“Bào chữa” cho “sơ suất” trên, đa số các địa phương đổ lỗi cho sự “bận”, nơi thì cho biết tình trạng trùng thẻ là do trẻ đã được cấp ở nơi này rồi nhưng khi theo cha mẹ đến tạm trú tại địa phương khác lại được cấp thẻ khác; nơi thì cho rằng “vì số trẻ trong diện được cấp thẻ ít quá nên đợi thêm để xét và cấp một thể. Và cứ thế, đợi hết lần này đến lần khác…”.
“Một chính sách “đẹp” như vậy mà trẻ em không được hưởng trọn vẹn, thật đáng tiếc!” – một cán bộ làm công tác bảo hiểm xã hội ở địa phương thốt lên khi chứng kiến cảnh nhiều tấm thẻ BHYT giờ mới đến được với các em bé.
Thực tế, ai cũng biết, cũng nghe về chính sách khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, nhưng không phải ai cũng biết nơi nào có thể hỏi, giải tỏa thắc mắc về chủ trương này. Nhưng người ta cũng sẽ dễ dàng cho qua nếu con em mình không bị bệnh nặng, không phải vào bệnh viện. Còn những trường hợp nào từng nếm trải cảnh vào bệnh viện và phải bỏ tiền túi ra khám chữa bệnh cho người thân khi bị bệnh trọng thì mới biết tấm thẻ ấy có giá trị thế nào.
Ý thức người dân hạn chế là một phần, nguyên nhân chính của tình trạng này là từ phía chính quyền địa phương. Theo phân cấp thì UBND xã, phường, thị trấn sẽ phải đảm nhiệm việc rà soát đối tượng, cấp phát thẻ…, nhưng họ lại loay hoay không biết làm thế nào vì không có kinh nghiệm và phải ôm đồm quá nhiều việc. Trong khi đó, muốn giải quyết tốt mọi việc thì phải có người, kinh phí.
Tuy nhiên, việc đã đến tay rồi không thể không làm, và thế là mỗi nơi làm một kiểu. Cần thiết phải có một cuộc tổng rà soát về những bất cập trong cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi, phải nghiên cứu và giải quyết vấn đề này, trong đó vai trò và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng – ý kiến của ông Nghiêm Trần Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế.