Các hãng hàng không dần “bận rộn”
Hàng không là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. Trong 2 năm 2020 - 2021, nhiều thời điểm ngành này “đóng băng”, nhiều hãng bay thua lỗ nặng, thậm chí có hãng rơi vào nguy cơ phá sản. Nhưng từ năm 2022, dịch bệnh dần được khống chế, các hoạt động kinh tế hoạt động sôi động trở lại. Đến ngày 15/3/2022, Chính phủ đồng ý khôi phục toàn bộ du lịch nội địa và quốc tế. Từ đó, các đường bay trong nước cũng như quốc tế được phép hoạt động bình thường như thời trước dịch bệnh. Đây là thời cơ vàng để ngành hàng không phục hồi.
Sau khoảng 2 tháng các hoạt động du lịch được phép mở cửa hoàn toàn, mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã có những báo cáo về hoạt động vận tải hàng không. Theo đó, đến nay, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác trở lại hơn 60 đường bay nội địa với trung bình tổng số chuyến bay nội địa thực hiện hàng ngày từ 700 - 800 chuyến.
Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2022, sản lượng hành khách vận chuyển ước đạt từ 42 - 47 triệu lượt hành khách, tăng từ 170 - 200% so với năm 2021 (chỉ còn giảm so với trước dịch, tức năm 2019 khoảng 40%). Tính riêng thị trường nội địa, lượng hành khách vận chuyển ước đạt từ 33 - 35 triệu lượt khách, chỉ giảm từ 6 - 10% so với năm 2019.
Vận chuyển quốc tế ước đạt từ 8,4 triệu đến 11 triệu khách, tăng trưởng 1.480% đến 2.093% so với năm 2021 và giảm 72% đến 80% so với năm 2019. Sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 1,524 triệu tấn, tăng 16,4% so với năm 2021.
Cũng theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, dự kiến đến hết năm 2022, lượng khách nội địa sẽ đạt về mức tương đương năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Đặc biệt, việc mở cửa lại du lịch và nới lỏng các biện pháp chống dịch đúng vào thời điểm trước những ngày lễ lớn như Giỗ Tổ Hùng Vương, Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4) và Quốc tế Lao động (1/5) đã khiến ngành hàng không “bận rộn” vì phải phục vụ một lượng khách rất lớn.
Riêng dịp 30/4 và 1/5, theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, tổng sản lượng thông qua các cảng hàng không, sân bay Việt Nam ước đạt 7.700 lần cất hạ cánh, lượng hành khách đạt gần 1,1 triệu người; vận chuyển hàng hóa đạt 15,9 nghìn tấn. Riêng tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất ước đạt 2.515 lần cất hạ cánh; phục vụ khoảng 375.000 lượt người. Tại Nội Bài, ước đạt 1.959 lần cất hạ cánh với khoảng 240.000 lượt khách…
Doanh thu sẽ tăng mạnh?
Khách tăng, hàng hoá tăng, doanh thu của các doanh nghiệp tham gia dịch vụ hàng không từ đó cũng tăng lên.
Theo Công ty CP Hàng không Vietjet, riêng trong quý I/2022, đơn vị này đạt doanh thu hợp nhất là 4.522 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 244 tỷ đồng. Về doanh thu vận tải hàng không, Vietjet đạt doanh thu quý I/2022 là 3.340 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021, giúp hãng đạt lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 40 tỷ đồng. Dù doanh thu quý II/2022 chưa được đơn vị này thống kê, nhưng chắc chắn mức độ tăng trưởng sẽ cao hơn rất nhiều do lượng khách trong quý này tăng đột biến từ những ngày nghỉ lễ.
Với Bambo Airways, quý I/2022 đơn vị này vẫn báo lỗ do một số nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, sự phục hồi cũng thấy rõ qua sản lượng hành khách tăng mạnh. Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam công bố Bamboo Airways tiếp tục dẫn đầu nhóm 3 hãng bay nội địa lớn nhất Việt Nam về tỷ lệ bay đúng giờ với tỷ lệ 97,5%.
Trong khi đó, đại diện Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, vào thời điểm dịch bệnh năm ngoái, mỗi phi công chỉ được bay vài chuyến mỗi tháng, mà chủ yếu là bay vận chuyển hàng hoá, thì đến nay, lịch bay đã ngày một nhiều, khôi phục được gần 70% so với thời trước dịch.
Ngoài bay nội địa, hãng này đã bay đến khoảng 20 nước trên thế giới, trong đó có những nước đi lại với Việt Nam nhiều như Hàn Quốc, Nhật Bản… Hiện, phi công của Vietnam Airlines đã duy trì mức bay đạt mức gần 40 giờ/tháng, tiến tới mốc 70 giờ/tháng so với lịch bay trước đây.
Hiện nay, Vietnam Airlines chưa công bố doanh thu, tuy nhiên có thể dự đoán trong quý I và nhất là quý II sẽ có bước tăng trưởng mạnh mẽ do lượng khách hàng tăng vọt.
Trong khi đó, doanh nghiệp chuyên kinh doanh cảng hàng không là Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2022, ghi nhận doanh thu 2.118 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ 2021) và mức lợi nhuận sau thuế đạt 874 tỷ đồng (tăng 1,5% so với cùng kỳ 2021). Trong 8 quý gần đây (tính từ quý II/2020), đây là mức doanh thu cao nhất của ACV.
Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến tốt như hiện nay thì ngành hàng không sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự phục hồi của ngành hàng không chủ yếu là thị trường nội địa, còn thị trường quốc tế vẫn sụt giảm mạnh, cần thêm thời gian để phục hồi.