Một trong những đột phá chiến lược và nhiệm vụ trọng tâm được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra là “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế…”.
Nhằm thể chế hoá tinh thần trên, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách mới, trong đó nhấn mạnh cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ, chặt chẽ thể chế, pháp luật để thực hiện mục tiêu “không thể tham nhũng, tiêu cực”.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra tháng 6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”; ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Lễ trao giải. |
Năm 2022, Báo Pháp luật Việt Nam được chọn là một trong những tờ báo chủ lực để tăng cường tuyên truyền về các nghị quyết, chính sách của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Thực hiện chủ trương đó, Báo đã xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền với 3 nhóm vấn đề, trong đó có tuyên truyền về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Với vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp - cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính…, Ban Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam đã sát sao chỉ đạo nhóm phóng viên Vân Anh, Hà Dung triển khai thực hiện loạt bài “Chống “lợi ích nhóm” trong xây dựng và áp dụng pháp luật” với mong muốn góp phần tích cực vào việc thực hiện chủ trương của Đảng về vấn đề này.
Trong loạt bài 5 kỳ, các tác giả đã đi sâu phân tích, lấy ý kiến của nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội để làm rõ sự nguy hiểm của hành vi “tham nhũng chính sách” - một vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay.
Loạt bài viết nhấn mạnh, dưới tác động của “nhóm lợi ích”, chính sách bị biến dạng, méo mó, tạo ra những dự án luật nhiều “khuyết tật”, khiến Quốc hội, Chính phủ phải mất thời gian, kinh phí để sửa đổi, xây dựng các dự án luật thay thế. Ngoài ra, hậu quả từ những tiêu cực này còn làm trầm trọng tệ tham nhũng, thất thoát lớn về nguồn lực của đất nước; làm băng hoại đạo đức, xói mòn lòng tin của nhân dân vào chế độ…
Nhóm tác giả đoạt giải C tại lễ trao giải. |
Trong loạt bài viết, các tác giả cũng đã chỉ rõ những hành vi tiêu cực, thủ đoạn của các “nhóm lợi ích”. Đó có thể là hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền lực để đưa vào chương trình xây dựng pháp luật các văn bản chỉ có lợi cho một nhóm người hoặc một ngành, địa phương nào đó.
Cũng có thể là hành vi tác động, gây ảnh hưởng đến người có chức vụ, quyền hạn để đưa chính sách chỉ có lợi cho một nhóm người, nhóm doanh nghiệp (DN)… vào các văn bản pháp luật.
Từ đó, đưa ra những giải pháp cụ thể, hiệu quả để đảm bảo sự liêm chính trong xây dựng và thi hành pháp luật, như tăng cường trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo, thẩm tra; tăng cường hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử; giáo dục đội ngũ cán bộ trọng liêm sỉ, giữ danh dự; đổi mới quy trình xây dựng pháp luật…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đến chúc mừng nhóm tác giả của Báo Pháp luật Việt Nam đoạt giải C giải Búa liềm vàng. |
Loạt bài “Chống “lợi ích nhóm” trong xây dựng và áp dụng pháp luật” được đánh giá vừa mang tính thời sự, vừa phù hợp với thế mạnh của Báo Pháp luật Việt Nam, tờ báo của Bộ, ngành Tư pháp; góp phần đẩy mạnh thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng ta. Tại Lễ trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VII - năm 2022 vừa diễn ra, loạt bài đã vinh dự được trao giải C.
Giải Búa liềm vàng toàn quốc lần thứ VII năm 2022, Ban tổ chức đã nhận được tổng số 2.031 tác phẩm dự thi, trong đó có 697 tác phẩm báo in, 454 tác phẩm điện tử, 530 tác phẩm truyền hình, 293 tác phẩm phát thanh và 58 tác phẩm ảnh báo chí. Hội đồng sơ khảo của Giải đã lựa chọn 110 tác phẩm gồm các thể loại đưa vào chấm chung khảo. Hội đồng chung khảo đã lựa chọn ra các tác phẩm xuất sắc nhất để trao 6 giải A, 12 giải B, 18 giải C, 30 giải Khuyến khích và 8 giải chuyên đề.