“Bố” của hàng chục đứa trẻ
Thành thông lệ, mỗi ngày cứ khoảng 5h sáng là anh Ngọc lại thức dậy để cho trâu ăn, ăn uống qua loa tầm 6h anh lại dắt theo con trâu kéo chiếc xe bò tự chế ra khỏi nhà đi đưa đón học sinh. Cũng như một chiếc xe bus mỗi ngày đi qua các ngả đường làng, các cháu học sinh mẫu giáo đã được bố mẹ cho ăn sáng đứng đợi sẵn và được anh bế lên ngồi trên xe đi đến trường học.
Đám trẻ con 4-5 tuổi được anh Ngọc đón mỗi ngày nên thành quen, chúng thường gọi anh là “bố Ngọc, bố Ngọc”. Đường xóm cũng không phải đoạn nào cũng bằng phẳng, đoạn đổ bê tông thì không nói làm gì, nhưng nhiều đoạn đường đất lởm chởm xe lắc khiến đám trẻ cũng nghiêng theo. Mỗi sáng như thế, xe trâu của anh đi qua 2 xóm là xóm Chùa và xóm Văn Ngọc đón gần 20 đứa trẻ đến lớp học đúng giờ.
Cứ thấy trẻ con đứng chờ trên đường là xe trâu anh lại dừng lại, cười tươi chào từng đứa một rồi bế lên xe, đóng cửa cẩn thận. Trên xe, anh cũng trang bị thêm một chiếc radio nhỏ cũ kỹ mở nhạc cho các cháu nghe. Thế rồi, đến cuối buổi chiều anh lại đánh xe trâu đến cổng trường mầm non xã Thanh Khai đợi sẵn để đón những đứa trẻ hết giờ học. Quãng đường khoảng 2km, anh còn chuẩn bị thêm nước đun sôi để cháu nào khát thì rót cho uống. Khi qua đến đoạn về nhà, anh lại dừng xe, bế cháu nhỏ xuống trước cổng chạy vào nhà, có khi là người lớn đứng chờ sẵn anh trước cổng để đón con về. Cứ như thế, đều đặn mỗi tuần 5 ngày anh làm cái công việc không công đó, mới thế mà đã gần 2 năm nay anh gắn bó với việc làm “tài xế xe bus bất đắc dĩ” cho hàng chục đứa bé.
Những người trong làng bế trẻ ra gửi xe trâu của anh Ngọc đưa con cháu đến trường. |
Tấm lòng “người tài xế bất đắc dĩ”
Nếu không biết, người ta sẽ tưởng gia đình anh chắc cũng khá giả lắm mới có thời gian rảnh để làm cái việc không công mà chả ai làm. Nhưng thực tế, hoàn cảnh gia đình cũng rất khó khăn. Anh Ngọc đã lập gia đình và có ba con nhỏ, vợ anh làm công nhân nhà máy gạch đi sớm về khuya, do dị tật ở chân nên sức khỏe yếu anh không làm được việc nặng.
Nói về “cơ duyên” dẫn đến việc anh đưa xe trâu đi chở các cháu trong làng đến trường anh kể, hàng ngày, anh thay vợ đưa con đi học, “hơn một năm trước, đạp xe đưa con thứ hai tới trường mầm non thì không may bị ngã may mắn hai bố con không bị làm sao nhưng từ đó anh thấy sợ sợ. Đêm về trăn trở làm sao đưa con đi học an toàn mà vẫn không chậm giờ học của con… Nghĩ mãi nên quyết định dùng trâu để kéo chiếc xe của gia đình mình chở con đi học” - anh Ngọc kể.
Nghĩ là làm, ngay hôm sau anh dậy đưa con đi học bằng xe trâu, việc này ban đầu cả xóm đều bất ngờ và thấy buồn cười. Được một vài hôm, những bà con trong xóm đều thấy việc làm này có ích nên đến đặt vấn đề gửi con cho anh đưa đi học bằng xe trâu để có thời gian đi làm, anh vui vẻ nhận lời.
Do số trẻ đăng ký đi xe trâu của anh tăng lên nên chỗ ngồi chật lại, anh cải tiến chiếc xe để che nắng mưa, đảm bảo an toàn, chế thêm chỗ ngồi. Ngoài ra, anh thiết kế thêm thùng xe làm bằng lan can sắt, phía trên có mái che kèm vải che xung quanh chắn gió bụi... Để đảm bảo an toàn, anh còn huấn luyện con trâu kéo xe thuần thục và không chạy khi gặp người lạ, có thể tự tránh phương tiện tham gia giao thông trên đường...
“Sáng mô tui cũng nhờ chú Ngọc chở cháu đi học hộ, cái xe bò thuận tiện lắm, ngày trước tui đưa đón cháu đi học vất vả lắm. Ngồi trên xe cũng an toàn, được anh Ngọc tận tình giúp đỡ bà con trong xóm làng cảm kích lắm chú à…”, ông Văn Đình Hường (69 tuổi) chia sẻ.
Do thấy anh chu đáo, lại tận tâm với việc đón con cháu mình đi học, các cháu cũng thích ngồi xe trâu cho vui nên trong làng ai cũng yên tâm cho ngồi xe trâu của anh Ngọc đi học. Thế nhưng, anh Ngọc cũng chẳng để ý đến công lao của mình, nên cũng không bao giờ đặt vấn đề trả tiền công. “Mình làm vì đưa con mình đi học, đưa thêm các cháu đi học đông cũng vui chẳng mệt nhọc chi” - anh Ngọc nói.
Cô Võ Thị Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thanh Khai cho hay, cũng có người có điều kiện thì hỗ trợ anh 100 ngàn, người ít thì 50 ngàn gia đình khó khăn thì không có anh Ngọc cũng vui vẻ chở con đi học. Anh Ngọc cho biết thêm, nếu như có thêm kinh phí sẽ tiếp tục cải tiến thùng xe với 3 dãy ghế để có nhiều chỗ cho các cháu ngồi, càng đông càng vui. Anh cũng cho biết, sẽ tiếp tục làm “tài xế” cho các cháu trong làng trong 3 năm tới khi con út nhà anh học hết mẫu giáo.