Trong những năm vừa qua, nhờ sự tư vấn, tuyên truyền tích cực, nhiệt tình của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số mà nhận thức của người dân về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều gia đình sinh con một bề là gái nhưng vẫn không có ý định sinh con thứ 3 mà tập trung nuôi dạy con, nâng cao chất lượng cuộc sống của mình. Và thực tế đã chứng minh, nhiều gia đình sinh con một bề là gái đầy ắp niềm vui khi con cái chăm ngoan học giỏi, vợ chồng ấm êm.
Ảnh minh họa |
Con gái quý hơn vàng
Gần 50 gia đình sinh con một bề là gái ở tỉnh Quảng Nam vừa tham gia diễn đàn “Gia đình hạnh phúc, con cái chăm ngoan và phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi”. Tại diễn đàn, nhiều bà mẹ cũng đã nhắc đến sự “thất vọng” khi sinh đứa con thứ 2 cũng là gái, và phải chịu sự chì chiết của họ hàng nhà chồng.
“Để thoát khỏi sự chì chiết, muốn đẻ nữa kiếm đứa con trai làm vừa lòng nhà chồng nhưng lúc đó chính chồng lại động viên mình rằng “chủ yếu là nuôi con giỏi, dạy con ngoan, cần gì phải trai hay gái”. Giờ nghĩ lại thấy biết ơn chồng vì anh luôn là người có những quyết định sáng suốt cho cuộc sống gia đình” - một chị chia sẻ.
Vai trò của người chồng luôn được đề cao trong việc định hướng, thay đổi quan niệm cổ hủ khi sinh con một bề là gái. Anh Trần Tấn Tích (Hiệp Đức, Quảng Nam) đại diện cho cánh đàn ông phát biểu trước diễn đàn: “Xã hội đã phát triển mà nhiều người vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ, lúc nào cũng đẻ cho bằng được con trai, điều đáng nói là nhiều phụ nữ cũng đồng tình với quan niệm đó. Sinh con ra ai cũng mong cho con được khôn lớn, học giỏi, sau này có cuộc sống hạnh phúc, theo tôi nghĩ thế là đủ”.
Gia đình anh Tích có 2 cô con gái đang học cấp trung học và cả hai đều chăm ngoan, học giỏi.
Chị Phạm Thị Xuân Lan (xã Bình Định Bắc, Thăng Bình) chia sẻ niềm tự hào của mình bằng câu chuyện của các con. Chính cách nuôi dạy 2 cô con gái Lan Anh và Lan Phương giỏi giang, hiền hậu đã làm thay đổi suy nghĩ của 2 bên nội ngoại khi chị không sinh được con trai.
Chị Lan kể: “Khi cháu gái thứ hai ra đời, cả hai bên nội, ngoại đều tỏ vẻ thất vọng. Rất may là trong thời gian đó, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) được phổ biến rất nhiều, nhất là đề cao vai trò của phụ nữ và trẻ em gái. Tôi cùng chồng tập trung mọi điều kiện tốt nhất để nuôi dạy 2 con, cuộc sống hòa thuận, vui vẻ, cũng từ đó đời sống kinh tế gia đình tôi khá lên rất nhiều. Nhà cửa, cơ sở kinh doanh đều được mở rộng. Với suy nghĩ của vợ chồng tôi bây giờ, việc nuôi dạy con thật tốt, thật chu đáo là tài sản quý giá nhất”.
Còn cô bé A Ryp Lan đại diện cho cha mẹ mình phát biểu: “Gia đình cháu sống ở Pà Nai, Tà Lu, huyện Đông Giang. Lẽ ra mẹ sẽ trình bày ý kiến nhưng cháu xin được phép thay mặt mẹ phát biểu. Cả ba và mẹ đều không được đi học nhưng đều biết rằng nếu sinh nhiều con sẽ không có khả năng nuôi thì con cái sẽ thiếu ăn, thiếu học hành như bố mẹ cháu.
Dù chỉ có 2 con gái nhưng bố mẹ quyết định không sinh thêm con nữa để có điều kiện nuôi dạy các con đến nơi đến chốn. Cháu thấy biết ơn ba mẹ rất nhiều vì điều này. Mặc dù quãng đường đi học rất xa nhưng cả hai chị em đến trường đều đặn. Chín năm học qua, các cháu luôn đạt học sinh khá giỏi, được tham gia nhiều hoạt động của trường, nhất là về nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười”.
Hạnh phúc nào hơn
Không chỉ ở Quảng Nam, Quảng Ninh cũng có nhiều gia đình hạnh phúc khi sinh những cô con gái. Điển hình như gia đình thầy Nguyễn Tử Phong (Thư Phong), 67 tuổi, ở 41 Kênh Liêm, phường Bạch Đằng, TP.Hạ Long.
Làm nghề giáo ngót 40 năm, thầy đã dạy dỗ không biết bao nhiêu lứa học trò trưởng thành, giữ nhiều cương vị trong xã hội. Toàn tâm, toàn ý cho công việc nhưng thầy vẫn dành nhiều thời gian cho gia đình. Sinh hai người con gái, vợ chồng thầy không phải không muốn có thêm cậu con trai.
Thế nhưng, cả hai vợ chồng thầy đều trong nghề giáo nên luôn tự nhắc nhủ mình muốn là tấm gương cho học trò noi theo, trước hết phải là tấm gương sáng trong thực hiện KHHGĐ. Trước đây Nhà nước quy định sau 5 năm mới được sinh con thứ hai nhưng gia đình thầy sau 8 năm mới sinh con thứ hai.
Thầy tâm sự: “Hồi ấy ít gia đình được như vậy, tôi còn nhớ gia đình tôi được thưởng nhờ thực hiện tốt KHHGĐ. Tuy số tiền chỉ mấy chục nghìn song vợ chồng tôi cũng thấy rất vui. Mình kế hoạch không chỉ giúp ích cho gia đình, mà còn góp phần nâng cao chất lượng dân số cho xã hội”.
Thầy luôn quan niệm “con nào cũng là con”, không cứ phải là con trai, miễn sao mình có đủ thời gian, điều kiện để chăm sóc chúng khôn lớn, thành đạt. Thêm một người con là thêm sự chăm chút. Con gái cũng có thể thành đạt, có hiếu với bố mẹ như con trai. Nhờ tư tưởng đó mà những năm qua vợ chồng thầy chăm sóc rất chu đáo con cái của mình.
Nhìn thành tích học tập của hai cô con gái thầy khiến tôi không khỏi cảm phục. Nguyễn Thanh Thảo, con gái lớn của thầy từng đỗ thủ khoa lớp chuyên Toán Trường THPT Chuyên Hạ Long, đạt giải ba học sinh giỏi quốc gia môn Toán - Tin, rồi được vào thẳng Khoa Toán, Đại học Sư phạm 1. Nay mới 30 tuổi nhưng Thảo đã học xong cao học, hiện làm tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.
Cô con gái út Nguyễn Thanh Giang cũng nghị lực, giỏi giang không kém. Hồi học cấp I, cấp II, Giang luôn đứng top đầu của lớp về thành tích học tập, đỗ thủ khoa lớp chuyên Anh của Trường THPT Chuyên Hạ Long. Giang là sinh viên giỏi của Trường ĐH Ngoại thương và tham gia rất tích cực vào hoạt động tập thể của trường (như phiên dịch viên cho Đại hội Thể dục - Thể thao châu Á, tham gia chương trình sinh viên tình nguyện Quốc tế ở Thái Lan...).
“Nhìn thấy cảnh nhiều cặp vợ chồng ngược xuôi chạy chữa để có một đứa con mới thấy con cái quý giá biết chừng nào. Vậy thì tại sao mình có hai đứa con gái xinh đẹp, ngoan ngoãn mà lại không biết quý trọng?”, anh Lữ Văn Hùng, Hội Nông dân xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn - TPHCM, chia sẻ như vậy. Gia đình anh Hùng là một trong 50 gia đình “có hai con một bề là gái” được Cục DS-KHHGĐ TP.HCM và Hội LHPN TP tuyên dương mới đây.
Trái hẳn với quan niệm của nhiều nông dân là “gia đình càng đông càng vui” hay phải “có nếp, có tẻ”, vợ chồng anh Hùng chỉ có hai cô con gái. Vợ anh, chị Trần Thị Điệp, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh, huyện Hóc Môn - cho biết: “Sinh hai con gái, tôi cũng có chút lo lắng nhưng rất may ông xã tôi hiểu biết, thông cảm với vợ. Chính anh đã động viên tôi. Anh bảo con gái còn quý hơn vàng, quan trọng là mình nuôi dạy con nên người”.
Dù cuộc sống khó khăn nhưng anh chị quyết định phải cho con ăn học đến nơi đến chốn. “Ngày con gái lớn nhận phiếu báo điểm đậu vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, vợ chồng tôi xúc động không nói được lời nào. Phải một lúc lâu, ba cháu mới bảo: “Ba không có gia tài để lại cho con, ba chỉ cho con được cái chữ. Con phải cố gắng học để làm hành trang vào đời”- chị Điệp nhớ lại. Cô con gái nhỏ của anh chị cũng 9 năm liền là học sinh giỏi.
Gia đình của họ lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Anh chị và các con luôn tạo ra niềm vui bên những bữa cơm ấm áp hoặc có khi cả nhà tíu tít cùng nhau nấu một món ăn. Khi đó, chị tranh thủ dạy hai cô con gái nữ công gia chánh. “Với tôi, một người vợ đảm đang cùng hai cô con gái xinh xắn là niềm hạnh phúc vô bờ, tôi còn đòi hỏi gì nữa?”- anh Hùng nói.
Có thể thấy rằng, ngày càng có nhiều gia đình điển hình về thực hiện DS-KHHGĐ. Quan niệm “Dù trai hay gái, chỉ hai là đủ” đã trở nên quen thuộc với hầu hết các hộ gia đình. Lợi ích từ KHHGĐ mang lại là không nhỏ, nó không những góp phần tạo nên hạnh phúc cho mỗi gia đình mà còn giảm bớt gánh nặng nhu cầu về giáo dục, y tế, nhà ở... từ đó giúp ích cho toàn xã hội, cộng đồng.
Điều quan trọng hơn cả không phải là việc sinh con trai hay con gái, mà chính là việc giáo dục con cái trở thành người hữu ích. Do vậy, việc đấu tranh cho bình đẳng giới cũng như chống bạo hành gia đình là hình thức cân bằng quan niệm trong việc sinh con một bề.
Bảo Châu