khẩu, làm thế nào để bản thân mình phải tạo dựng được một cuộc sống vững chắc và các con khỏi vất vả, đói nghèo luôn là câu hỏi ngày nào tôi cũng nghĩ cách trả lời” – anh Y Thuốt nói.
Người M’Nông bao năm chủ yếu là trồng cây cà phê, cây bắp và chăn nuôi bò, anh Y Thuốt cũng học hỏi và tích lũy được một ít kiến thức về cải tạo cây cà phê, chăm sóc bò sinh sản. Đến năm 2013, với kinh nghiệm đã học hỏi được, anh mạnh dạn áp dụng vào vườn cây cà phê của mình, với mong muốn đầu tư trồng cây cà phê đạt năng suất cao.
“Khi chưa biết làm thế nào để giải quyết khó khăn lớn nhất là nguồn vốn thì qua sinh hoạt tại Hội Nông dân thôn 1, gia đình tôi biết được các chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Gia đình tôi rất vui mừng vì từ đây chúng tôi có được “cần câu” để thoát khỏi cảnh nghèo khó. Thế là tôi đã mạnh dạn làm đơn xin vay vốn NHCSXH” – anh Y Thuốt nói.
Qua cuộc họp bình xét của Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại thôn, gia đình anh được bình xét cho vay vốn từ chương trình hộ nghèo số tiền là 30 triệu đồng. Anh Y Thuốt cho biết: “Với số tiền này và thêm ít vốn gia đình tiết kiệm được, tôi đã đầu tư vào xây dựng chuồng trại, mua bò giống và cải tạo vườn cà phê già cỗi. Chỉ trong thời gian gần hai năm, với sự cần cù, chịu khó và công sức bỏ ra, tài sản hình thành từ vốn vay NHCSXH đã ngày càng phát triển, từ 1 con đã phát triển lên tới 3 con bò. Năng suất của 1,2 ha cà phê tăng từ 2,5 tấn lên 4,5 tấn”.
Năm 2015 gia đình anh Anh Pang Ting Y Thuốt đã vươn lên thoát nghèo và trả toàn bộ khoản nợ vay cho NHCSXH. Sau đó, để được thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, đầu năm 2016, gia đình anh được cho vay 50 triệu đồng nguồn vốn chương trình hộ mới thoát nghèo để mở rộng diện tích cây cà phê và đa dạng hóa một số cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao như bơ, sầu riêng và dâu tằm. Đến tháng 3/2018, gia đình anh tiếp tục được vay thêm 12 triệu đồng để đầu tư làm nhà vệ sinh và công trình nước sạch. Tổng số tiền gia đình tôi đã được vay là 92 triệu đồng, hiện còn nợ lại 62 triệu đồng.
“Nguồn vốn vay của NHCSXH đã đem lại hiệu quả rất lớn cho gia đình tôi. Được vay vốn với lãi suất ưu đãi, hồ sơ thủ tục đơn giản dễ làm, không phải thế chấp tài sản, lãi suất ưu đãi, đầu tư đúng lúc, đúng thời điểm đã giúp cho gia đình tôi làm ăn có hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững, cải thiện đời sống, kinh tế gia đình từng bước đi vào ổn định” – anh Y Thuốt nói.
Ngoài việc vay vốn, thông qua sinh hoạt Hội Nông dân, Tổ TK&VV, anh còn được tham gia trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt và tham dự các lớp tập huấn của hội đoàn thể nên anh có nhiều kiến thức hơn để áp dụng vào việc sản xuất kinh doanh của gia đình mình.
“Tại huyện Đam Rông nói chung và xã Rô Men nói riêng phần lớn cư dân là người dân tộc đồng bào thiểu số Tây Nguyên, trình độ sản xuất lạc hậu, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, vì vậy tôi mong Chính phủ, NHCSXH tiếp tục quan tâm đầu tư thêm nguồn vốn tín dụng ưu đãi để hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số như gia đình tôi được vay vốn phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, từng bước đi lên làm giàu” – anh Y Thuốt đề đạt.