LTS: Hiện tại, có hàng triệu trẻ em đang phải di cư tới các quốc gia khác nhau bởi nhiều lý do như xung đột sắc tộc, chiến tranh, đói nghèo, biến đổi khi hậu… Trên hành trình tìm miền đất hứa, nhiều trẻ em đã bị xâm hại những quyền cơ bản của con người. Việc bảo vệ quyền của trẻ em tị nạn và di cư vẫn là một thách thức lien tục và là một cam kết lâu dài từ nhiều tổ chức và quốc gia trên thế giới.
Lựa chọn duy nhất
Khu trại tị nạn Matamoros, bang Tamaulipas (Mexico) với những mái lều lụp xụp là nơi sinh sống của hầu hết gần 2.000 người. Vào năm 2019, ở một túp lều, Marili và hai con sống đang sống lay lắt qua ngày sau khi đã vượt biên tới Mỹ vào mùa hè này, nhưng bị trả về Mexico theo Quy trình Bảo vệ Người di cư (MPP) của chính phủ Mỹ. Marili đã dẫn theo hai con chạy trốn tình trạng bạo lực băng đảng ở Honduras, hiểu rằng quay trở lại quê nhà không khác gì tự sát.
Người tị nạn bị trả về Mexico phải vạ vật ngoài trời trong khu rừng gần Cầu quốc tế Gateway và không nhận được sự trợ giúp nào từ Mỹ hoặc Liên Hợp Quốc. Họ may mắn nhận được đồ cứu trợ gồm lều bạt, quần áo và thực phẩm từ một nhóm hưu trí Mỹ và được một tổ chức phi lợi nhuận chăm sóc y tế.
Hai con của Marili cùng hàng chục đứa trẻ khác trong trại khi đó đồng loạt bị ốm do phải ngủ ngoài trời trong thời tiết giá lạnh. Josue (5 tuổi) và Madeline (3 tuổi), bị ho và tấy đỏ tay chân, các triệu chứng của bỏng lạnh, khi nhiệt độ tuần trước giảm xuống mức 2 độ C, nhưng ba mẹ con Marili chỉ có hai chiếc chăn mỏng để giữ ấm.
Điều kiện tồi tàn của khu trại và thời tiết lạnh giá khiến bệnh tình của những đứa trẻ ngày càng xấu đi. Lo lắng, tuyệt vọng, nhiều gia đình đã quyết định để con vượt biên một mình tới Mỹ. Bởi Marili biết được rằng trẻ em nếu không có bố mẹ đi kèm đều được phép vào Mỹ mà không phải tuân theo quy trình MPP, cô quyết định để 2 con tự vượt biên.
Người mẹ 29 tuổi gói ghém quần áo cho hai con và nhét vào tay Josue một mẩu giấy nhàu nát với nội dung “Con tôi đang bị ốm và ở Mexico này có quá nhiều rủi ro. Tôi không còn cách nào khác để đảm bảo an toàn cho chúng”. Sau đó Marili dẫn hai con tới gần Cầu quốc tế Gateway bắc qua sông biên giới Rio Grande, nối Matamoros (Mexico) với Brownsville (Texas, Mỹ) và chỉ chúng đi tới chỗ nhân viên Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ.
Một đứa trẻ đứng tại khu trại tị nạn Matamoros (Mexico) hồi tháng 10//2020. |
Marili kể lại trong nước mắt: “Josue cầu xin tôi ‘Đừng đuổi con đi’. Là một người mẹ, tôi hiểu đây là lựa chọn tốt nhất cho chúng”. Marili vừa khóc vừa nhìn theo bóng hai con băng qua hàng rào biên giới, không biết còn có thể gặp lại các con hay không. Cô hy vọng chúng sẽ tìm được đến chỗ bố, người đã vượt biên vào Mỹ và được phép ở lại trước khi chính sách MPP có hiệu lực.
Theo các nhân viên cứu trợ ở khu tị nạn, ít nhất 50 đứa trẻ đã vào Mỹ theo cách này trong tháng 11/2019. Các gia đình tị nạn ở đây đều nói về việc khi nào sẽ gửi con qua Mỹ.
Các gia đình ở khu trại đã lập một nhóm Facebook để cùng thảo luận về các lựa chọn và những điều có thể xảy đến khi để con đến Mỹ một mình. “Tôi không thể gạt bỏ suy nghĩ rằng con gái tôi sẽ chết ở đây”, Blanca, mẹ của Valeria, nói.
Họ đều có người thân ở Mỹ, nên muốn gửi con tới đó sống cùng người thân trong thời gian họ ở lại Matamoros chờ đợi xin tị nạn. Họ lo lắng cho những đứa con của mình nếu ở đây có thêm một đợt lạnh hay một trận lũ lụt giống như hồi tháng 9, hoặc bị các băng đảng tội phạm bắt cóc.
Gabrielle mang theo một túi ni-lông chứa giấy tờ tị nạn đến Mỹ một mình, Sarai đi với bạn, và Valeria đi cùng người em gái 7 tuổi. Tất cả đang trong các trại tạm trú khác nhau ở Mỹ. Theo chính sách của Mỹ, những đứa trẻ nhập cư không có bố mẹ đi kèm sẽ bị tạm giữ cho tới khi các nhà chức trách liên hệ được người thân tới nhận.
Glady Canas - người điều hành tổ chức nhân đạo Helping Them Triumph tại khu tị nạn Matamoros, cố gắng thuyết phục các gia đình không để con tới Mỹ một mình. Một người đàn ông chia sẻ với Canas: “Con bé bị ốm. Chúng tôi hết cách rồi. Một đứa trẻ không thể chờ đợi ở đây cả năm như vậy được”, Israel (40 tuổi) nói như van xin. Canas ôm lấy người đàn ông này an ủi. Tuy vậy, Canas thừa nhận rằng: “Tôi không đồng ý với cách họ chọn, bởi một đứa trẻ cần có bố mẹ. Nhưng khi bạn quan sát nơi này, bạn sẽ hiểu được sự tuyệt vọng của họ”, Canas cho biết.
“Cháu thà chết chứ không muốn quay về”
Từ đầu tuần tháng 6/2021, làn sóng di cư từ Maroc tới Tây Ban Nha đã gia tăng đột biến, trong số hơn 8.000 người di cư thì có khoảng 1.500 người là trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.
Khoảnh khắc cậu bé di cư buộc vỏ chai nhựa khắp người, vừa bơi vừa khóc nức nở giữa biển nước mênh mông đã gây chấn động thế giới và được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. Cậu bé khoảng 13-14 tuổi một mình bất chấp mọi hiểm nguy, dấn thân vào hành trình di cư khốc liệt với mong ước có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhiều người trên mạng xã hội đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt về số phận của cậu bé di cư này. Theo trang Reuters, ngay sau khi lên bờ, cậu vội tháo hết vỏ chai, lao thẳng tới bức tường chắn để vào thành phố Ceuta trước khi bị lực lượng an ninh Tây Ban Nha giữ lại.
Cậu bé Maroc di cư gây chấn động thế giới khi dùng vỏ chai nhựa một mình vượt biển. |
Rachid Mohamed al Messaoui - một người lính ở Tây Ban Nha cho biết: “Cậu bé nói không muốn quay trở về. Đứa trẻ không có người thân nào ở Maroc. Cậu bé cũng không quan tâm đến việc mình có thể bị chết cóng giữa biển khơi. Đứa trẻ nói rằng em thà chết còn hơn là trở về Maroc. Tôi chưa từng nghe thấy lời nói ám ảnh nào như vậy từ một đứa trẻ”.
Các nhân viên an ninh sau đó đã đưa cậu bé qua cổng vào khu vực an ninh giữa 2 nước cùng với những người di cư khác. Không rõ chuyện gì đã xảy ra với cậu bé sau đó. Trục xuất trẻ vị thành niên được coi là hành động bất hợp pháp ở Tây Ban Nha, khiến làn sóng trẻ nhỏ và thiếu niên di cư tới nước này tăng đột biến.
Anh Al Messaoui (25 tuổi) là người biết tiếng Maroc, đóng vai trò như phiên dịch viên cho các đồng nghiệp trong quân đội Tây Ban Nha, cho hay: “Bạn sẽ cảm thấy thất vọng và tuyệt vọng vô cùng khi không thể làm gì hơn để giúp đỡ cậu bé ấy”.
Khi được hỏi sẽ nói gì với cha mẹ của những đứa trẻ di cư từ Maroc đang muốn đến Ceuta, Al Messaoui cho hay: “Đừng để các em rời đi, hãy ở bên chúng và đoàn kết với nhau ngay cả khi cuộc sống ở quê hương đang khó khăn. Đừng để các em bơ vơ một mình, tuyệt vọng không lối thoát”.
Theo SCMP, hàng trăm người di cư vẫn bất chấp tình hình an ninh thắt chặt để cố gắng tiến vào Ceuta (Tây Ban Nha). Các thợ lặn của lực lượng an ninh Tây Ban Nha đã giải cứu một số trẻ nhỏ khỏi biển nước lạnh ngắt trong khi các binh sĩ khác cũng được triển khai ở biên giới để kiểm soát tình hình.
Đại diện chính quyền Tây Ban Nha cho biết, trong số hàng nghìn người di cư vẫn còn ở Ceuta, nhiều người trong số đó là trẻ em không có gia đình. Chính quyền đang cố gắng giải quyết vấn đề này và nhiều em bày tỏ mong muốn được quay lại quê hương.
(Còn tiếp)