Nói về cuộc đời cũng như thơ ca của con người tài hoa mà mệnh bạc ấy, Trần Thanh Mại trong khảo cứu “Hàn Mạc Tử (thân thế và thi văn)”, đã cảm thán mà rằng: “Khảo cứu về đời Hàn Mạc Tử, tôi thấy rằng nhà thi sĩ ấy có một cuộc đời ly kỳ đặc biệt”. Cuộc đời ly kỳ đặc biệt ấy là gì? Vẫn ông Mại tiếp lời, rằng đó là cuộc đời “đầy đau thương, đầy khổ não”.
Thật vậy, đi qua 28 năm cuộc đời của thi sĩ, ta không khỏi xót xa ứa lệ muốn “thương vay”. Nhưng trước hết, nên điểm qua cái duyên thơ ca của người thi sĩ trẻ tuổi ấy đã. Những chuyện đời, chuyện tình, chuyện bệnh buồn thương, ta sẽ cùng nhau khơi tiếp về sau vậy.
Sao Khuê sớm mọc
Hồn thơ của Hàn Mặc Tử, được cho là phát tiết sớm lắm. “Thi nhân Việt Nam” cho rằng thi sĩ của “Đây thôn Vĩ Dạ’ làm thơ từ năm 15 tuổi; còn “Thi nhân Việt Nam hiện đại” thì cho là năm 16 tuổi. Ấy, cũng không sai khác là bao nhiêu, nhất là nếu căn cứ lúc thì lịch Tây, lúc theo lịch ta tùy ý. Và ban đầu, Hàn Mặc Tử làm thơ theo phong cách cổ xưa: thơ Đường luật.
Qua khảo cứu “Hàn Mạc Tử (thân thế và thi văn)”, ta nên biết rằng, cụ thân sinh ra nhà thơ, là cụ Nguyễn Văn Toản, công chức nhà nước, có tiếng là “sức Hán học cũng uyên thâm”. Hẳn Trọng Trí trong buổi ban đầu nghiệp thơ, làm Đường luật, không thể không có ảnh hưởng từ khả năng Hán học của người cha đã quá cố ấy. Bởi vậy mà dù là một nhà thơ của thế hệ mới, “nhưng Hàn Mặc Tử lại cũng rất giỏi và có thể nói là xuất sắc về lối thơ Đường luật”.
Cái duyên thi phú của Nguyễn, được cho là từ người anh Nguyễn Bá Nhân, tức Mộng Châu hướng dẫn, khơi gợi. Bằng chứng là như lời kể của người em Nguyễn Bá Tín, thì Mộng Châu và Nguyễn Trọng Trí thường xướng họa thơ văn với nhau, rất lấy làm tương đắc.
Hàn Mặc Tử |
Ngặt nỗi, bà mẹ là Nguyễn Thị Duy thấy rằng “không lẽ cứ để cho cái ông thi sĩ vị thành niên ấy ngâm vịnh suốt ngày, hay là cứ đọc truyện Đông châu liệt quốc cùng là thơ của Tú Xương và Tản Đà, mẹ chàng không nại tốn hao, gửi ngay con ra Huế, cho vào học trường Nhà Dòng Pellerin”.
Nhưng bà nào hay, như con cá thoát khỏi chiếc chậu nhỏ mà ra ao, ra hồ, Nguyễn Trọng Trí lại càng có nhiều thời gian hơn cho thơ phú. Năm 19 tuổi, thơ Trọng Trí được nhiều báo đăng, lấy bút danh Phong Trần. Dạo ấy, chủ yếu thơ chàng được hiện diện trên “Phụ nữ tân văn” ở Sài Gòn, cũng như các phụ chương văn chương của nhiều nhật báo khác. Thơ hay đến nỗi, cụ Phan Sào Nam cũng biết đến và khen ngợi, như bài Đường luật “Thức khuya”, có hai câu thực là:
“Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối,
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn”…
Hay có lần Trí làm bài thơ Đường luật “Vịnh cây đàn nguyệt”, cụ Tàn Đà Nguyễn Khắc Hiếu biết, rất thích, có những câu rất đắt, tỉ như hai câu thực dưới đây:
“Bạc mệnh, đàn chơi, đau nửa kiếp,
Đồng tâm tơ buộc chặt quanh năm”…
Trần Thanh Mại còn cho rằng, khi có biệt hiệu Lệ Thanh, Nguyễn Trọng Trí còn đoạt giải cao về thơ nữa: “giật ngay giải nhất trong một cuộc thi của một thi xã tổ chức”. Những bước đệm ban đầu thuận lợi, là cơ sở cho sự phát tiết, thăng hoa về sau của thi sĩ họ Nguyễn trong những năm tháng ngắn ngủi nơi dương thế “cõi tạm”.
Nói về thơ của thi sĩ tài hoa họ Nguyễn, “Thi nhân Việt Nam hiện đại” gói gọn trong mấy câu sau: “Là một nhà thơ phải sống một cảnh đời đau thương nhất trong các thi nhân ở Việt Nam, lời thơ thành thực, khi nghẹn ngào, khi hoạt bát, bao giờ cũng chứa chan tình tứ hay một tin tưởng cao xa, khiến cho nhiều người phải chú ý”. Sau này, tìm hiểu về thơ thi sĩ, ta sẽ cảm rõ hơn lời nhận xét ấy.
Bút hiệu lưu danh thơm
Bấy lâu nay, thiên hạ quen gọi Nguyễn Trọng Trí với cái bút hiệu ông mang: Hàn Mặc Tử. Trong đời làm thơ của mình, thi sĩ họ Nguyễn còn có nhiều bút danh khác nữa, chứ chẳng chỉ mình cái tên Hàn Mặc Tử thôi đâu. Hoài Thanh, Hoài Chân trong “Thi nhân Việt Nam” cho ta hay, thi sĩ còn từng dùng bút danh Phong Trần, Lệ Thanh. Trước đó khi làm thơ Đường luật, Trí lấy bút danh là Minh Duệ Thị cho hợp với loại thơ cổ xưa.
Cái bút danh Lệ Thanh ấy, từng bị chê là “yểu điệu thục nữ quá”, từng được thi sĩ đặt tên cho tập thơ Đường luật của mình là “Lệ Thanh thi tập”. Lệ Thanh, theo “Văn học từ điển”, được cho là ghép chữ cái đầu sinh quán là Lệ Mỹ với chính quán Thanh Tân ghép lại mà thành. Bởi bị chê nên chàng thi sĩ sau mới lấy tên Hàn Mặc Tử.
Ngặt nỗi về sau, thiên hạ mất bao tâm sức mà giải nghĩa cho cái bút danh ấy, cho thấy, dễ gì hiểu được dụng ý của nhà thơ. Như trong “Việt Nam thi nhân tiền chiến” thì cho rằng, trước khi chết tên Hàn Mặc Tử, thì thi sĩ đặt là Hàn Mạc Tử, có nghĩa là “cái rèm lạnh” (chả thế mà sau này Trần Thanh Mại khảo cứu về đời người thi sĩ bạc mệnh, cũng vẫn ghi Hàn Mạc Tử chứ không ghi Hàn Mặc Tử).
Bút tích của thi sĩ Hàn Mặc Tử |
Trong “Hàn Mạc Tử anh tôi”, Nguyễn Bá Tín cho hay, vì tình yêu u sầu với Hoàng Hoa nữ sĩ, tên thật là Kim Cúc nên Trọng Trí hay buồn bã như kẻ thất tình, bạn bè thấy vậy, mới trêu cợt là con người sau bức rèm lạnh, gọi đùa là Hàn Mạc Tử. Chữ Hàn là lạnh, chữ mạc không dấu là bức màn.
Vẫn nơi sách “Việt Nam thi nhân tiền chiến”, có kể lại câu chuyện liên quan, theo đó có lần đến chơi nhà Quách Tấn, người mà sau này thi sĩ bạc mệnh phó thác hết nhưng di cảo nhờ giữ giúp và toàn quyền định đoạt. Quách Tấn đã trêu rằng: - Kể cũng ngộ thật! Tránh kiếp phong trần, lại đi làm khách hồng nhan. Sợ kiếp hồng nhan đa truân, lại đi làm kiếp rèm lạnh. Tránh lờ chui vào lưới. Sao mà lẩn thẩn quá thế? Trí đâm khùng: - Anh này thật đa sự! Không biết đặt “cái đếch” gì cho vừa lòng anh? Quách Tấn mới cười mà bảo: - Đã có rèm thì thêm bóng nguyệt vào. Hỏi còn cảnh nào nên thơ bằng?
Tử hội ý, cầm bút vạch thêm “vầng trăng non” trên đầu chữ A của chữ Mạc, thành ra hiệu Hàn Mặc Tử. Chỉ một cái dấu thôi, mà đã thay đổi cả ý nghĩa bút hiệu của nhà thơ, để từ đó, Hàn Mặc Tử chính là “khách văn chương”.
Gốc tích bút hiệu này, còn được Nguyễn Bá Tín, em ruột thi sĩ kể lại tường tận trong “Hàn Mặc Tử anh tôi”: “Theo chỗ tôi biết, thì bút hiệu đúng của Anh là Hàn Mặc Tử, trước hết anh tự nhận là nhà thơ nghèo nàn (Hàn Mặc, chữ Hàn của anh là nghèo, không phải lạnh).
Chữ Mặc là thỏi mực, ngụ ý “tao nhân mặc khách” (con người của bút mực, văn chương, thi sĩ). Anh Trí vốn rất ngưỡng mộ triết gia Mặc Dịch thời Chiến Quốc, nổi tiếng chủ trương thuyết Kiêm ái, nên anh cũng tự nhận thuộc môn phái Mặc Dịch, thương yêu hết mọi người. Chữ Mặc Tử khi ghép đôi mới có ý nghĩa là môn đồ Mặc Dịch. Chữ Mạc Tử thì không có ý nghĩa gì. Chữ Hàn Mặc Tử nói lên ý nghĩa một thi sĩ nghèo nàn, nhưng tình thương rộng rãi bao la.
Và bút hiệu ấy, cho đến nay, vẫn còn lung linh trong lòng những ai “trót” yêu thơ Hàn Mặc Tử…/.