Theo KLTT, về công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn Phú Yên tồn tại hàng loạt thiếu sót, vi phạm.
Về công tác lập, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) hàng năm chưa sát với thực trạng tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, dẫn tới một số chỉ tiêu thực hiện chưa đạt yêu cầu. Quy hoạch đất đai và một số quy hoạch ngành còn thiếu đồng bộ; nhiều khu vực quy hoạch ngành chưa thống nhất với quy hoạch SDĐ, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Công tác điều tra, thu thập thông tin để xây dựng quy hoạch, kế hoạch SDĐ còn hạn chế. Một số trường hợp chưa tuân thủ trình tự, thủ tục lấy ý kiến của Bộ, ngành liên quan khi điều chỉnh quy hoạch, dẫn đến vướng mắc khi thực hiện. Việc rà soát, đối chiếu quy hoạch chưa chặt chẽ nên có hiện tượng cho phép hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích SDĐ không phù hợp.
Thông báo KLTT 2094/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ. (Ảnh: Gia Hải) |
Việc giao đất lâm nghiệp theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP còn nhiều tồn tại, như: Không bàn giao thực địa, không xác định ranh giới dẫn đến việc chồng lấn, phát sinh tranh chấp. Việc giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) cho các BQL rừng phòng hộ/đặc dụng còn nhiều tồn tại, gây khó khăn cho công tác quản lý đất, quản lý và bảo vệ rừng, đồng thời khó giải quyết khi phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, lấn chiếm, SDĐ không đúng mục đích.
Tình trạng lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp còn diễn ra trên diện rộng trong thời gian dài nhưng không được các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền địa phương xử lý dứt điểm.
Qua thanh tra phát hiện, công tác cấp giấy GCN còn một số sai sót (khu đất đấu giá nhà ở tại lô đất ký hiệu số 3, phía Đông đường Hùng Vương, TP Tuy Hòa). Việc phê duyệt mảnh đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính một số thửa đất tại phường Hòa Hiệp Bắc, TX Đông Hòa làm cơ sở cấp GCN không được thực hiện đúng thủ tục quy định.
Việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn còn chậm. Việc cho phép bán một số cơ sở nhà đất công thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị quyết của HĐND tỉnh là chưa thực hiện đúng Nghị định 167/2017/NĐ-CP (ví dụ như trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Phú Yên số 79 Nguyễn Du, TP Tuy Hòa).
Tại một số dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc đã được giao đất, cho thuê đất nhưng các nhà đầu tư chậm hoặc không triển khai thực hiện như: Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Cù Lao Mái Nhà; làng du lịch quốc tế ven biển TP Tuy Hòa; khu du lịch biển đảo cao cấp Sunrise Phú Yên; khu du lịch liên hợp cao cấp New City Việt Nam; Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Phú Yên.
Một số dự án xác định giá đất không đúng quy định như: Trung tâm thương mại dịch vụ Showroom ô tô - khách sạn - văn phòng cho thuê Dũng Tiến (của Cty TNHH Dũng Tiến); làng du lịch quốc tế ven biển TP Tuy Hòa (Cty TNHH Bắc Âu); khu đô thị mới Bắc Lục Khẩu (Cty TNHH MTV Việt Long). Có dự án chậm phê duyệt giá đất để thu tiền nộp ngân sách như khu dân cư phố chợ Hòa Vinh (Cty CP Đầu tư xây dựng 72).
Việc UBND tỉnh Phú Yên chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội Nam Hùng Vương không có trong chương trình phát triển nhà ở xã hội được phê duyệt, việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định, là trái với Thông tư 08/2014/TT/BXD. Dự án này chưa đạt được mục tiêu và định hướng phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2013 của Chính phủ nhiều trường hợp không đúng đối tượng vẫn được xét mua nhà tại dự án này, nên không ít người sau khi mua xong đã chuyển nhượng cho người khác. Việc ký hợp đồng mua bán 78 căn hộ thuộc diện cho thuê tại dự án cũng là vấn đề tồn tại cần phải tiếp tục xử lý.
Tỉnh Phú Yên còn có sai sót khi không tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án khu đô thị mới Bắc Lục Khẩu ở thị xã Sông Cầu; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Đắc Lộc Hotel ở TP Tuy Hòa nhưng không xem xét kỹ nguồn gốc đất dẫn đến vướng mắc giải phóng mặt bằng, thậm chí chưa giao đất cho chủ đầu tư nhưng đã tạm thu tiền SDĐ. Không thẩm định nhu cầu SDĐ, điều kiện giao đất, cho thuê đất theo Luật Đầu tư với dự án khu du lịch Bãi Xép ở huyện Tuy An. Chưa thực hiện ký quỹ bảo đảm thực hiện đầu tư, phê duyệt phương án trồng rừng thay thế tại dự án khu du lịch sinh thái biển Sao Mai ở TP Tuy Hòa.
UBND tỉnh Phú Yên chưa kịp thời ban hành quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo Nghị định 44/2014/NĐ-CP, thậm chí xác định tiền SDĐ nông nghiệp trong dự án thương mại du lịch tại 6 dự án gây thất thu ngân sách hơn 21,7 tỷ đồng. Nợ đọng nghĩa vụ tài chính về đất tính đến tháng 6/2022 hơn 54,6 tỷ đồng, trong đó nợ tiền SDĐ 10 tỷ đồng, tiền thuê đất 41,9 tỷ đồng và tiền thuế SDĐ phi nông nghiệp hơn 2,7 tỷ đồng…