Nỗ lực cắt giảm tối thiểu 50% điều kiện kinh doanh
Trên cơ sở Báo cáo số 103/BC-BTP của Bộ Tư pháp về việc báo cáo kết quả thực hiện cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh của Bộ Tư pháp, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 181/HĐTV góp ý đối với Báo cáo rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực tư pháp và phương án đơn giản hóa các điều kiện. Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính nhận thấy việc rà soát, đề xuất các phương án cải cách, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh đã được Bộ Tư pháp khẩn trương triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, dự kiến đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa đạt tỷ lệ 44% đối với các điều kiện kinh doanh của 7 ngành, nghề thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính cho rằng phương án đơn giản hóa vẫn chưa đáp ứng mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP với mức tối thiểu là 50% điều kiện kinh doanh.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ và tiếp thu ý kiến của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Cục Bổ trợ tư pháp đã rà soát tổng thể các điều kiện kinh doanh, bổ sung các điều kiện kinh doanh còn thiếu, xác định rõ các điều kiện kinh doanh (không phải là thủ tục hành chính) thuộc lĩnh vực tư pháp. Cụ thể, bổ sung 1 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tư pháp; bỏ 16 điều kiện vì chỉ là giấy tờ thuộc thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính, không phải là điều kiện kinh doanh (như giấy tờ chứng minh về trụ sở của chi nhánh, danh sách trọng tài viên, nhân viên dự kiến làm việc tại chi nhánh trong lĩnh vực trọng tài thương mại, trong lĩnh vực giám định tư pháp, thừa phát lại…). Như vậy, hiện nay trong lĩnh vực tư pháp có tổng cộng 84 điều kiện kinh doanh và dự kiến cắt giảm 44/84 điều kiện kinh doanh, chiếm tỷ lệ 52%.
Phải có công cụ xử lý các trường hợp vi phạm tiêu chuẩn đạo đức
Đại diện Văn phòng Chính phủ, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan thừa nhận hiện nay vẫn tồn tại 2 cách tiếp cận đối với các điều kiện kinh doanh. Nếu doanh nghiệp đã hoạt động thì muốn điều kiện phải chặt, có những người muốn gia nhập lại mong muốn càng thông thoáng càng tốt. Do vậy, mục tiêu đề ra là xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường, cắt giảm những thủ tục hành chính không cần thiết, “quá sức” với doanh nghiệp. Ông Phan đồng tình sẽ có những điều kiện không phải là điều kiện kinh doanh song vẫn là “đầu vào”, nếu rà soát có thể bỏ được thì nên mạnh dạn cắt bỏ, còn lại tăng cường hậu kiểm.
Nhiều ý kiến cụ thể của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính về các điều kiện kinh doanh cũng được Cục Bổ trợ tư pháp tiếp thu. Tuy nhiên, trao đổi thêm về điều kiện “có phẩm chất đạo đức tốt”, Cục Bổ trợ tư pháp thấy rằng các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp hiện nay bao gồm 2 nhóm: Nhóm điều kiện, tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức của cá nhân như tiêu chuẩn có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, liêm khiết, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Nhóm điều kiện về trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ của cá nhân như có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật (đối với luật sư, công chứng, thừa phát lại), chuyên ngành luật, kinh tế (đối với đấu giá viên, quản tài viên), đã qua đào tạo nghề và qua thời gian tập sự hành nghề.
Thông lệ quốc tế trong các lĩnh vực hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, thừa phát lại đều quy định rất rõ các tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với các cá nhân được bổ nhiệm hoặc cấp chứng chỉ hành nghề. Chẳng hạn như Luật hành nghề luật sư Singapore quy định người muốn trở thành luật sư của Đoàn Luật sư Singapore phải có đạo đức tốt hay ở Australia cũng có quy định tương tự… Do đó, Cục Bổ trợ tư pháp đề nghị giữ nguyên điều kiện “có phẩm chất đạo đức tốt” trong các lĩnh vực hành nghề bổ trợ tư pháp.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh các điều kiện kèm theo thủ tục hành chính mà Luật không quy định nhưng trong Nghị định có sự rườm rà thì phải cắt bỏ; các điều kiện có trong Luật mà cho rằng không cần thiết nắm “đầu vào” cần tiếp tục rà soát cắt giảm. Đối với điều kiện phẩm chất đạo đức, Bộ trưởng yêu cầu tính toán sửa đổi cho rõ ràng song phải lưu ý với các nghề luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, thừa phát lại. Tán thành quy định điều kiện “có phẩm chất đạo đức tốt” còn chung chung, Bộ trưởng cho rằng nên ghi nhận một số đề xuất chuyển thành phiếu lý lịch tư pháp hay những điều cấm không được làm… để có công cụ xử lý, chứ không “bó tay” trong một số trường hợp vừa qua.