Tái sinh đời mình
Khỏe mạnh, có việc làm ổn định tại TP HCM, bên cạnh là gia đình êm ấm ở quê nhà, phía trước là tương lai, cuộc đời của chàng trai Nguyễn Văn Lưu có lẽ cứ thế yên bình trôi qua nếu không có biến cố xảy đến khi anh sắp hết tuổi 22.
Một tối cuối tháng 9/2016, trên đường đi làm về, Lưu bị một chiếc ô tô tông trúng, khiến anh phải tự tay ký vào giấy mổ cưa chân trái. Sau mấy tháng điều trị hồi phục, công ty đã quan tâm gọi Lưu trở lại làm việc. Hạn chế ngoại hình, Lưu không thể tiếp tục công việc về giao dịch, bán hàng mà chuyển sang làm văn phòng. Với tính cách thích sự sôi nổi, mới mẻ, gặp gỡ nhiều người nên khi làm văn phòng được một thời gian, cảm thấy không phù hợp, Lưu xin nghỉ hẳn.
Bà Lê Thị Hồng (mẹ của Lưu) cho biết, trong thời gian về nhà ở quê tĩnh dưỡng, Lưu thường đến giúp việc cho Tịnh xá Ngọc Như (xã Cát Trinh, huyện Phù Cát) như tham gia nấu cơm, biếu cơm, cháo cho bệnh nhân, kêu gọi giúp đỡ một số hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Từ đó, Lưu hay trăn trở về những cảnh đời nghèo khổ, bệnh tật, neo đơn.
“Tôi vui vì con giàu lòng trắc ẩn nhưng cũng lo con “già” trước tuổi, nặng lòng chuyện xã hội mà quên cuộc sống bản thân. Tuy nhiên, khi Lưu xin ra Bắc học nghề, vợ chồng tôi rất vui mừng. Chẳng ngờ đó là cơ duyên để con chọn việc thiện nguyện làm niềm vui đời mình”, bà Hồng chia sẻ.
Lưu Nguyễn Lưu trong một lần chinh phục đỉnh Fansipan. |
Lưu Nguyễn - nick name facebook cá nhân của Lưu hiện có gần 90.000 người theo dõi. Trung bình mỗi trường hợp anh kêu gọi nhận được cả trăm triệu đồng. Một chàng trai tỉnh lẻ, không địa vị xã hội, chẳng quen thân nạnh thường quân nào, thế nhưng trong hơn 3 năm hoạt động thiện nguyện, Lưu đã giúp trên 40 trường hợp với số tiền khoảng 5 tỷ đồng.
Tự “lý giải” cho điều ấn tượng làm được đến bản thân cũng bất ngờ, Lưu tâm sự: “Khi tai nạn ập đến, tôi thấm thía cảm giác đau đớn, bất lực, rất cần sự giúp đỡ. Giữ được tính mạng, tôi càng quý trọng cuộc sống và càng muốn sống sao cho ý nghĩa nhất. Một mình khóc chán chê, rồi tôi cũng “chốt hạ” rằng dù mất một chân còn một chân nhưng vẫn nguyên vẹn đôi mắt, đôi tay, đầu óc minh mẫn, trái tim nhiệt huyết, cái miệng hay cười, vậy là quá may mắn hơn bao người. Tôi tự nhủ rằng nhất định mình phải tự tái sinh đời mình”.
Cỏ dại thản nhiên xanh
Trường hợp đầu tiên Lưu giúp từng gây “sốt” trên mạng xã hội và báo chí, bởi có lẽ không nhiều người làm được. Đó là khi bắt đầu học nghề tại TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), Lưu biết đến hoàn cảnh của cụ ông Nguyễn Văn Tiến (đã mất tháng 1/2020), vợ qua đời, không con cái, già yếu, lú lẫn, sống một mình, ai cho gì ăn nấy, mọi sinh hoạt đều trên giường.
Suốt 2 tháng sau đó, hàng ngày Lưu mua thức ăn đến cho ông, rồi tắm gội cho ông, quét dọn nhà cửa, thắp hương cho cụ bà. Sáng hôm sau chàng trai lại đến đánh thức cụ ông dậy ăn sáng. Cứ thế, từ dò xét, thắc mắc, dân địa phương dần cảm phục việc làm nghĩa tình của chàng trai Bình Định nhân hậu.
Dù đi lại khó khăn, sức khỏe hạn chế nhưng Lưu lại chọn cách thức làm thiện nguyện bằng việc tìm đến tận những vùng sâu vùng xa, rồi ở cùng lo cho những người già neo đơn, hoặc vào bệnh viện trực tiếp chăm sóc nhiều ngày để san sẻ. Lưu nói vui rằng, có lẽ khởi đầu với một “ca” quá khó và đã chiến thắng bản thân nên mọi việc sau đó nhẹ nhàng.
Đặc biệt, với những trường hợp già yếu sống một mình hay người đơn thân bệnh tật mà chỉ có cha mẹ già, con nhỏ chăm sóc, sự hiện diện, tận tâm của Lưu từ nhà cho đến bệnh viện chính là điểm tựa, là tình thân. Và trước khi rời đi, những số tiền khá lớn mà Lưu kêu gọi được là cứu cánh cho họ trong cơn ngặt nghèo.
Chiếm một nửa trong tổng số các trường hợp Lưu đã hỗ trợ là người Bình Định. Những người già neo đơn như cụ Nguyễn Thị Diệp (ngụ xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), cụ Nguyễn Tâm (ngụ xã Cát Thắng, huyện Phù Cát)… đều được Lưu giúp vài chục triệu đồng để cuộc sống tuổi già vơi bớt nhọc nhằn.
Hai chàng trai Nguyễn Văn Lưu (ngồi) và Nguyễn Quốc Tỉnh. |
Với những hoàn cảnh ngặt nghèo, Lưu nỗ lực kêu gọi và đạt kết quả lớn như anh Lâm Thanh Lý (ngụ xã Hoài Phú, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) bị tai nạn mất 2 chân được các mạnh thường quân giúp đỡ 202 triệu đồng, ông Lê Văn Tân (ngụ xã Hoài Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn) bị suy thận mạn được các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ 185 triệu đồng, anh Nguyễn Quốc Tỉnh (ngụ thị trấn An Lão, huyện An Lão, tỉnh Bình Định) bị tai nạn giao thông cụt một tay một chân vào ngày vợ sinh con đầu lòng được các mạnh thường quân giúp đỡ 161 triệu đồng.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Tỉnh chia sẻ: “Hiện tại, tôi và anh Lưu rất thân thiết với nhau. Trước đây, cả 2 cùng gặp biến cố mất chân, tuổi trẻ và tương lai bị thử thách lớn. Khi tôi bị tai nạn nằm bệnh viện, anh Lưu dành 4 ngày đến bệnh viện săn sóc, động viên tôi. Anh Lưu bảo anh còn may mắn hơn vì không mất đôi tay, độc thân nên đỡ cảm giác gánh nặng. Anh khuyên tôi là còn vợ, đứa con mới chào đời nên bằng mọi giá phải kiên cường, tiếp tục sống tốt. Sự thấu hiểu, chân tình và nghị lực của anh tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Hành trình thiện nguyện đầy tận tâm của anh có lẽ khiến ai cũng phải nể phục”.
Một cách lém lỉnh, Lưu cho biết, có một câu status “thả thính”, “ngôn tình” mà anh rất thích. Đó là “chỉ ước lòng mình như cỏ dại, thấm hết sự đời mà vẫn thản nhiên xanh”. Cuộc đời còn lại của mình, Lưu mong như những loài hoa, cỏ dại, mọc ở đâu cũng sống được và xanh tươi.
Thường thấy ở chàng trai đất võ này là nụ cười luôn nở trên gương mặt tươi, phúc hậu. Chúng tôi tin rằng, ai có dịp tiếp xúc với Lưu cũng đều cảm nhận được lan truyền nguồn năng lượng sống tích cực từ tấm gương từng được tôn vinh ở chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2020 do Tỉnh đoàn Bình Định tổ chức.