Trước đó, năm 2018, Tổng cục Hải quan đã tổ chức đánh giá năng lực đối với trên 3.000 công chức hải
quan. 8 nguyên tắc đánh giá cán bộ
Sáng 26/11/2019, kỳ thi đánh giá công chức năm 2019 tại Cụm thi số 2 (Cục Hải quan Bắc Ninh) đã được khai mạc. Việc đánh giá năng lực công chức tuân theo 8 nguyên tắc. Công khai minh bạch: Các công cụ, tài liệu đánh giá, tài liệu hướng dẫn sử dụng và tài liệu ôn thi được công khai, dễ tiếp cận, thực hành và dễ sử dụng.
Thứ hai là đảm bảo công bằng. Theo đó tất cả công chức đều có cơ hội và quyền lợi ngang nhau. Kỳ thi cũng phải đảm bảo tính cạnh tranh. Tức thông qua cạnh tranh để lựa chọn được các công chức giỏi, đáp ứng tốt yêu cầu, vị trí công tác. Còn nguyên tắc khách quan của kỳ thi thể hiện ở hoạt động đánh giá năng lực phải dựa trên số liệu, kết quả thực tế, tránh cảm tính, phiến diện.
Để đảm bảo nguyên tắc chính xác của kỳ thi, việc đánh giá năng lực phải phản ánh được đúng ưu điểm, khuyết điểm, tồn tại, hạn chế về năng lực chuyên môn nghiệp vụ của công chức theo các quy định của khung năng lực hiện hành.
Nguyên tắc nữa là phân hóa được cấp độ thành thạo năng lực qua kỳ thi: Qua đánh giá có thể xác định được cấp độ thành thạo năng lực của công chức. Ngoài ra, qua kỳ thi phải đánh giá xác định được điểm mạnh và điểm yếu cần khắc phục của mỗi công chức, tức là tính hiệu quả. Từ đó xác định chính xác nhu cầu đào tạo, nâng cao hiệu quả đào tạo, nâng cao năng lực công chức, đảm bảo điều động, luân chuyển và bố trí sắp xếp công chức đúng người, đúng việc. Và cuối cùng, kỳ thi phải đảm bảo tiết kiệm chi phí tối đa trong suốt quá trình triển khai đánh giá năng lực cán bộ.
Thi để nâng cao chất lượng nhân lực
Tham gia thi đánh giá năng lực năm 2019 có 2.172 cán bộ, công chức đến từ 28 cục hải quan tỉnh, thành phố và Cục Kiểm định Hải quan, Vụ Thanh tra-Kiểm tra (Tổng cục Hải quan).
Theo kế hoạch, 2.172 thí sinh sẽ được chia thành 7 đợt, tổ chức ở 7 địa điểm thi: Bắc Ninh, Lạng Sơn, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Bình, Bình Định và Tổng cục Hải quan. Trong đó, tại địa điểm thi Bắc Ninh có 199 thí sinh (gồm 3 đơn vị dự thi: Bắc Ninh, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa); tại Cần Thơ có 370 thí sinh (gồm 6 đơn vị dự thi: Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Long An); tại Lạng Sơn có 499 thí sinh (gồm 5 đơn vị dự thi: Lạng Sơn, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai); Bà Rịa-Vũng Tàu có 242 thí sinh (gồm 4 đơn vị dự thi: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước Tây Ninh, Chi cục Kiểm định Hải quan TP HCM).
Tại Quảng Bình có 437 thí sinh (gồm 5 đơn vị dự thi: Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế); Bình Định có 345 thi sinh (gồm 7 đơn vị dự thi: Bình Định, Khánh Hòa, Gia Lai, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Quảng Nam, Chi cục Kiểm định Hải quan TP Đà Nẵng); Tổng cục Hải quan có 130 thí sinh (gồm các đơn vị dự thi Chi cục Kiểm định Hải quan Hải Phòng, Lạng Sơn, Quảng Ninh; Công chức lĩnh vực Thanh tra (Vụ Thanh tra-Kiểm tra và các cục hải quan tỉnh, thành phố).
Cũng giống như thi đánh giá năng lực ở 7 cục hải quan tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM và khối cơ quan Tổng cục Hải quan năm 2018, lần này Tổng cục Hải quan tiếp tục tổ chức thi ở 6 lĩnh vực: Giám sát quản lý, Thuế xuất nhập khẩu, Chống buôn lậu, Kiểm tra sau thông quan, Quản lý rủi ro, Xử lý vi phạm.
Tổng cục Hải quan khẳng định, việc đánh giá năng lực công chức nhằm tạo phong trào học tập, hình thành ý thức tự học, tự nghiên cứu trong mỗi cán bộ, công chức, qua đó rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức nghiệp vụ.
Qua đánh giá năng lực công chức cũng xác định thực trạng năng lực chuyên môn của công chức để kịp thời xây dựng kế hoạch đào tạo nhằm bổ sung kiến thức, kỹ năng cho công chức, từ đó bước đầu áp dụng trong hoạt động tổ chức cán bộ như đào tạo, bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển.