Hàng loạt "ông lớn" sẽ lên sàn?

Việc các thương hiệu mạnh IPO trong năm 2014 này đã mang lại nhiều sự hồ hởi cho dân kinh doanh.
Việc các thương hiệu mạnh IPO trong năm 2014 này đã mang lại nhiều sự hồ hởi cho dân kinh doanh.
(PLO) - Hàng loạt doanh nghiệp lớn của Nhà nước sẽ cổ phần hóa trong năm 2014, trong đó có những cái tên đáng chú ý như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng Công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam (Vinamotor), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)…
Một trong những tin đáng chờ đợi nhất là cổ phần hóa Vietnam Airlines. Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014, đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết sẽ hoàn tất việc cổ phần hóa Hãng Hàng không quốc gia với biểu tượng “bông sen vàng” ngay trong năm 2014, “quyết không để chậm tiến độ”. 
Với vốn chủ sở hữu khoảng 9.500 tỷ đồng, dự kiến Vietnam Airlines sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở thị trường trong nước và dành một tỷ lệ thỏa đáng để bán cho nhà đầu tư chiến lược. Trong đề án tái cơ cấu mới đây, doanh nghiệp hàng không này cũng xác định phương án bán cổ phần cho các nhà đầu tư theo hình thức phát hành thêm cổ phiếu để thu hút vốn. Tỷ lệ vốn nhà nước sau cổ phần hóa là 70 - 80%. Với mục tiêu đứng tốp đầu trong khu vực, sau IPO, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ vào năm 2015 và 2017 để đảm bảo vốn đối ứng cho các dự án đầu tư máy bay A 350, Boeing 787-9. Giá trị cổ phiếu phát hành có thể lên tới 450 triệu USD.
Khác với các trường hợp doanh nghiệp thua lỗ nặng trong bối cảnh thị trường chứng khoán trầm lắng kéo dài hiện nay, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng với thương hiệu của mình, Vietnam Airlines có thể thực hiện thành công IPO và đủ hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược.
Ngoài Vietnam Airlines, theo Bộ GTVT, ngay trong năm 2014 ngành giao thông cũng sẽ tiến hành cổ phần hóa 10 tổng công ty, gồm Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1, 4, 5, 6, 8; Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long, Xây dựng đường thủy (Vinawaco), Công nghiệp Ô tô Việt Nam (Vinamotor) và Vận tải thủy… Không chỉ “có tiếng” trong ngành giao thông, đây là những doanh nghiệp có bề dày lịch sử với quy mô lớn… 
Không riêng gì doanh nghiệp ngành giao thông, năm nay các tên tuổi lớn của ngành xây dựng như Tổng Công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng (Viglacera) cũng IPO hơn 76,9 triệu cổ phần (tương đương 25,07% vốn điều lệ) với giá khởi điểm là 10.300 đồng/cổ phần. Tiếp bước  Viglacera, một doanh nghiệp xây dựng truyền thống khác là Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng cũng sẽ được IPO trong năm 2014.
Việc các thương hiệu mạnh IPO trong năm nay đã mang lại nhiều sự hồ hởi cho dân kinh doanh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, chưa thể đặt kỳ vọng quá sớm vào lực hút từ các doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa lần này. Bởi, trước đó thị trường cũng đã chứng kiến nhiều “tên tuổi” lận đận khi lên sàn. Ngay trong năm 2013, Tổng Công ty Mía đường I chỉ đạt tỷ lệ IPO thành công là 3,27% với giá đấu bình quân 10.122 đồng/cổ phần; Tổng Công ty Mía đường 2 cũng có tỷ lệ đấu thầu thành công rất thấp là 4,63%, giá đấu thành công bình quân là 10,101 đồng/cổ phần.
Nhiều nhà đầu tư cho hay, chất lượng hàng hóa đi liền với sự công khai, minh bạch thông tin của doanh nghiệp thực hiện IPO và lên sàn chứng khoán là yếu tố quyết định để dòng tiền có đổ vào hay không. Do đó, sự thay đổi cơ bản và mang tính quyết định cho việc “hút” vốn khi cổ phần hóa đang được lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước xem là trọng trách quan trọng trong quá trình đưa doanh nghiệp đến gần hơn với các nhà đầu tư. 

Đọc thêm

Cảnh sát giao thông Hà Nội: Triển khai mô hình 'Ngã tư an toàn giao thông'

CSGT sẽ đẩy mạnh xử lý các lỗi không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường. (Ảnh: Trường Thắng)
(PLVN) - Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - CSGT (Công an TP Hà Nội), hiện nay tại một số nút giao trọng điểm trên các tuyến trục chính ra, vào TP, tình trạng lộn xộn, thiếu an toàn vẫn diễn ra. Mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" được triển khai để góp phần giải quyết tình trạng này.

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.