“Xẻ thịt” đất nông nghiệp phân lô bán nền
Theo lời kêu cứu của nhiều người dân sống tại khu phố 3, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, Đồng Nai, khoảng 112 hộ dân nơi đây đang có nguy cơ mất nhà đất vì chủ cũ của khu đất trên tiếp tục bán đất cho người khác.
Trong đơn tố cáo tập thể của hơn 70 hộ dân gửi các cơ quan chức năng TP Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai, vụ việc như sau: Vào đầu năm 2011, bà Nguyễn Thị Lan (cư trú tại khu phố 4, phường Trảng Dài) nhận chuyển nhượng hơn 15.000m2 đất nông nghiệp. Sau đó, bà Lan tự ý phân thành 152 lô đất, vừa xây nhà, vừa bán đất công khai. Giá một lô đất từ 110 - 160 triệu đồng tùy vị trí, giá một căn nhà từ hơn 300 triệu đồng đến gần 400 triệu đồng.
Trong hàng chục tờ “Giấy sang nhượng đất” do bà Lan lập và ký với người mua đất, cho thấy chỉ trong vòng hơn một năm, bà Lan đã bán hầu hết số đất tự phân lô trên. Cá biệt có những lô đất được mua – bán từ năm 2010, trước khi bà Lan nhận chuyển nhượng khu đất trên?
Theo các hộ dân mua nhà đất của bà Lan, sau khoảng 7 – 8 năm, đến nay có 112 hộ dân đang sinh sống tại “khu quy hoạch phân lô lậu” hơn 1,5 hecta này, chia làm hai tổ dân phố 10 và 11. Hiện đất còn trống 40 lô. Hàng năm phường vẫn đến thu thuế đất ở.
Sau khi phân lô và bán hết, bà Lan lại đem thửa đất 1,5 hecta trên tiếp tục bán cho người khác vào cuối năm 2015. Vợ chồng người mua đất tên Trần Văn Hồng và Đoàn Thị Huệ (ngụ TP Biên Hòa) được Văn phòng Đăng ký đất đai Đồng Nai - Chi nhánh Biên Hòa - điền tên vào sổ đỏ.
Lúc này tranh chấp nổ ra sau khi vợ chồng ông Hồng, bà Huệ làm đơn tố cáo bà Lan lừa đảo, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Đồng Nai vào cuộc. Sau khi các cơ quan hữu quan tổ chức xuống khu đất phân lô kiểm tra, đo đếm thực tế, vụ việc rơi vào im lặng?
Đầu năm 2018 vừa qua, thửa đất trên lại được vợ chồng ông Hồng bà Huệ chuyển nhượng một lần nữa. Người nhận chuyển nhượng là ông Hoàng Anh Tuấn (ngụ tại TP Biên Hòa). Việc chuyển nhượng cũng được Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai xác nhận vào sổ đỏ. Theo các hộ dân, ông Tuấn - người chủ sử dụng mới – đang yêu cầu những người sinh sống trên thửa đất trao trả mặt bằng và cho người rào lại các lô đất còn trống.
Dấu hiệu lừa đảo?
Cần nói thêm, khu vực đất phân lô tự phát ở phường Trảng Dài là nơi tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp, vì vậy người mua đất của bà Lan hầu hết là công nhân, người lao động nghèo, ở các tỉnh khác đến cư ngụ. Khi tiếp xúc với chúng tôi, đa phần hộ dân đều lo ngại đến sự an toàn cho trẻ em hoặc người già nếu công khai tên tuổi và số nhà trên báo. Do vậy, chúng tôi xin giấu tên theo đề nghị của các hộ dân.
Một người dân cho biết: “Khu vực này toàn dân công nhân, ban ngày đi làm hết, chỉ có trẻ nhỏ và người già ở nhà, khi thấy người lạ đến rào đất, rào nhà như thế này, chúng tôi sợ lắm”.
Theo một người phụ nữ, năm 2012, bà mua nhà không có tranh chấp, tất cả làm giấy tay. Năm 2015 bà nghe nói vì lí do nợ nần bà Lan chuyển lại cho ông Hồng, bà Huệ. Bà thắc mắc: “Năm 2018 chúng tôi có viết đơn tố cáo và cũng được biết bà Huệ đã chuyển nhượng lại cho ông Tuấn. Vì sao đang tranh chấp nhưng sổ đỏ vẫn chuyển nhượng và có sự công chứng của phường?”.
Trước nguy cơ bị mất trắng nhà cửa khi mua đất giấy tay, xây dựng nhà không phép trên đất nông nghiệp, đầu tháng 6/2018, hơn 70 hộ dân đang sinh sống trên thửa đất gửi đơn tố cáo tập thể đến nhiều cơ quan quản lý, trong đó có cơ quan Điều tra Công an tỉnh Đồng Nai. Đơn tố cáo tập thể đề nghị cơ quan điều tra làm rõ hành vi lừa đảo –bán một thửa đất cho nhiều người - của bà Lan. Trong vài tuần qua, các hộ dân lần lượt được mời lên lấy lời khai và cung cấp giấy tờ mua bán nhà, đất từ bà Lan. Trước đó, một số hộ dân cũng nộp đơn khởi kiện ra tòa nhưng chưa được thụ lý.
“Con voi chui lọt lỗ kim”
Hành vi bán một mảnh đất cho nhiều người và để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, gây bất ổn cho địa phương của bà Lan chắc chắn sẽ được cơ quan điều tra làm rõ. Tuy nhiên, điều cần nói ở đây là trên mảnh đất nông nghiệp trước kia giờ đã trở thành một khu dân cư “lậu” đồ sộ nhưng thiếu an toàn về phòng cháy, chữa cháy, trật tự xây dựng, quy hoạch… phải cần làm rõ trách nhiệm lãnh đạo UBND phường Trảng Dài.
Từ vụ việc này, dư luận đặt nghi vấn, phải chăng không ít cá nhân là quản lý, lãnh đạo tại phường Trảng Dài đã bị vô hiệu hóa? Trong khi với một người sống tại đô thị như Biên Hòa, chỉ cần chở vài cục gạch về sửa chữa nhà nhưng không xin phép có thể bị đình chỉ và xử phạt.
Việc bà Lan tự ý phân hàng trăm lô đất nông nghiệp, rầm rộ xây dựng cả trăm căn nhà trong một thời gian dài trên địa bàn mà phường không hề có một động thái nào can thiệp, ngăn chặn. Là cơ quan quản lý nhà nước, nhưng hoàn toàn “mất tích” trước những vi phạm, coi thường pháp luật về đất đai, xây dựng trong nhiều năm qua cần phải được đặt trách nhiệm tập thể, cá nhân. Không ít hộ dân, khi tiếp xúc với phóng viên Báo PLVN kể lại mỗi khi một căn nhà tại đây mọc lên, lực lượng quản lý đô thị, địa chính luôn xuất hiện, nhưng sau những động thái thỏa thuận gì đó, nhà vẫn mọc lên đều đặn.
Hành vi làm ngơ, đồng lõa chẳng khác nào tiếp tay cho vi phạm pháp luật. Chưa kể, dù biết thửa đất đã bị “xẻ thịt”, hàng trăm nóc nhà mọc lên nhưng khi đất tiếp tục chuyển nhượng cho nhiều người khác, phường vẫn ung dung xác nhận việc chuyển nhượng. Sự vô trách nhiệm đó dẫn đến hậu quả của hôm nay, việc tranh chấp đất gây bất ổn, hoang mang cho hàng trăm con người và đẩy họ vào con đường khiếu nại kiện tụng chưa hồi kết.
Trong thông báo mới nhất từ TP Biên Hòa, thể hiện nội dung ông Hoàng Anh Tuấn (người hiện là chủ sử dụng khu đất) đã làm đơn đề nghị các cơ quan chức năng xử lý vụ xây dựng trái phép trên đất mà ông vừa nhận chuyển nhượng. Do vậy, UBND Biên Hòa yêu cầu phường Trảng Dài kiểm tra, rà soát, lập danh sách các trường hợp mua bán đất, xây dựng trái phép tại thửa đất nêu trên. Đồng thời đề nghị Công an Biên Hòa làm rõ nội dung đơn của ông Tuấn, có dấu hiệu vi phạm thì đề xuất xử lý theo quy định.
PLVN tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc.