Hành trình chạm vào ước mơ đại học của chàng trai nghèo người Mông ở Hà Giang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong một góc nhỏ ở huyện vùng sâu vùng xa Hà Giang, nơi cuộc sống còn nhiều khó khăn và thiếu thốn, có một học sinh nghèo đã trở thành ánh sáng hi vọng cho gia đình và dòng họ. Em là Sùng Mí Chá đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn để chạm vào ước mơ trở thành tân sinh viên Học viện Biên phòng - Hà Nội.

Sùng Mí Chá (20 tuổi, trú tại thôn Cho Do, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) sinh ra trong một gia đình thuần nông có ba chị em, quanh năm chỉ biết trồng ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cuộc sống thiếu thốn đã trở thành một phần không thể tách rời của gia đình em, nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào nông sản và chăn nuôi gia súc.

Thấu hiểu sự vất vả của cha mẹ nên ngay từ nhỏ Chá đã luôn cố gắng học tập và đạt được nhiều thành tích xuất sắc. Năm 2022, Chá tốt nghiệp THPT và đăng ký thi vào Học viện Biên phòng nhưng không đỗ. Nhiều lúc, em đã định bỏ cuộc nhưng khi nghĩ về bố mẹ đã vất vả nuôi mình khôn lớn cùng với sự ngưỡng mộ đặc biệt đối với các chiến sĩ biên phòng, em lại tiếp tục ôn thi.

Cuối cùng, nhờ sự nỗ lực không ngừng và quyết tâm cao, năm 2024 Chá đã đỗ vào Học viện Biên phòng với tổng điểm ba môn thi khối C là 28,72 điểm.

Sùng Mí Chá chăm chỉ ôn thi đại học. Ảnh: Minh Giàng

Sùng Mí Chá chăm chỉ ôn thi đại học. Ảnh: Minh Giàng

Để có được kết quả cao như hôm nay, em Chá luôn đặt quyết tâm cao nhất, tự luôn giữ quyết tâm cao, tự xây dựng cho mình kế hoạch ôn tập chi tiết, khoa học nhất. Em chia sẻ: “Bố em hay ốm, sức khỏe không ổn định, trong khi ba chị em đều đi học chưa đỡ đần được gia đình nhiều nên em rất thương bố, em quyết tâm ôn ngày ôn đêm. Phương pháp ôn tập của em là học hiểu, không học vẹt và luôn không ngừng trau dồi kiến thức, nhìn nhận vấn đề sự kiện theo nhiều chiều hướng, nhiều góc độ để đưa ra phương pháp biện luận, giải đáp phù hợp nhất".

Quả ngọt sau những cố gắng của Chá là em đã từng bước chạm vào ước mơ được trở thành một chiến sĩ biên phòng. Khi nhận được thông báo kết quả trúng tuyển của Chá, gia đình em đã vỡ òa hạnh phúc.

Ông Sùng Mí Chứ, bố Chá giãi bày: “Nhiều khi nhìn thấy con áp lực, lo lắng, thậm chí nhiều lúc con khóc, có những hôm 5h giờ sáng tôi dậy vẫn thấy con ngồi học, gia đình rất thương con nhưng cũng không biết giúp gì nên chỉ biết động viên con cố gắng. Những ngày qua khi biết kết quả con đã khóc nhưng lần này là khóc trong niềm hạnh phúc, vui sướng, cả gia đình cũng rất mừng vì con đã đạt được bước đầu tâm nguyện của mình. Mong sao tới này con sẽ cố gắng ở chặng đường tiếp theo để trở thành một chiến sĩ biên phòng bảo vệ biên cương của Tổ quốc”.

Em Chá tranh thủ thời gian rảnh giúp đỡ bố mẹ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ảnh: Minh Giàng

Em Chá tranh thủ thời gian rảnh giúp đỡ bố mẹ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ảnh: Minh Giàng

Kết quả mà Chá có được hôm nay không chỉ là niềm vui của riêng cá nhân em mà còn là niềm tự hào lớn cho gia đình và bản làng nơi em sống. Học viện Biên phòng nổi tiếng với chất lượng đào tạo và yêu cầu khắt khe, vì vậy việc Chá trúng tuyển là một kỳ tích đáng nể.

Sự thành công của Chá không chỉ đến từ những nỗ lực cá nhân mà còn có sự hỗ trợ từ gia đình, các thầy cô giáo và cấp ủy, chính quyền địa phương. Nắm bắt được thông tin em Chá trúng tuyển vào Học viện Biên phòng, lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND xã và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã cũng đến chia vui, chúc mừng, động viên em và người thân.

Ông Vừ Mí Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Cán Chu Phìn cho biết: “Trường hợp cháu Chá là một niềm tự hào rất lớn không chỉ với gia đình, dòng họ mà còn là niềm vinh dự đối với xã. Cháu là một tấm gương sáng và cũng là người đầu tiên của xã thi đỗ vào trường đại học danh giá với điểm số gần như tuyệt đối. Qua gương hiếu học vượt khó của cháu Chá sẽ là tiền đề cho thế hệ trẻ học tập noi theo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của xã trong thời gian tới”.

Hành trình của em Sùng Mí Chá là một minh chứng mạnh mẽ cho tinh thần vượt khó, kiên trì và nỗ lực không ngừng. Câu chuyện của em không chỉ là nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ khác ở vùng sâu, vùng xa mà còn là một thông điệp mạnh mẽ về giá trị của giáo dục và sự quan trọng của việc không bao giờ từ bỏ ước mơ.

Đọc thêm

Chương trình 'Chia sẻ cùng thầy cô': Hành trình dạy - học hạnh phúc

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” tôn vinh các thầy cô xuất sắc tiêu biểu tại những vùng khó khăn trên cả nước. (Ảnh: T.Ư Đoàn)
(PLVN) - Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vừa công bố danh sách 60 gương thầy giáo, cô giáo tiêu biểu, xuất sắc dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024. Đây là năm thứ 10 Chương trình đồng hành lan tỏa thông điệp dạy học hạnh phúc của các thầy cô trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cần được 'nâng cấp'

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu (Ảnh: Bộ GD&ĐT)
(PLVN) - Đề cập tới một số khó khăn, hạn chế trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cần được nâng cấp cấp độ ở tất cả khác khâu.

'Kế toán - Kiểm toán: Góc nhìn thực tiễn': Bước đệm cho sinh viên vững bước nghề nghiệp

'Kế toán - Kiểm toán: Góc nhìn thực tiễn': Bước đệm cho sinh viên vững bước nghề nghiệp
(PLVN) - Sáng ngày 28/10/2024, tại Hội trường lớn, Khoa Kinh tế, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Kế toán - Kiểm toán góc nhìn thực tiễn”. Sự kiện thu hút hơn 500 sinh viên tham dự cùng các chuyên gia đầu ngành, mang đến cơ hội quý báu để các bạn trẻ khám phá sâu hơn về nghề nghiệp.

Xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh: Phụ huynh cần gương mẫu trong chấp hành pháp luật

Lực lượng CSGT tuyên truyền pháp luật cho học sinh Trường THPT Việt Đức, Hà Nội. (Nguồn: THPT Việt Đức)
(PLVN) - Sau gần một tháng ra quân mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) cho lứa tuổi học sinh, tình trạng học sinh (HS) vi phạm tại các điểm trường trên cả nước đã giảm và có sự chuyển biến tích cực. Thế nhưng, bên cạnh thay đổi tích cực từ phía HS, các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ từ phía phụ huynh lại có dấu hiệu tăng cao.

Kiên cố hóa trường lớp để nâng cao chất lượng giáo dục

Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (xã Đắk N'Drót, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) được “thay áo mới” nhờ chương trình kiên cố hóa trường lớp. (Nguồn: THCS Lê Lợi)
(PLVN) - Nhà nước, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, đã dành nhiều nguồn lực cho công việc kiên cố hóa trường học. Nhưng vì số trường học trong cả nước rất lớn - trên 53.000 trường học, trong khi đất nước nguồn lực còn hạn chế, nên việc kiên cố hóa trường học luôn cần sự chung tay của toàn xã hội.

Kỷ luật hiệu trưởng nếu bị dư luận phản ánh xảy ra lạm thu

Ảnh minh họa
(PLVN) -  Sở GD&ĐT TP HCM ra văn bản chỉ đạo : ãnh đạo phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các trường tại TP HCM bị dư luận, báo chí phản ánh phải tổ chức kiểm điểm cá nhân và người đứng đầu đơn vị, giải trình, xác định trách nhiệm sai phạm cụ thể liên quan đến tình trạng lạm thu.