Từ hình mẫu trên Facebook…
Nhìn vào những hình ảnh chị Nguyễn Thị Thảo Th., ngụ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP HCM đăng trên trang cá nhân, ai cũng tấm tắc, sao chị có một đời sống gia đình hạnh phúc, đáng mơ ước đến thế.
Cả gia đình thường có những bức ảnh chụp vui vẻ. Mỗi ngày, chị chia sẻ những câu nói ngọt ngào mà chồng dành cho mình. Mỗi một ngày là một bữa ăn ngon chị nấu cho chồng, con đăng trên Facebook. Những đứa trẻ xinh xắn, đáng yêu được ăn diện xinh đẹp. Những chuyến đi du lịch nghỉ dưỡng khắp nơi.
Biết bao nhiêu like, nhiều lời conment có cánh dành tặng cho gia đình nhỏ ấy. Chị Thảo Th. trở thành một mẫu hình phụ nữ đảm đang, vun vén, có gia đình hạnh phúc được nhiều chị em hâm mộ. Thế nhưng, chỉ có chồng chị mới biết, đằng sau hạnh phúc được khoe khoang ấy là bao nhiêu nỗi niềm của chồng con chị. Tâm sự với bạn thân của mình, anh kể, anh có cảm giác vợ anh có một gia đình nào khác trên mạng chứ không phải gia đình anh.
Tất cả mọi điều trong cuộc sống của chị đều hướng đến việc phục vụ cho những bức ảnh để đăng Facebook. Những món ăn chị nấu hàng ngày không phải từ sở thích của chồng con, mà là những món ăn đang “hot” trên mạng xã hội mà chị học theo. Chén bát chị mua, bất tiện cũng được, miễn đủ đẹp, đủ màu sắc để lên hình lung linh.
Nấu ăn xong, chồng con phải đợi chờ chị đến đói meo, chỉ để chụp cho được những bức ảnh đẹp. Rồi những chuyến đi, tâm trí chị dường như không đặt ở phong cảnh, món ăn, sự đầm ấm gia đình mà những góc hình đẹp, tạo dáng thế nào để lên Facebook nhiều like. Cứ thế, chồng, con không phải là nhân tố chính của cuộc đời chị, những lời khen tặng mạng ảo mới là mục đích lớn nhất trong cuộc sống của chị hàng ngày.
Có không ít người phụ nữ như thế. Thời gian dành cho “cuộc sống ảo” trên mạng chiếm rất nhiều thời gian sống. Họ trang hoàng cho cuộc đời mình nhiều lộng lẫy, hào nhoáng để người ngoài nhìn vào. Nhưng thực chất họ không thực sự chú tâm, chăm chút, lắng nghe nguyện vọng, mong mỏi của con, thiếu chia sẻ với chồng. Bỏ bê chồng, con cô đơn và ngán ngẩm vì mẹ, vợ ở đây mà tâm hồn cứ đặt tận đâu đâu. Cứ thế, họ dần đi lạc khỏi gia đình mình lúc nào chẳng hay.
Theo kết quả công bố của Facebook, Việt Nam là nước có tỉ lệ người truy cập nhiều đứng trong top 10 thế giới và trung bình mỗi người Việt Nam dành tương đương 4 - 5 giờ một ngày để lướt Facebook. Đó là một con số khá lớn, phản ánh phần nào thói quen sử dụng mạng xã hội của người Việt.
Trước đây, người phụ nữ Việt có phần “lép vế” so với người đàn ông trong xã hội. Họ không có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân. Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung đã cho họ một cơ hội để toàn cầu hóa, bước ra một thế giới rộng lớn hơn nhiều so với một mái ấm nhỏ, với những mối quan hệ chung quanh. Nhưng, cũng chính vì thế, nhiều người phụ nữ say sưa trong “vinh quang” do mạng ảo đem lại, đã nhầm lẫn khái niệm về hạnh phúc, nhầm lẫn giữa thế giới ảo và cuộc đời thật.
Đến sự lừa dối chính mình
Cái sự “sống ảo” ấy có từ những bà vợ thường, cho đến những người vợ, người mẹ trong làng giải trí, người nổi tiếng. Mải mê phô phang hạnh phúc, họ không nhận ra được những bất ổn, những khoảng trống trong chính gia đình nhỏ của mình. Thậm chí, tự lừa dối chính mình cho đến khi gia đình mong manh vỡ tan.
Đó là trường hợp của nữ ca sĩ HN. nổi danh của làng nhạc Việt. Trên trang cá nhân, trên báo chí chị luôn cho thấy hình ảnh một gia đình hạnh phúc, vợ nổi tiếng, chồng doanh nhân thành đạt, con cái xinh đẹp, ngôi nhà tiện nghi ăm ắp tiếng cười. Nhiều tin đồn về sự rạn nứt của hai vợ chồng, chị lên tiếng phủ nhận hoàn toàn, bảo rằng gia đình mình “vững như bàn thạch”.
Cho đến khi chồng đăng tải hình ảnh mình và người mới, người hâm mộ bàng hoàng, chị mới vội vàng lên tiếng thông báo rằng vợ chồng họ đã đường ai nấy đi. Hóa ra, họ đã bất hòa rồi dẫn đến chia tay một thời gian, chị vẫn tìm mọi cách che giấu, vẫn say sưa dệt ảo tưởng về một gia đình êm ấm để người ngoài nhìn vào.
Chồng chị đã có cuộc sống mới, mệt mỏi vì cách sống ảo, che đậy của vợ mình, nói mãi không nghe, nên đành dùng “hạ sách” công khai mối quan hệ mới để kết thúc những câu chuyện không có thật của vợ.
Hay như một như chuyên gia tâm lý có tiếng, chị mở cả một chuyên mục trên Facebook, trên website viết những bài viết cực kì tâm lý, sâu sắc để tư vấn cho phụ nữ giữ gìn gia đình hạnh phúc. Chị lên báo, đài, rồi tổ chức hội thảo kể về bí quyết xây đắp vun vén gia đình, cách yêu thương và hoàn thiện bản thân. Phụ nữ hâm mộ, ngưỡng mộ chị, muốn học hỏi chị để trở nên hoàn mỹ và hạnh phúc hơn.
Thế mà một ngày kia, người ta tình cờ biết được, hóa ra chị đã ly hôn hết người chồng này đến người chồng khác. Hóa ra trong khi đi tư vấn, dạy người khác giữ gìn hạnh phúc gia đình, chị lại không thể gìn giữ hạnh phúc của chính mái ấm mình, bởi chị là người nổi tiếng, chị bận rộn quá, không có thời gian dành cho chồng, con, cho những người đáng ra cần trân trọng thương yêu nhất.
Sống ảo nguy hiểm vô cùng, nó khiến người phụ nữ có nhiều ngộ nhận, bị cuốn phăng đi bởi những cảm xúc từ bên ngoài đem đến, bỏ quên những yêu cầu căn bản nội tại để tạo nên một cuộc sống gia đình hạnh phúc thực sự. Trong ngôi nhà có người mẹ sống ảo, lấp lánh trên mạng xã hội, lũ trẻ thì thiếu đi sự ân cần, chăm sóc thực sự của người mẹ, người chồng thì cô đơn giữa muôn vàn tiếng ngợi khen. Mỗi người lạc về một nẻo, chiếc dây neo giữa họ mòn mỏi dần…
Thế nào là một gia đình hạnh phúc?
Câu hỏi mang nhiều định tính hơn định lượng này rất khó có câu trả lời chung với mọi gia đình. Tuy nhiên, ở một góc nhìn đơn giản hơn, gia đình hạnh phúc là khi mọi thành viên trong đó đều cảm thấy hạnh phúc khi sống trong gia đình. Từ góc nhìn này, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình của Bộ VH-TT&DL đã đề cập tới khái niệm về hạnh phúc.
Theo đó, “Gia đình hạnh phúc là mọi thành viên trong gia đình hoàn toàn hài lòng, toại nguyện với tổ ấm của mình. Biểu hiện các thành viên trong gia đình luôn có ý thức rèn luyện, phấn đấu vươn lên về mọi mặt để có kiến thức, trình độ, năng lực; có đạo đức, lối sống lành mạnh phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc và xu thế phát triển của thời đại. Các thành viên trong gia đình gắn bó, thương yêu, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, tạo ra môi trường lành mạnh, ngăn chặn tệ nạn xã hội”.