Phải đến khi UBND Hà Nội công bố kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, cho biết “định hướng nghiên cứu Công viên Thống Nhất theo hướng mở, không thu vé vào và có thể bỏ hàng rào để người dân dễ tiếp cận”; nhiều người mới giật mình nhận ra từ nhiều năm nay, ngay giữa Thủ đô vẫn có một “công viên” hoạt động theo cách “không tiến hóa với thời đại” như vậy.
Được khánh thành năm 1961, Thống Nhất là công viên lớn nhất Hà Nội với diện tích hơn 50ha, nằm giữa bốn phố Trần Nhân Tông, Lê Duẩn, Đại Cồ Việt và Nguyễn Đình Chiểu. Công viên có một số lối vào, trong đó cổng chính nằm bên đường Trần Nhân Tông. Ngoài ra, bốn phía công viên là hàng rào.
Công viên Thống Nhất là di sản của Thủ đô, mang dấu ấn của văn hóa, của quá trình phát triển; và trên lý thuyết, ngoài việc là không gian xanh công cộng, còn là nơi cộng đồng dân cư nâng cao chất lượng sống.
Thế nhưng, ngoài “ấn tượng” muốn vào đây phải mua vé; Công viên Thống Nhất còn gây “ấn tượng” khác mà nhiều năm dư luận vẫn còn nhớ; là từng có một dự án khách sạn được “ăn” vào đất công viên này diện tích gần 1ha. Dư luận phản ứng dữ dội, tới mức đầu năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức có ý kiến dừng việc xây dựng khách sạn SAS Royal Hotel và giao Hà Nội phối hợp lựa chọn một địa điểm khác giới thiệu cho nhà đầu tư. Cùng với đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội rà soát quy hoạch chi tiết xây dựng, bảo đảm hệ thống công viên, cây xanh đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Công viên Thống Nhất do Cty TNHH MTV Công viên Thống Nhất quản lý, hiện có 1 Chủ tịch Hội đồng thành viên, 1 TGĐ, 2 phó TGĐ, 1 kiểm soát viên, 4 phòng chức năng chuyên môn và 3 xí nghiệp. Tổng số lao động của Cty là 234.
Trong hơn 10 năm qua, Công viên Thống Nhất đã 4 lần điều chỉnh quy hoạch, quản lý nhưng vẫn duy trì hàng rào như ngăn cách với cuộc sống bên ngoài. Lần điều chỉnh gần đây nhất chỉ là bỏ thu phí người dân vào tập thể dục sáng, chiều; người ở xa và du khách muốn vào công viên để đi dạo, ngắm cảnh vẫn phải mua vé. Không rõ nguồn tiền thu được này là bao nhiêu, có đủ nuôi bộ máy Cty quản lý công viên hay không?
Chẳng phải đi học hỏi đâu xa trên thế giới, mà việc xây dựng công viên mở được thực hiện từ lâu ngay tại Việt Nam. Ở Đà Nẵng, TP HCM, hiếm thấy công viên công cộng nào lại có hàng rào. Có cần lo ngại khó đảm bảo an ninh trật tự tại công viên khi không còn hàng rào, đặc biệt là nguy cơ từ các tệ nạn xã hội, hay không? Xem lại kinh nghiệm tại TP HCM, nơi đầu tiên được "xóa hàng rào" là Công viên Tao Đàn (quận 1). Sau đó, các công viên khác cũng được gỡ rào và cải tạo như Công viên Gia Định (quận Gò Vấp), Công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), Công viên Phú Lâm (quận 6)... Đến nay, người dân TP HCM đã gần như quên mất một thời công viên còn có rào chắn và cổng vào. Nhiều người trẻ thậm chí không biết từng có giai đoạn này.
Hay ngay ở sát Hà Nội, nói như một chuyên gia: "Hãy nhìn sang Ecopark rộng hàng trăm ha, nhưng chỉ có mấy anh bảo vệ đạp xe đi giám sát, nhắc nhở mà công viên vẫn luôn sạch đẹp".
UBND TP Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn TP có 63 công viên, vườn hoa. Có lẽ ngoại trừ một số địa điểm đặc thù như nuôi nhốt động vật, với tất cả các công viên vườn hoa trên địa bàn, Hà Nội cần học hỏi kinh nghiệm từ TP HCM và nhiều khu đô thị lớn trên cả nước, là xóa bỏ các hàng rào, thiết kế theo hướng mở, để các công viên vườn hoa thực sự là những điểm nhấn kiến trúc cảnh quan, là nơi vui chơi công cộng, chứ đừng tính toán chuyện thu vài đồng bạc lẻ để làm gì.