Căn cứ theo quy định về Bảo hiểm xã hội (BHXH) vào thời điểm bà Hồng về hưu thì bà được hưởng lương hưu 75%, nhưng các cơ quan từ Công ty X20, BHXH Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần đều trả lời bà Hồng “chưa có đủ thời gian làm nghề nặng nhọc độc hại” để giảm mức hưởng của bà xuống 70%.
Bà Hồng trình bày vụ việc |
Hành trình 13 năm khiếu kiện
Một ngày cuối tháng 8/2018, bà Vũ Thị Hồng (địa chỉ: tổ 30B, chung cư Đồng Tàu, Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) đã tìm đến Báo Pháp luật Việt Nam nhờ vào cuộc vụ khiếu kiện đã kéo dài 13 năm của bà.
Bà Hồng cho biết, bà sinh ngày 25/3/1956, quê quán Trực Ninh, Nam Định. Bà nhập ngũ ngày 30/8/1974 thuộc Trung đoàn 536 Cục Vận tải, Đoàn 559, chiến đấu tại huyện Gio Linh (Quảng Trị), sau đó là Lệ Thủy (Quảng Bình). Năm 1979, bà chuyển ngành về làm công nhân tại Công ty (Cty) dệt kim Thắng Lợi Nam Định. Sau khi được đào tạo có chứng chỉ, công việc của bà là thợ cắt may. Năm 1996, bà Hồng chuyển lên Cty X20, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng. Cty và bà Hồng đã ký một hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Bà Hồng vẫn tiếp tục làm công việc cắt may quần áo. Bà Hồng làm việc tại đó cho đến khi về hưu vào năm 2005.
Ngày 20/10/2005, Thượng tá Chu Đình Quý - Giám đốc Cty X20 đã ký Quyết định số 1011/QĐ-TCSX quyết định cho bà Vũ Thị Hồng được nghỉ việc để hưởng chế độ BHXH hưu trí từ ngày 1/11/2005. Chế độ hưu trí của bà Hồng do BHXH Quân đội giải quyết theo quy định của Điều lệ BHXH hiện hành. Theo đó, bà Hồng chỉ được hưởng lương hưu bằng 70% lương. Bà Hồng thắc mắc vì bà chỉ đồng ý nghỉ hưu khi được lĩnh đủ 75% lương nên bà Phạm Thị Kiều Trang (nhân viên Lao động-Tiền lương, Phòng Kế hoạch-Tổ chức sản xuất, Cty X20) sửa lại thành 75%. Bà Hồng chuyển hồ sơ sang BHXH tỉnh Nam Định. Nhân viên BHXH Nam Định phát hiện việc sửa chữa hồ sơ nên trả lại bà Hồng. Bà Hồng khiếu kiện Cty, vụ việc vỡ lở.
Ngày 7/3/2008, bà Phạm Thị Kiều Trang - người làm chế độ hưu trí cho bà Hồng đã có bản kiểm điểm gửi Giám đốc Cty và lãnh đạo Phòng Kế hoạch-Tổ chức sản xuất, trong đó nêu rõ: “Đồng chí Hồng đã có trên 30 năm công tác, về tuổi đời chỉ thiếu 4 tháng là tròn 50 tuổi để hưởng tỷ lệ 75%. Lần thứ nhất tôi gặp đồng chí Hồng tại Cty. Đồng chí Hồng thắc mắc tại sao cô lại bị trừ %, cô phải đủ 75% cơ, làm thế này là sai và thiệt của cô rồi. Lúc đó, tôi thực sự hoang mang, sợ mình làm sai thật (trong khi đó tôi đã làm đúng và đã được các cấp thẩm định) nên tôi đề nghị đồng chí Hồng về để tôi kiểm tra lại hồ sơ”. Sau đó, bà Trang đã sửa lại hồ sơ cho bà Hồng được hưởng 75% chế độ lương hưu. Vì ở gần nhà nên bà Trang mang hồ sơ sang đưa cho bà Hồng. Bà Trang bị kỷ luật cảnh cáo nhưng trong các văn bản xử lý kỷ luật của Cty X20 không hề nói gì đến vụ việc sửa chữa bảo hiểm của bà Hồng.
Sau đó, Cty làm lại chế độ, cho bà Hồng được hưởng lương hưu bằng 70% mức bình quân của tiền lương tháng. Khi biết những người về cùng đợt với bà đều được hưởng 75% dù họ còn thiếu về thời gian công tác và tuổi nghỉ hưu nhiều tháng hơn bà. Từ đó, bà Hồng ròng rã đi khiếu kiện. Giám đốc Chu Đình Quý hứa sẽ làm lại cho bà nhưng ông này sau đó “nửa đường gãy gánh”. Bà Hồng sau đó khiếu kiện nhiều nơi.
Ngày 31/7/2008, BHXH Việt Nam đã có công văn trả lời BHXH Bộ Quốc phòng: “Quá trình tham gia BHXH của bà Vũ Thị Hồng, chưa có đủ căn cứ tính thời gian làm nghề nặng nhọc độc hại để giảm tuổi đời khi nghỉ hưu đối với bà Vũ Thị Hồng”. Ngày 16/9/2011, BHXH Bộ Quốc phòng đã có công văn gửi Cty Cổ phần X20 trả lời: bà Vũ Thị Hồng có tổng thời gian được xác định làm công việc nặng nhọc, độc hại chỉ có 12 năm 7 tháng nên không đủ điều kiện để được tính giảm tuổi đời khi nghỉ hưu (theo quy định là 15 năm).
Ngày 12/5/2017, Thiếu tướng Vũ Bá Trung - Phó Chính ủy Tổng cục Hậu cần đã có Công văn số 539/HC-TTr gửi bà Hồng trả lời như sau: “BHXH Việt Nam có công văn trả lời trường hợp của bà chưa có đủ căn cứ tính thời gian làm nghề nặng nhọc, độc hại để giảm tuổi đời khi nghỉ hưu. BHXH Bộ Quốc phòng xác định địa bàn xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình (nơi bà Hồng tham gia quân ngũ không nằm trong danh mục địa bàn có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên và cũng không ở chiến trường B, do vậy thời gian này không được xác định làm căn cứ để tính giảm tuổi đời khi nghỉ hưu). Đề nghị của bà đến nay không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng cục Hậu cần”. Bà Hồng không biết khiếu kiện ở đâu nên tìm đến Báo Pháp luật Việt Nam.
Bà Hồng phải được hưởng đủ mức lương hưu 75%
Về vụ việc của bà Vũ Thị Hồng, Luật sư Nguyễn Thị Bích Hạnh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội trả lời như sau:
Vào thời điểm bà Hồng nghỉ hưu, Luật BHXH chưa ra đời. Căn cứ để giải quyết chế độ hưu trí cho bà là Điều lệ BHXH kèm theo Nghị định số 12/1995/NĐ-CP ngày 26/1/1995 quy định việc ban hành điều lệ BHXH và Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 9/1/2003 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/1995/NĐ-CP.
Theo Điều 25 Nghị định số 12/1995/NĐ-CP, người lao động được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng khi nghỉ việc mà có một trong các điều kiện sau đây: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên. Nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong 20 năm đó có thời gian làm việc thuộc một trong các trường hợp sau: Đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại; Đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên; Đủ 10 năm công tác ở miền Nam, ở Lào trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 hoặc ở Campuchia trước ngày 31 tháng 8 năm 1989.
Theo quy định này, bà Hồng không đủ điều kiện nghỉ hưu. Việc cho bà Hồng nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí được căn cứ vào khoản 2 và 3 Điều 5 Nghị định 03/2001/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 28 Nghị định số 12/1995/NĐ-CP như sau: Người lao động nghỉ việc nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu mà đã có đủ thời gian đóng BHXH theo quy định tại Điều 25, khoản 2 và khoản 3 Điều 26 Điều lệ này thì có thể chờ đến khi đủ tuổi nghỉ hưu để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH để đến khi có điều kiện thì tiếp tục đóng BHXH.
Người lao động nghỉ việc nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu và chưa đủ thời gian đóng BHXH theo quy định tại Điều 25 và Điều 26 Điều lệ này thì được cấp sổ BHXH và bảo lưu thời gian đóng BHXH để đến khi có điều kiện thì tiếp tục đóng BHXH, kể cả những người có tên trong danh sách của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức mà nghỉ chờ việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nhưng chưa nhận trợ cấp một lần.
Như vậy, trong trường hợp này, bà Hồng có trên 30 năm công tác, chỉ thiếu 4 tháng tuổi mới đủ 50 tuổi thì các cơ quan chức năng không thể căn cứ vào việc bà Hồng không đủ thời gian 15 năm làm việc nặng nhọc độc hại để từ chối không cho bà Hồng hưởng lương hưu đủ 75% mức bình quân của tiền lương tháng, mà phải căn cứ vào khoản 5 Nghị định 03/2001/NĐ-CP “chờ đến khi đủ tuổi nghỉ hưu để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng” hoặc “được cấp sổ BHXH và bảo lưu thời gian đóng BHXH để đến khi có điều kiện thì tiếp tục đóng BHXH”.
Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét giải quyết cho bà Hồng. Nếu không, bà Hồng có thể khởi kiện vụ tranh chấp bảo hiểm này ra Tòa án có thẩm quyền.