Đợt "sốt" giá USD vừa qua khiến hàng nhập khẩu nhanh chóng leo lên một thang giá mới. Mặc dù giá USD trên thị trường tự do đã hạ nhiệt hai hôm nay so với mức cao ngất ngưởng vài ngày trước, song giá USD tại các ngân hàng thương mại lại được đẩy lên kịch trần, khiến hàng nhập khẩu càng có cớ giữ giá cao.
Tại cửa hàng chuyên kinh doanh xe ga nhập khẩu Lệ Hằng trên phố Huế, Hà Nội, giá một chiếc xe Spacy đời 2010 nhập khẩu từ Nhật Bản, màu trắng là 5.400 USD, được cửa hàng tính ra giá tiền Việt là 105.570.000 đồng. Như vậy, cửa hàng đã tính giá USD quy đổi ở mức 19.550 đồng một USD, cao hơn mức giá USD bán ra trên thị trường tự do ở thời điểm hiện tại.
Theo nhân viên tại đây, cửa hàng phải mua USD trên thị trường tự do để nhập hàng, nên nếu USD tăng mà không nâng giá xe lên thì lỗ vốn. Anh này cũng cho biết, trước đó hơn một tuần, cửa hàng áp dụng tỷ giá ở mức 19.200 đồng, theo đó chiếc Spacy trên giá rẻ hơn được gần hai triệu đồng.
Giá các dòng xe ga nhập khẩu tăng thêm vài triệu đồng mỗi chiếc vì giá USD tăng. |
Cũng trên phố Huế, tại cửa hàng xe máy nhập khẩu châu Âu, giá các dòng xe Vespa, SH đều tăng thêm vài triệu đồng mỗi chiếc vì giá USD tăng. Chẳng hạn một chiếc Vespa LX 125 nhập khẩu từ Italy có giá niêm yết 5.700 USD, cửa hàng quy ra giá tiền Việt là 111.150.000 đồng (tương đương giá USD quy đổi 19.500 đồng một USD). Giá một chiếc SH 150i màu mận chín đời 2010 khi nhập về Việt Nam là 6.700 USD, được cửa hàng yết giá tiền Việt ở mức 130.650.000 đồng, trong khi mới đầu tuần trước, giá chiếc xe này vẫn còn ở mức hơn 128 triệu đồng.
Anh Hùng, chủ cửa hàng xe máy nhập khẩu ở số 284 phố Huế, cho biết, mọi năm, mỗi khi USD "sốt" giá, khách đi mua hàng nhập khẩu ít hơn hẳn. Tuy nhiên, năm nay, phải đợi qua tháng 7 âm lịch mới biết được giá tăng có ảnh hưởng đến lượng xe bán ra hay không, vì lúc đó người ta mới dám đi mua nhà, xe, quần áo… Còn trước đó 1 - 2 tuần, khi giá xe rẻ hơn vài triệu đồng vẫn rất ít người mua. “Tháng 7 âm lịch năm ngoái, cửa hàng chúng tôi còn giảm giá hai triệu đồng khi khách mua một chiếc xe tay ga nhập khẩu bất kỳ nào. Năm nay, tuy không áp dụng chương trình cũ nhưng chúng tôi cũng bớt cho khách chút đỉnh nếu họ mua ngay. Tôi e là hết tháng 7 âm, những người có nhu cầu đổ xô đi mua xe ga, mặt hàng này lại sốt giá như các năm trước”, anh Hùng nói.
Hàng nhập khẩu có vẻ vắng khách hơn khi USD tăng nóng. |
Giá USD tăng, các mặt hàng vật liệu xây dựng nhập khẩu cũng “sốt” theo. Tại cửa hàng chuyên kinh doanh sàn gỗ công nghiệp và tự nhiên trên phố Xã Đàn, loại sàn gỗ nhập khẩu từ Đức, Malaysia, Trung Quốc như Kahn, Hermenn, Janmi, Winson… cũng tăng giá trên dưới chục nghìn đồng mỗi m2. Đơn cử, sàn gỗ Kahn loại khổ hẹp hiện có giá 255.000 đồng một m2, sàn gỗ Janmi có giá 395.000 đồng. Theo chị Thúy, nhân viên bán hàng của cửa hàng, đầu tuần trước, giá sàn gỗ Kahn chỉ 250.000 đồng mỗi m2, còn Janmi là 380.000 đồng…
Giá các mặt hàng công nghệ thông tin như vi tính, laptop, linh kiện điện tử cũng thiết lập một mặt bằng mới. |
Gas cũng là mặt hàng không tránh khỏi đà tăng giá “hừng hực” theo USD. Thậm chí đây còn là mặt hàng nhảy giá đầu tiên ngay khi có thông tin giá USD "leo thang". Sau ba lần giảm giá liên tiếp trong hai tháng qua, sáng 19/8 (một ngày sau khi USD tăng giá), hầu hết các hãng đã nâng giá bên thêm 4.000 – 5.000 đồng một bình 12 kg. Điều đáng nói là trước đây khi giá gas giảm thì giá bán lẻ trên thị trường vẫn không giảm tương ứng, nhưng khi các hãng vừa thông báo tăng giá lên một thì nhiều cửa hàng đã vội nâng lên hai. Chẳng hạn, tại cửa hàng gas Ngọn Lửa Thần trên phố Xã Đàn, chuyên kinh doanh các sản phẩm Gia Đình gas và gas của Petro Vietnam, trước đây khi giá gas chỉ 240.00 đồng một bình thì cửa hàng bán ra ở mức 255.000 đồng một bình gas Gia Đình và 265.000 đồng một bình PV. Nay khi giá gas tăng thêm 4.000 đồng thì cửa hàng cũng tăng giá bán tương ứng lên 260.000 đồng và 270.000 đồng.
Theo ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc Saigon Petro, nguyên nhân chính khiến giá gas tăng là do Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh tỷ giá USD/VND. Hiện lượng gas bán ra tại thị trường Việt Nam có khoảng 30% là gas sản xuất trong nước (chỉ có mình Petro Vietnam là được độc quyền sản xuất gas), còn lại 70% là gas nhập khẩu từ thị trường thế giới. Mà gas sản xuất trong nước thì cũng phải nhập khẩu nguyên liệu, nên không tránh khỏi việc tăng giá do USD tăng.
Giá gas cũng 'hùa' theo USD để tăng, sau ba lần giảm liên tiếp trước đó. |
Tròn một tuần sau khi tỷ giá USD bất ngờ được Ngân hàng Nhà nước tăng thêm 2%, đa số mặt hàng nhập khẩu đã tăng giá theo USD. Cùng ngày giá gas tăng, giá thép cũng “đứng ngồi không yên”. Thông tin từ các công ty thép cho biết, giá thép đã tăng thêm vài trăm nghìn đồng mỗi tấn cách đây ít hôm. Cụ thể, giá thép Vinakyoei tăng từ 13,5 lên 13,6 triệu đồng một tấn, áp dụng từ ngày 19/8. Giá thép phi 10 bán trên thị trường có mức tăng phổ biến từ 14,4 lên 14,8 triệu đồng. Giá các mặt hàng công nghệ thông tin như vi tính, laptop, linh kiện điện tử cũng thiết lập một mặt bằng mới, với mức tăng từ vài nghìn tới vài trăm nghìn đồng. Với những chiếc tủ lạnh, laptop đắt tiền thì mức tăng có thể lên tới 1 - 2 triệu đồng.
Tuy nhiên, cứ mỗi lần USD tăng, những người lo nhất là những ai đang có nhu cầu mua ô tô. Anh Hoàng Thức, chuyên viên từ vấn của hãng GM Deawoo tại salon ô tô số 1 Lê Trọng Tấn thực tâm bộc bạch: “USD tăng khiến giá hầu hết dòng xe của hãng, từ liên doanh tới nhập khẩu, đều tăng từ 9 tới 15 triệu đồng mỗi chiếc. Đơn cử một chiếc xe bình dân loại mới có mặt tại Việt Nam như Chevrolet Cruze 2010 có giá 23.000 USD, đại lý áp giá USD quy đổi theo giá bán ra tại Ngân hàng Ngoại thương, hiện ở mức 19.500 đồng. Theo đó, giá tiền Việt của chiếc xe này lên tới 450 triệu đồng, trong khi trước đó chỉ 439 triệu đồng. Từ lúc USD tăng, lượng khách tới hỏi mua xe vắng hẳn, nhưng chúng tôi vẫn phải tăng giá vì nhập giá nào, bán giá ấy”.
Đông Nhiên