Hàn Quốc cảnh báo phía sau những cái chết vì làm việc kiệt sức

Nhân viên của Cơ quan Bưu chính Hàn Quốc phân loại bưu kiện và thư từ
Nhân viên của Cơ quan Bưu chính Hàn Quốc phân loại bưu kiện và thư từ
(PLO) - Hồi tháng 7, chính phủ Hàn Quốc ra quy định giảm số giờ làm việc tối đa từ 68/tuần xuống 40/tuần và số giờ làm thêm không quá 12. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết đây là "cơ hội quan trọng để tránh trở thành một xã hội quá tải vì công việc và hướng tới một xã hội dành nhiều thời gian hơn cho gia đình".

Park Hyun-suk mất nhiều thời gian mới tìm được ảnh chụp chung với chồng. Chị là góa phụ, chồng mất vì gwarosa (chết vì làm việc kiệt sức).

"Tôi nghĩ là trong này có ảnh chụp chung", Park tự nhủ, tay vuốt điện thoại. "Chẳng lẽ chúng tôi không đi cùng nhau chuyến đó?"

Khi con gái lên tiếng nhắc nhở, cuối cùng Park cũng tìm được một tấm ảnh chồng trong bộ đồng phục bảo hộ vệ sinh màu trắng, mái tóc giấu trong mũ trùm màu trắng.

Chae Soo-hong làm việc cho một đơn vị cung cấp thực phẩm chuyên về jangjorim - món thịt lợn Hàn Quốc nấu trong nước tương nổi tiếng. Nhiệm vụ của anh là đảm bảo quy trình sản xuất đúng tiêu chuẩn và đúng thời hạn. 

Trong tuần, anh sẽ tới các nhà máy thuộc công ty và giám sát sản xuất. Các ngày thứ bảy, anh tới văn phòng làm công việc hành chính. Ngay cả khi đã về nhà, công việc vẫn chưa kết thúc, anh thường xuyên dành thời gian buổi tối gọi điện hỏi han công nhân nhà máy. Đa số họ là lao động nhập cư người nước ngoài cần giúp đỡ để thích nghi với cuộc sống ở Hàn Quốc.

"Năm 2015, khi anh ấy mới vào, công ty có khoảng 30 nhân viên nhưng tới lúc anh ấy chết, số lượng đã tăng lên 80 mà nhiệm vụ của anh ấy vẫn không ngừng tăng lên", Park cho hay.

Công việc nhiều hơn, Chae càng phải làm nhiều hơn, mệt mỏi tới mức hầu hết thời gian ở nhà của anh dành để ngủ. Chae qua đời vào một tối thứ bảy hồi tháng 8/2017. Sáng hôm đó, trong lúc chuẩn bị đi làm, giống như mọi ngày cuối tuần, anh lại kêu mệt nhưng Park không mấy để tâm bởi lúc nào công việc của anh chẳng mệt. "Đáng lẽ tôi phải phát hiện anh ấy đang ốm. Hôm đó anh ấy không về nhà", Park nhớ lại. 

Đồng nghiệp của Chae tìm thấy anh đột quỵ ở văn phòng. Tới giờ, nguyên nhân anh đột quỵ vẫn chưa thể xác định. Chae chỉ là một trong số hàng trăm người chết vì gwarosa ở Hàn Quốc năm 2017, theo số liệu của chính phủ.

Vợ chồng Park Hyun-suk ngày còn hạnh phúc
Vợ chồng Park Hyun-suk ngày còn hạnh phúc

Hồi tháng 7, chính phủ Hàn Quốc ra quy định giảm số giờ làm việc tối đa từ 68/tuần xuống 40/tuần và số giờ làm thêm không quá 12. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết đây là "cơ hội quan trọng để tránh trở thành một xã hội quá tải vì công việc và hướng tới một xã hội dành nhiều thời gian hơn cho gia đình".

"Điều quan trọng nhất là biện pháp này sẽ là cơ sở để bảo vệ mạng sống và an toàn cho người dân, bằng cách giảm số ca tử vong vì làm việc kiệt sức, tai nạn lao động và lái xe khi thiếu ngủ", Moon nói.

Cuộc chiến bồi thường

Nhưng đối với những gia đình phải trả giá vì có người thân chết do gwarosa, nỗi đau vẫn tiếp diễn cùng với cuộc chiến đòi bồi thường. Park nhanh chóng phát hiện việc này phức tạp hơn cô nghĩ. Cơ quan Bồi thường và Phúc lợi Lao động Hàn Quốc (COMWEL), một đơn vị chính phủ, yêu cầu Park chứng minh Chae chết khi đang làm việc.

"Khó mà chứng minh được. Anh ấy thường rời nhà vào 7h sáng, về lúc 10h tối nhưng trong hợp đồng lao động không ghi rõ thời gian làm việc", cô nói. 

Park phát hiện một trạm thu phí đường cao tốc mà chồng đi qua hàng ngày có camera giám sát ghi lại thời gian. Tuy nhiên, vì Chae tới một văn phòng khác làm việc vào các ngày thứ bảy, Park không thể tìm được dữ liệu chứng minh anh đi làm vào những ngày này.

Trong khi Hàn Quốc không có luật riêng cho các trường hợp gwarosa, COMWEL lại quy định những ca tử vong do đột quỵ hoặc đau tim vì làm việc quá 60 giờ một tuần liên tục trong ba tháng đủ điều kiện nhận bồi thường. Số tiền bồi thường từ quỹ của COMWEL có thể giúp các gia đình mất đi trụ cột kinh tế tiếp tục cuộc sống.

Dù không có bằng chứng việc chồng làm thêm giờ vào thứ bảy, nhưng Park vẫn chứng minh được Chae chết vì làm việc hơn 180 giờ một tuần. Gia đình cô là một trong số ít trường hợp may mắn đủ điều kiện để đòi bồi thường từ COMWEL. 

Một tháng sau khi Chae qua đời, Park và hơn mười người khác tập trung tại một phòng học nhỏ, cách bờ sông Hán khoảng 1,6 km về phía nam gần Noryangjin, cạnh chợ cá lớn nhất Seoul. Họ có điểm chung là mất đi một thành viên trong gia đình, có thể là chồng hoặc bố, vì làm việc quá sức. Kang Min-jung là người sáng lập nhóm sau khi chú của cô, người nuôi nấng Kang từ nhỏ, chết vì gwarosa.

"Khi chú mất, tôi tự hỏi nguyên nhân. Tại sao ông phải làm việc nhiều như thế. Tôi quyết định sang Nhật nghiên cứu về hiện tượng chết do làm việc quá sức", Kang nói. Nhật Bản bắt đầu nghiên cứu hiện tượng này từ những năm 1980.

Khi quay về Hàn Quốc, Kang bắt đầu tổ chức họp mặt những gia đình có người thân chết vì làm việc kiệt sức. Việc này không dễ dàng, chỉ có ba người tới trong buổi gặp đầu tiên. Nhiều người Hàn Quốc không ý thức được tình trạng gwarosa, cũng như có thể nhận bồi thường theo luật lao động. Thiếu kiến thức về gwarosa xảy ra ở những người có nhiều nguy cơ chết vì làm việc nhất như Chae.

"Anh ấy hẳn nghĩ rằng làm việc như thế là bình thường. Anh ấy là một phần của thế hệ bùng nổ dân số, thế hệ nhấn mạnh vào nhiệm vụ của đàn ông là làm việc chăm chỉ nuôi sống gia đình. Anh ấy không hề than phiền, cũng không hề nghỉ ngơi", vợ của Chae nói.

"Xã hội Hàn Quốc luôn yêu cầu làm việc và làm việc. Họ yêu cầu làm việc nhiều giờ, nghĩ rằng thế mới tốt, mới hiệu quả", Park nhận xét.

Hình ảnh cuối cùng về Chae trong điện thoại của vợ
Hình ảnh cuối cùng về Chae trong điện thoại của vợ

Trong số 36 quốc gia là thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), người lao động Hàn Quốc có số giờ làm việc trung bình một tuần nhiều thứ hai chỉ sau Mexico, nhiều hơn gần 50% so với Đức, nhưng hiệu quả chỉ xếp thứ ba từ dưới lên.

Kim Woo-tark, luật sư chuyên về luật lao động, cũng thường xuyên tới dự các buổi gặp mặt do Kang tổ chức và giúp đỡ các gia đình nộp đơn gửi COMWEL. Kim nhận định văn hóa làm việc quá giờ ở Hàn Quốc hình thành sau Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953. 

"Vì Hàn Quốc phải nhanh chóng hồi phục sau Chiến tranh Triều Tiên, nên cả hệ thống xã hội phải thay đổi, ép mỗi người lao động phải làm việc nhiều hơn. Dần dần, nó trở thành một nét văn hóa, một phong tục", Kim bày tỏ.

Thay đổi nhận thức

Quy định làm việc không quá 52 giờ một tuần mà Tổng thống Moon đưa ra có hiệu lực vào ngày 1/7 năm nay, nhưng bước đầu chỉ giới hạn với những công ty có quy mô từ 300 nhân viên trở lên. Một trong những công ty đầu tiên đủ điều kiện là Korea Telecom. Thời gian tan sở sẽ hiển thị trên màn hình máy tính và cấp trên khuyến khích nhân viên về nhà đúng giờ thay vì cố làm thêm.

Kim Jung-jun là nhân viên phòng quan hệ công chúng, cho biết ngày nào giám sát viên cũng rung chuông và lớn tiếng thông báo "đã tới giờ về, hãy kết thúc công việc nào". Ba tháng sau khi luật có hiệu lực, Kim được ngủ nhiều hơn, cũng có nhiều thời gian hơn cho gia đình và bạn bè.

Luật mới mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Hồi tháng 8, Bộ Lao động công bố xã hội có thêm 43.000 việc làm mới, bởi các công ty buộc phải tuyển dụng thêm người thay vì buộc nhân viên làm thêm giờ.

Tuy nhiên, không phải người lao động nào cũng hưởng lợi từ thay đổi này. Jeong Hak-dong là nhân viên bưu tá ở Ilsan, thành phố vệ tinh ở phía tây bắc Seoul. Ông cho biết từ khi luật mới có hiệu lực, công việc của mình không thay đổi nhiều.

"Quản lý thông báo chính sách 52 giờ một tuần nghĩa là chúng tôi bắt đầu làm việc lúc 8h sáng và kết thúc lúc 18h. Nhưng thực tế chúng tôi vẫn làm việc quá 20h", Jeong nói.

Công việc của Jeong vẫn như mọi ngày, thường xuyên làm việc quá 12 tiếng "thậm chí còn không làm xong việc". Ông lo lắng về tình trạng các nhân viên vội đưa hàng buộc phải lái xe nhanh hơn khiến nguy cơ gặp tai nạn giao thông cũng cao hơn.

Năm ngoái, một bưu tá bị thương sau tai nạn vẫn bị yêu cầu đi làm. Ông tự tử, để lại di thư, phàn nàn về cách đối xử vô nhân đạo của công ty. Tháng 7 năm nay, một người khác cũng tự thiêu sau hai vụ nghi ngờ chết do làm việc quá sức trong vòng hai tháng ở cùng một chi nhánh. 

Sau hàng loạt cái chết trong ngành, các thành viên của Liên đoàn Công nhân Bưu chính đã tổ chức đình công ở quảng trường Gwanghwamun, Seoul, nhằm gây áp lực cho chính phủ chấm dứt chính sách làm việc 6 ngày một tuần và thuê thêm lao động để cải thiện điều kiện cũng như thời gian làm việc.

Tháng 8/2017, Nhà Trắng đã tổ chức cuộc gặp giữa Cơ quan Bưu chính Hàn Quốc và Liên đoàn cùng các chuyên gia độc lập để xem xét điều kiện làm việc trong ngành bưu chính. Theo kết quả công bố vào tháng này, gần 2.000 nhân viên bưu chính làm việc hơn 3.000 giờ mỗi năm, trung bình hơn 58 giờ mỗi tuần, mức độ căng thẳng hơn lao động trong nghề y tá, cứu hỏa và phi công máy bay chiến đấu.

Cơ quan Bưu chính Hàn Quốc đồng ý tuyển thêm một nghìn nhân viên vào năm tới, và thêm một nghìn nữa vào năm 2020. Các thành viên liên đoàn hoan nghênh kết quả, tuyên bố chấm dứt đình công. 

Bây giờ, tháng nào Park Hyun-suk cũng nhận được tiền bồi thường. Nó là khoản hỗ trợ được gia đình hoan nghênh, nhưng cũng là lời nhắc nhở đau đớn về cái chết của chồng cô. Cô mừng vì luật đã thay đổi, nhưng không thể ngừng tự hỏi nếu thay đổi đến sớm hơn, mọi thứ phải chăng sẽ khác với gia đình mình.

"Tôi chắc chắn không chỉ mình tôi, mà những người khác có cùng nỗi đau đều bị ám ảnh có tội. Nếu tôi phát hiện bất thường, nếu tôi nhạy cảm hơn, anh ấy sẽ không chết. Tôi luôn đau đớn, cảm thấy mình có lỗi, cố gắng tiếp tục sống nhưng cảm giác đó sẽ đeo bám tôi suốt đời", Park tâm sự.

Đọc thêm

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này
(PLVN) - Tuần này đánh dấu những ngày lễ quốc tế quan trọng, nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm chung trong việc xây dựng một thế giới công bằng, tôn trọng nhân quyền và bảo vệ môi trường tự nhiên.

Trường hợp khẩn cấp, công dân Việt tại Syria nên liên hệ đường dây nóng Đại sứ quán Việt Nam

Khói bốc lên trong cuộc giao tranh tại Syria. Ảnh: IRNA/TTXVN
Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria đã đề nghị Syria cung cấp thông tin về công dân Việt Nam có khả năng đang sinh sống, làm việc tại Syria. Trong trường hợp khẩn cấp, công dân hãy liên hệ số đường dây nóng bảo hộ công dân +98 933 965 8252/+98 991 205 7570 (Whatsapp); hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84.

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Thế giới chứng kiến nhiều sự kiện đáng buồn, từ thiên tai, tai nạn, hoả hoạn, đến tội ác nhằm vào nhà báo và bệnh dịch bí ẩn..., khiến hàng trăm sinh mạng bị cướp đi.

Đàm phán FTA giữa Khối EFTA và Thái Lan chính thức đặt dấu mốc

Đại diện các nước EFTA (Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ) và Thái Lan họp trực tuyến về việc kết thúc việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai bên.
(PLVN) - Ngày 29/11/2024, Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA), gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ, chính thức kết thúc đàm phán với Thái Lan về Hiệp định Thương mại tự do (FTA).  Thỏa thuận này mở ra một chương mới trong quan hệ thương mại giữa hai bên, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực và mang lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tại cả hai khu vực.

Namibia có nữ tổng thống đầu tiên

Bà Netumbo Nandi-Ndaitwah trở thành Tổng thống thứ 5 của Namibia kể từ khi nước này giành độc lập hồi năm 1990.
(PLVN) - Ngày 3/12 (giờ địa phương), Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử Namibia (ECN) Elsie Nghikembua thông báo, nước này đã bầu ra tân Tổng thống sau cuộc bầu cử diễn ra hôm 27/11.

Nhà Trắng nêu lý do Tổng thống Joe Biden ân xá cho con trai

Hunter Biden, con trai Tổng thống Joe Biden
(PLVN) - Tổng thống Joe Biden đã gây tranh cãi khi ký lệnh ân xá vô điều kiện cho con trai Hunter Biden, người bị buộc tội vi phạm thuế và sở hữu súng trái phép. Nhà Trắng giải thích, đây là quyết định nhằm bảo vệ Hunter trước các cuộc công kích chính trị, nhưng động thái này đã vấp phải chỉ trích từ cả Đảng Cộng hòa lẫn Đảng Dân chủ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ân xá cho con trai

Tổng thống Mỹ Joe Biden và con trai Hunter Biden.
(PLVN) - Tổng thống Joe Biden ngày 1/12 (giờ địa phương) tuyên bố đã ân xá cho con trai Hunter Biden, người bị kết án vào đầu năm nay về tội liên quan đến súng và thuế liên bang.

Nhiều chuyện lạ trên thế giới trrong tháng 11/2024

Nhiều chuyện lạ trên thế giới trrong tháng 11/2024
(PLVN) - Tháng 11/2024 chứng kiến ​​hàng loạt sự kiện kỳ ​​lạ trên khắp thế giới, từ việc làm đại gia chi tiền tỷ lệ ăn quả chuối trong tác phẩm nghệ thuật, người phụ nữ cao nhất gặp gỡ người phụ nữ thấp nhất, đến câu chuyện " hồi sinh" khó tin trên giàn thiêu và gia đình 9 con vẫn muốn sinh thêm để đủ 12 con giáp.