Chủ ngôi nhà ấy là chị Lê Thị Hợi (SN 1964), người phụ nữ làm giàu từ hai bàn tay trắng, nuôi hai con học đại học.
Không “đầu hàng” số phận
Bị tật nguyền sau một cơn sốt từ khi mới 3 tuổi, nhưng chị Hợi vẫn khát khao đi học. Bố mẹ thương con nên xin cho chị tới lớp. Thời gian đầu khi chưa quen đôi nạng gỗ, nhiều hôm chị phải chống hai tay xuống đất bò đến trường. Những ngày nắng to, gió thổi bụi mù, “cô bé khoèo” vẫn không để chỗ ngồi của mình bỏ trống. Con đường đến trường gian truân, vất vả nhưng bù lại, thành tích học tập của chị rất cao.
Vượt qua chính mình cùng sự giúp đỡ tận tình của gia đình, bạn bè và thầy, cô giáo, chị hoàn thành chương trình phổ thông trung học. Chị tiếp tục đi học nghề may rồi mở một cửa hiệu nhỏ, kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình.
Cảm phục trước sự thông minh, chịu thương, chịu khó của người con gái tật nguyền có gương mặt tròn như trăng rằm, năm 1988 anh Nông Viết Phương, một chiến sĩ công an huyện Phúc Thọ cầu hôn chị. Chị Hợi xúc động chia sẻ: “Lúc đầu chuyện tình cảm của chúng tôi bị gia đình hai bên phản đối quyết liệt, nhưng không vì vậy mà chúng tôi từ bỏ. Chúng tôi đã cố gắng thuyết phục gia đình và đến với nhau”.
Niềm vui thực sự vỡ òa khi chị sinh con trai đầu lòng khỏe mạnh, đặt tên là Nông Lê Huy Hoàng. Hoàng hiện là sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội. Bốn năm sau, vào năm 1995, chị sinh thêm bé gái Nông Lê Hương Giang, vừa học xong năm thứ nhất Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
Làm giàu từ hai bàn tay trắng
Sau khi thành hôn, kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, đồng lương ít ỏi của anh Phương không đủ trang trải cho 4 miệng ăn.
Vốn là người nhanh nhẹn và ham học hỏi, có sẵn 120m2 đất vườn bố mẹ để lại, năm 1997 chị Hợi quyết định trồng gần 50 gốc bưởi Diễn. Do bưởi được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên 4 năm sau, khu vườn đã mang về cho gia đình chị nguồn thu lớn. Với giá mỗi quả bưởi là 32.000 đồng, anh chị thu lãi gần trăm triệu đồng/năm.
Đến năm 2007, biết nhím là loài vật hoang dã nhưng đã được thuần hóa, lại có sức đề kháng cao, không bệnh tật, thức ăn cho nhím là những loại rau, củ, quả giá rẻ, chị Hợi đã bàn bạc với chồng vay thêm vốn nuôi nhím. Bước đầu, gia đình chị đầu tư 70 triệu đồng mua 6 cặp nhím về nuôi. Nhím sinh sản nhanh, giá thành lại cao (230 - 350 nghìn đồng/1kg), sau hai năm chị đã thu hồi vốn.
Khi có được nhiều kinh nghiệm nuôi nhím, chị Hợi mua thêm 20 cặp nữa về nuôi. Mỗi năm cho thu hoạch hai lứa, mỗi lứa 130 - 150kg, trừ chi phí, một năm chị thu hoạch từ đàn nhím 40 - 50 triệu đồng.
Nhiều người cảm phục chị vì “dám nghĩ, dám làm”. Chị Hợi cười tươi: “Lúc vay tiền để nuôi nhím, quả thực là cũng hơi run vì chưa nuôi bao giờ, không biết có tiêu thụ được không. Nhưng may mắn đã mỉm cười với tôi. Giờ tôi có thể yên tâm nuôi hai con ăn học mà không phải lo lắng nhiều như trước nữa”.
Anh Nông Viết Phương, chồng chị Hợi cũng chia sẻ: “Vợ tôi là người phụ nữ tuyệt vời. Chung sống với nhau 24 năm nhưng chưa bao giờ vợ chồng to tiếng với nhau. Nhờ sự đảm đang, quan tâm của vợ mà các con tôi chăm ngoan, học hành tiến bộ, bản thân tôi yên tâm công tác và hoàn thành tốt các nhiệm vụ cấp trên giao phó”.
Năm 2012, gia đình chị xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang. Chị được bầu vào Ban Chấp hành Hội Người khuyết tật huyện Phúc Thọ và tham gia nhiều phong trào dành cho người khuyết tật. Chị đã giúp nhiều hội viên có thêm nghị lực sống và chia sẻ kinh nghiệm làm giàu với họ.
Chị Nguyễn Thị The, một trong những hội viên của Hội Người khuyết tật Phúc Thọ cho biết: “Chị Hợi là một tấm gương sáng cho các hội viên khác học tập. Chị luôn quan tâm, giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Mọi người trong Hội ai cũng yêu quý và kính trọng chị”.
Ngày 28/6/2012, chị còn được vinh danh là một trong 20 gương mặt người khuyết tật tiêu biểu trong cả nước, được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khen thưởng tại Phủ Chủ tịch. Gia đình chị nhiều năm liền được công nhận là Gia đình văn hóa. Thành công và hạnh phúc nhờ sự nỗ lực và ý chí vươn lên, nhưng chị Hợi vẫn nói khiêm tốn: “Tôi thực sự là người phụ nữ may mắn!”./.