Chị Trương Thị Hằng (SN 1983) vốn là nhân viên Trung tâm giới thiệu việc làm của Bộ Quốc phòng. Anh Hoàng Đình Thi (SN 1974) là bộ đội, đang học lớp trung cấp chuyên nghiệp tại Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân (P. Cát Lái, Q.2, TP.HCM). Hai người là đồng hương Quảng Bình, cùng sở thích câu cá. Họ gặp nhau, rủ nhau đi câu cá, hoặc đi mò cua, bắt ốc tăng gia mỗi dịp cuối tuần.
Rồi anh yêu tính cách nhẹ nhàng, trầm tĩnh của chị. Chị quý sự sạch sẽ, thích trồng trọt, thích… ăn cá biển kho của anh. Thậm chí, anh chị có thể ăn món bình dị này với canh chua liên tục từ tuần nọ sang tuần kia mà không biết chán.
Năm 2007, anh Thi và chị Hằng cưới nhau. Tiệc cưới tổ chức đơn sơ mà ấp áp. Năm 2009, chị mang thai con đầu lòng. Năm ấy cũng là năm Trung Quốc đưa ra yêu sách đường đứt khúc 9 đoạn (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) trên biển Đông, đồng thời gây hấn tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam với việc bắt giữ ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cá ở ngư trường này.
Anh Thi nộp đơn tình nguyện nhận nhiệm vụ ở đảo An Bang, thuộc quần đảo Trường Sa. Đó là một hòn đảo nhiều cát, quanh năm có sóng lớn, tàu thuyền rất khó cập bến. Sóng biển có khi trùm cả đảo. Gió biển chứa rất nhiều muối. Loài cây duy nhất có thể sống được trên đảo này khi ấy là cây bàng vuông. Muốn có rau ăn, bộ đội phải trồng trong chậu và che chắn rất kỹ lưỡng.
Chồng ra đảo khi vợ cận kề ngày sinh nở
Giữa năm 2009, anh Thi đi, chị Hằng đang mang thai con đầu lòng được gần 7 tháng. Chị hết sức ngỡ ngàng và rất lo vì gia đình hai bên đều ở xa, chị sẽ đơn độc ở TP.HCM sinh nở. Nhưng anh nói vừa như trấn an chị, vừa thể hiện quyết tâm của mình: “Bảo vệ biển đảo quê hương là nhiệm vụ của người lính Hải quân, anh sẽ nhớ vợ, nhớ con rất nhiều, anh cần vợ kiên cường đồng hành cùng anh nhiều hơn”.
Yêu chồng, đồng cảm với chồng, để chồng được toàn tâm, toàn ý phục vụ Tổ quốc, chị xin phép nghỉ thai sản sớm, đón xe về quê, sinh con gái Hoàng Thị Hải Yến. Con bé trông giống cha như đúc, đặc biệt là đôi mắt dài, đen láy.
Bận rộn với con nhỏ, chị Hằng xin cơ quan cho chuyển sang làm lao công, làm tại Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân. Cứ khoảng 5h sáng, khi Hải Yến còn ngủ, chị đã nhẹ nhàng rời nhà. Gần 7h chị mới trở về. “May mà cháu ngoan ngoãn nên mình cũng đỡ lo. Với lại hàng xóm trọ quanh đấy đều thân thiện, hễ cháu cất tiếng khóc là có người chạy sang ẵm giúp mình ngay” - chị Hằng tâm sự. Buổi chiều, 13-15h, chị bế con vào cơ quan, khi đặt cháu trong xe nôi, khi cho cháu chơi quanh quẩn cạnh nơi chị làm việc.
Cuối năm 2010, anh Thi hoàn thành nhiệm vụ trở về, Hải Yến đã 14 tháng tuổi. Người cha bồi hồi ngồi ngắm con gái mà chẳng dám bế bồng. Chị kể lại chuyện vui mà mắt rơm rớm, khi vợ dúi con vào tay chồng, anh cứ cúi lom khom, gồng chặt hai cánh tay lại vì sợ đánh rơi con.
Tuy nhiên, ban đêm anh tỉnh ngủ hơn cả chị. Mọi tiếng động dù rất nhỏ bên ngoài, anh đều nghe thấy. Thậm chí, khi không có bất kỳ tiếng động nào, nhưng vô tình gió thổi chiếc mùng chạm vào cánh tay, anh đang ngủ rất ngon lành cũng ngồi bật dậy thật nhanh. Chị hỏi chuyện anh và được biết: Ở đảo thường xuyên có báo động đêm nên anh đã quen với “nếp ngủ” này.
Mỗi khi con nhớ ba Thi, chị Hằng lại cùng con ngắm vỏ nghêu khổng lồ. |
Năm 2011, chị lại mang thai, sinh thêm một bé trai, đặt tên Hoàng Đức Phát. Chị phải gửi Hải Yến về quê nhờ bà ngoại trông hộ. Một năm sau, chị đón Yến vào và đưa đi nhà trẻ. Tuy nhiên, con bé không hề hiểu những lời cô giáo và bạn bè cùng lớp nói. Mọi việc cá nhân đều tự làm theo ý mình. Lúc đầu, chị cùng mọi người ngỡ rằng con bé mắc chứng tự kỷ, sau mới hiểu do hai địa phương có cách dùng từ ngữ khác biệt. Mẹ chồng chị thấy con dâu vất vả, vào Nam hộ chị trông các cháu.
Ở đất liền đến tháng 4/2013, anh Thi lại quyết định trở lại phục vụ đảo An Bang.
Khóc bởi sự đồng cảm…
Một nách hai con thơ dại, nhọc nhằn của người mẹ tăng lên gấp bội. Chị Hằng gửi cả hai con đi nhà trẻ, nhưng vì giờ làm việc “trái khoáy”, chị vẫn phải bỏ con ngủ ở nhà lúc 5 giờ sáng và dắt con vào cơ quan lúc 3 giờ chiều. Với chị, điều đó là bình thường.
Mỗi năm được một tháng nghỉ phép, mẹ con chị lại dắt nhau ra sân bay Tân Sơn Nhất, đón chuyến bay về Đồng Hới để thăm cha mẹ hai bên. Vai mang balô, tay kéo va li, tay bế con trai, còn con gái tự túm áo mẹ mà bước. Ai nhìn thấy cảnh này cũng xót, nhưng chị đã hứa đồng cam cộng khổ với chồng nên chỉ lặng lẽ làm tròn bổn phận của mình.
Một con ốm đau cũng không phải là việc khó đối với người mẹ vốn rất cần cù này, nhưng có lần, hai đứa nhỏ cùng bị bệnh tiêu chảy. Một mình hai cái đai, sau lưng là con gái lớn, phía trước là con trai nhỏ, chị lái xe đưa chúng đến bệnh viện. Mẹ cứ lái xe, hai con cứ ói, đến mức vứt cả khẩu trang xuống đường. Vào phòng cấp cứu, khi chị ôm đứa nhỏ để bác sĩ lấy máu xét nghiệm thì đứa lớn sợ hãi khóc thét lên. Đến lượt chị ôm đứa lớn cho bác sĩ tiêm thuốc, đứa nhỏ ghen tị đòi mẹ cũng khóc la ầm ĩ cả khu cấp cứu. Tuy nhiên, chị vẫn bình tĩnh dỗ dành con để y tá làm nhiệm vụ của mình.
Chị chỉ khóc khi mới đây, cơ quan tổ chức hội thi cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở giỏi, chị tham gia vai người vợ ở nhà đợi chồng đi phục vụ đảo xa trong vở kịch “Niềm tin”. Sau lúc ru con ngủ trên sân khấu, và nói: “Con ngoan ở nhà với bà, mẹ đi họp lát mẹ về mua quà cho con”, chị đứng lên diễn cảnh rời khỏi nhà, bất chợt nhìn xuống khán giả, thấy hàng trăm ánh mắt chăm chú dõi theo, chị đã không nén được xúc động.
Những giọt nước mắt cứ tuôn trào, khiến mắt nhiều người xem cũng ngân ngấn nước. Chị khóc bởi trong chị trào dâng một niềm hạnh phúc. Chị không cô đơn, chị tin sự hy sinh thầm lặng của những người vợ lính như chị luôn được trân trọng.
Cuộc sống người lính ở đảo An Bang còn rất nhiều vất vả. Vài tháng, chị lại mua thuốc và những thực phẩm hợp khẩu vị của chồng, nhờ tàu gửi ra đảo. Anh cũng gửi về cho mẹ con chị những món quà độc đáo của biển đảo, trong đó có một “đặc sản” Trường Sa: chiếc vỏ nghêu khổng lồ, nặng khoảng 80kg. Mỗi lần nhớ anh, chị lại cùng con chiêm ngưỡng vỏ nghêu này và cảm giác, anh luôn ở rất gần…