Đưa phim Việt đến với công chúng
Trong hai năm dịch bệnh COVID-19 diễn biến căng thẳng nhất, hàng loạt các rạp chiếu phim phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng khiến kế hoạch ra rạp của nhiều bộ phim điện ảnh đảo lộn. Khán giả buộc phải từ bỏ thói quen đi xem rạp và chuyển sang hình thức xem phim tại nhà. Xu hướng hưởng thụ điện ảnh này khiến nhiều nhà sản xuất lớn không còn cách nào khác là phải tìm tới các nền tảng phát hành và phổ biến phim trực tuyến như một “cứu cánh” cho đầu ra của các bộ phim.
Tại Hội nghị - Hội thảo Chuyển đổi số của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) mới đây, TS. NSƯT. Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh - Bộ VH,TT&DL đã đánh giá: Có một thực tế là hàng ngày người dân vẫn xem nhiều phim nước ngoài trên các nền tảng trực tuyến của các nhà cung cấp dịch vụ của nước ngoài, trong khi phim Việt Nam lại thiếu nền tảng số của quốc gia để phổ biến.
Hiện nay, kho phim của Viện Phim Việt Nam, Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam… có tới hàng nghìn bộ phim tương đương với nhiều nghìn giờ phim nhưng đa phần được lưu giữ ở dạng phim nhựa cất trong kho, người dân không có cơ hội được tiếp cận. Trong khi đó, số lượng phim được chuyển đổi sang định dạng số hóa đang khá chậm chạp, các phim đã chuyển đổi số lại tiếp tục được lưu kho và thế hệ người trẻ vẫn chưa được tiếp cận nếu không có một đơn vị phát hành trực tuyến là Trung tâm của Nhà nước.
Theo Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT, môi trường số Internet cung cấp nhiều dữ liệu giúp các cơ quan quản lý Nhà nước có thể nắm bắt được dư luận, phản hồi của xã hội về các tác phẩm điện ảnh, các vấn đề văn hóa, xã hội được nêu trong các tác phẩm điện ảnh. Các dữ liệu đó, nếu được thu thập đầy đủ, được phân tích tốt sẽ giúp các cơ quan quản lý đưa ra các chính sách phù hợp, góp phần định hướng nền điện ảnh, xây dựng một xã hội số tốt đẹp.
Vì thế, có thể cân nhắc các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực điện ảnh trên không gian mạng như: Xây dựng kho dữ liệu số về các tác phẩm điện ảnh với công nghệ Dữ liệu lớn (Big Data) cho công tác lưu chiểu, lưu trữ; Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo phân tích nội dung, hỗ trợ phân loại, kiểm duyệt nội dung; Thu thập và phân tích dữ liệu lớn xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghiệp điện ảnh.
Đáng nói, Luật Điện ảnh năm 2022 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2023, có những điểm mới cơ bản, góp phần khẳng định vai trò của điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế; công nghiệp điện ảnh trở thành một trong những ngành mũi nhọn của công nghiệp văn hoá Việt Nam. Trong đó, về phổ biến phim có riêng một quy định về “Phổ biến phim trên không gian mạng”.
Một động thái đáng chú ý khác là Quyết định số 2649/QĐ-BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL ban hành ngày 18/10/2021 về việc xây dựng Đề án Trung tâm phát hành phim trực tuyến, sau này đổi tên thành Đề án Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến (PHPBPTT).
Đề án được đánh giá có ý nghĩa quan trọng nhằm đưa đến khán giả những tác phẩm điện ảnh Việt Nam có giá trị nội dung và nghệ thuật bằng công nghệ thông tin. Trung tâm PHPBPTT sẽ là nơi lưu giữ và phổ biến các tác phẩm điện ảnh dưới dạng số hóa qua các thời kỳ bao gồm cả phim truyện, phim tài liệu, khoa học, hoạt hình...
Quản lý phim trên không gian mạng
Ngành Điện ảnh là một lĩnh vực công nghiệp văn hóa vốn đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ về âm thanh, hình ảnh trong quá trình sản xuất các sản phẩm điện ảnh từ lâu. Ngày nay, trong giai đoạn công nghệ số bùng nổ, các công nghệ số không chỉ hỗ trợ cho quá trình sản xuất âm thanh, hình ảnh mà tham gia vào hầu hết các khâu của quá trình sản xuất mỗi tác phẩm điện ảnh. Việc ứng dụng công nghệ vào điện ảnh vừa tạo ra cơ hội cũng vừa là thách thức đối với công tác quản lý phim trên không gian mạng.
Trước đây, TS. Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh từng nhận định, công tác quản lý tác phẩm điện ảnh dựa vào phương thức thẩm định và phân loại theo quy định hành chính; trong khi công tác thẩm định và phân loại với các nội dung điện ảnh trên không gian số chưa có tiền lệ. Vấn đề quản lý phim trên không gian mạng vẫn chưa thực sự được quy định rõ ràng trong văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý trong thực thi công tác quản lý hay các quy định pháp lý chậm sửa đổi, bổ sung do nguồn nhân lực trong công tác quản lý chưa đáp ứng phù hợp, kịp thời với những đòi hỏi từ thực tế.
Còn theo đánh giá của PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, một trong những trở ngại lớn nhất là đa số người dân Việt Nam chưa có ý thức bảo tồn văn hóa nghe nhìn, khiến cho việc sưu tầm bảo quản thêm khó khăn. Công tác nộp lưu chiểu chưa thật sự được xem trọng, công tác lưu trữ chưa nhận được sự chú ý đúng mức của người dân, sự thiếu đồng bộ trong thiết bị kỹ thuật lưu trữ cũng đáng quan tâm.