“Mở khóa” cho sự nghiệp thư viện
Ngày 01/7/2020, Luật Thư viện 2019 chính thức có hiệu lực, là một dấu mốc quan trọng trong ngành thư viện, được đông đảo những người yêu sách trong nước đón nhận, hưởng ứng. Thực tế đã chứng minh, Luật Thư viện khi được triển khai đã và đang góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện, phát triển văn hóa đọc, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, tri thức, hưởng thụ các giá trị văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân. Đồng thời, khẳng định rõ vai trò của thư viện, văn hóa đọc trong sự nghiệp phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục của đất nước, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.
Một trong những điểm đáng chú ý là Luật Thư viện 2019 đã bổ sung loại hình thư viện ngoài công lập bên cạnh loại hình thư viện công lập; cùng với đó đối tượng thành lập thư viện cũng mở rộng. Cụ thể, thư viện công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu được tổ chức theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc phù hợp với mô hình của cơ quan chủ quản. Thư viện ngoài công lập sẽ do tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài, cộng đồng dân cư đảm bảo đảm điều kiện hoạt động được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp hoặc mô hình khác.
Theo đó, luật quy định hệ thống thư viện gồm có: Thư viện Quốc gia Việt Nam; Thư viện công cộng; Thư viện chuyên ngành; Thư viện lực lượng vũ trang; Thư viện cơ sở giáo dục đại học (thư viện đại học); Thư viện cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác; Thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam.
Như vậy, có thể hiểu rằng, quy định pháp luật đã tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia thành lập, tổ chức các hoạt động thư viện trên lãnh thổ Việt Nam. Chính vì thế, trong những năm qua, việc triển khai chính sách khuyến khích này đã góp phần phát huy mọi nguồn lực trong xã hội, tạo cơ sở quan trọng để mở rộng hệ thống thư viện trên cả nước, đặc biệt là những thư viện công cộng. Từ đó, người dân dù ở đô thị, nông thôn hay những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn cũng có thể tiếp cận thông tin, hình thành văn hoá đọc trong các cộng đồng bản địa.
Pháp luật thư viện cũng quy định thực hiện liên thông thư viện là nguyên tắc hoạt động chung của mọi thư viện công lập, ngoài công lập, không có ngoại lệ. Điều này có ý nghĩa rằng, các thư viện bắt buộc phải có hoạt động liên kết, hợp tác để sử dụng hợp lý, phát huy hiệu quả các tài nguyên, tiện ích, các sản phẩm, dịch vụ thư viện. Đặc biệt là các thư viện lớn, có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư như Thư viện Quốc gia, thư viện tỉnh hay các thư viện được Nhà nước ưu tiên đầu tư sẽ phải có trách nhiệm chia sẻ cho các thư viện khác có thể sử dụng những nguồn lực này nhằm phục vụ bạn đọc một cách tốt nhất. Nhờ vậy, tài nguyên thông tin được xây dựng từ ngân sách nhà nước cũng sẽ được chia sẻ giữa các thư viện, đảm bảo các nguồn thông tin luôn được cập nhật, phục vụ nhu cầu đọc đa dạng của đông đảo người đọc. Liên thông thư viện được thực hiện nghiêm túc sẽ giúp cho các thư viện phát huy được các nguồn lực của mình, tiết kiệm được ngân sách nhà nước, kinh phí đầu tư, nâng cao hiệu quả phục vụ cho người đọc.
Ngoài ra, Luật Thư viện 2019 còn bao gồm những quy định cụ thể về phát triển thư viện trong bối cảnh hiện đại, như thư viện số, hiện đại hóa thư viện, phát triển và vận hành thư viện theo xu thế của thời đại với những yêu cầu đặt ra trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, luật quy định, xây dựng cơ sở dữ liệu, thư viện số là chức năng, nhiệm vụ của tất cả các loại hình thư viện. Đáng nói, một quy định hoàn toàn mới so với trước đây là các thư viện đều phải đánh giá hoạt động định kỳ hàng năm theo một số tiêu chí được chọn từ tiêu chuẩn quốc gia, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn cụ thể. Việc đánh giá này góp phần phục vụ công tác quản lý nhà nước về thư viện, nâng cao hoạt động thư viện…
Xây dựng văn hóa đọc: Không để ai bị bỏ lại phía sau
Đáng nói, việc đưa Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 trở thành một sự kiện tổ chức hàng năm, được quy định cụ thể trong Luật Thư viện 2019, góp phần phát triển một xã hội có thói quen, văn hóa đọc. Năm 2023 là lần thứ hai tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, do Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai theo Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 4/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Mặt khác, việc phát triển văn hóa đọc cũng được quy định cụ thể trong luật thông qua các hình thức, phương thức như: tổ chức các hoạt động nhằm hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức trên phạm vi toàn quốc; hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc sách, khai thác thông tin cho trẻ em tại các thư viện trường học và thư viện công cộng. Ngoài ra, còn có các hình thức, phương thức khác như phát triển kỹ năng thông tin cho người sử dụng thư viện trong tìm kiếm, đánh giá, khai thác và sáng tạo thông tin, tri thức; đẩy mạnh liên thông; truy cập và khai thác thông tin, kiến thức từ các thư viện số dùng chung qua thiết bị điện tử di động; sử dụng các dịch vụ thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin thư viện.
Thư viện cung cấp không gian đọc sách cho trẻ em. (Ảnh minh họa) |
Đáng nói, việc xây dựng và hình thành văn hóa đọc thông qua đổi mới hoạt động thư viện luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Đơn cử, ngày 01/11/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi. Chỉ thị nêu rõ nhiều vấn đề như: môi trường đọc cho thiếu nhi ở nhiều địa phương còn thiếu, tỷ lệ thiếu nhi đọc sách thường xuyên chưa cao và bền vững, có sự chênh lệch về điều kiện tiếp cận thông tin và các tiện ích, dịch vụ, sản phẩm thông tin thư viện giữa thành thị và nông thôn, miền núi, khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Trong nhiều nguyên nhân thì nguyên nhân chủ yếu đầu tiên là do các cấp, các ngành chưa quan tâm, đầu tư đúng mức, nhất là trong việc bố trí đủ quỹ đất, nhân lực, tài nguyên thông tin và các điều kiện cần thiết khác để thư viện triển khai hiệu quả các hoạt động phục vụ thiếu nhi. Bởi vậy, Chỉ thị nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương để nâng cao hoạt động thư viện, trở nên thân thiện hơn với các đối tượng người dân là thiếu nhi.
Bên cạnh đó, Nghị định số 93/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện cũng đưa ra tiêu chí cụ thể về không gian đọc, phòng đọc cơ sở, là “nơi đọc sách do cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân Việt Nam thành lập nhằm cung cấp cho người dân thông tin, kiến thức và dịch vụ văn hóa đọc trong khu vực sinh sống tại thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố mà chưa đủ điều kiện thành lập thư viện”. Theo đó, Luật khuyến khích thành lập không gian đọc, phòng đọc cơ sở đáp ứng các tiêu chí như: ít nhất 300 bản sách; diện tích, hạ tầng bảo đảm việc bảo quản tài nguyên thông tin và phục vụ người sử dụng; bảo đảm vệ sinh môi trường và cảnh quan; có người quản lý; có nội quy phù hợp…
Có thể thấy, hành lang pháp lý hiện tại về ngành thư viện đã có nhiều quy định cụ thể, phù hợp với tình hình phát triển chung của đất nước nói chung và mỗi địa phương nói riêng, nhằm tạo điều kiện phát triển sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc trên cả nước, thực hiện theo đúng phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thời gian qua, có thể thấy các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật thư viện, thúc đẩy văn hóa đọc ngày càng tăng lên về số lượng và chất lượng, giúp người dân, người làm trong ngành thư viện nhận thức được và bảo vệ những quyền, lợi ích hợp pháp theo luật định, đặc biệt là quyền tiếp cận thông tin, tri thức, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân.