Nhiều văn bản “chết yểu”
Gần đây nhất, ngày 26/7, Bộ Y tế đã ký thu hồi Công văn 5944 về việc tăng cường, phòng chống dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu được ban hành chỉ 2 ngày trước đó. Theo lý giải của Bộ Y tế, việc thu hồi này là do Công văn 5944 “có một số nội dung chưa phù hợp”. Động thái của Bộ Y tế diễn ra sau khi công văn có nội dung tăng cường phòng chống dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc y học cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu của Bộ đã “gây bão” trên truyền thông và mạng xã hội. Ở Công văn trên, phần phụ lục đính kèm với tên sản phẩm, cách sử dụng, nhà sản xuất 26 sản phẩm được cho có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19 không có chữ ký của lãnh đạo Bộ Y tế và đóng dấu Bộ Y tế theo đúng quy cách.
Việc các cơ quan nhà nước ra văn bản sau đó lại rút lại vì các lý do khác nhau thực tế đã xảy ra nhiều trong thời gian qua. Ví dụ, chiều 5/7, Phó Chủ tịch UBND TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Đặng Huy Quang đã ký văn bản hỏa tốc thu hồi văn bản hỏa tốc về tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 được ban hành sáng cùng ngày với lý do có sai sót trong việc soạn văn bản. Trước đó, người dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bất ngờ trước việc UBND TP Bà Rịa ban hành Công văn số 7001/VP-UBND, yêu cầu người dân muốn vào TP phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Nhiều người cho rằng việc di chuyển trong tỉnh cũng cần phải có giấy xét nghiệm là không phù hợp.
Sự việc tương tự cũng xảy ra tại UBND thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) ngày 3/6 khi UBND thị trấn ra Công văn số 178/UBND về việc khảo sát sử dụng vaccine tại địa phương này. Công văn nêu rõ tổ chức thống kê, đăng ký, cam kết tự nguyện với việc tiêm vaccine của cá nhân theo từng hộ gia đình, đảm bảo tính chính xác của số liệu bằng văn bản. Kinh phí tiêm vaccine sẽ do người sử dụng tự chi trả. Đến ngày 10/6, UBND thị trấn Đông Anh đã ra Công văn số 186/UBND thu hồi Công văn số 178/UBND ngày 3/6. Công văn 186 thừa nhận công văn ban hành trước đó đã sai nội dung “kinh phí tiêm vaccine sẽ do người sử dụng tự chi trả”.
Theo đại biểu Quốc hội (QH) Phạm Văn Hòa (đoàn đại biểu QH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH), thời gian qua đã diễn ra tình trạng các cơ quan nhà nước đưa ra những văn bản gây xôn xao, xáo trộn trong nhân dân. Đến khi người dân không biết áp dụng ra sao, hoặc đã áp dụng theo các văn bản đó thì “đùng một cái”, cơ quan nhà nước đó lại ra văn bản khác, rút văn bản được ban hành trước. “Tình trạng này đã xảy ra. Tôi nghĩ rằng việc này là không nên”, đại biểu Hòa nói.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa |
Đề cập cụ thể đến Công văn 5944 của Bộ Y tế, đại biểu Hòa cho rằng đây là một văn bản của một cơ quan bộ cho nên không thể chấp nhận mới ban hành rồi lại thu hồi. “Phải có sự thống nhất từ trong nội bộ; phải làm rõ ràng, cụ thể, tính toán chi li vấn đề mới được ban hành văn bản. Bởi, đây không là phải chuyện bình thường mà liên quan, ảnh hưởng đến sức khỏe con người; nếu có sự sai lầm thậm chí có thể dẫn đến tử vong, đánh đổi bằng tính mạng của con người”, đại biểu Hòa nói và cho rằng cần kiểm điểm, xử lý trách nhiệm để ngăn việc các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm ban hành văn bản rồi rút lại hoặc ban hành những văn bản không đúng quy định của pháp luật.
Khoảng trống đối với văn bản hành chính cá biệt
Ở góc độ chuyên môn, bà Nguyễn Thị Thu Hòe - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, những văn bản như văn bản của Bộ Y tế là văn bản hành chính cá biệt, không phải văn bản quy phạm. “Hiện nay, hệ thống pháp luật còn đang bỏ ngỏ, chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định trực tiếp, đầy đủ về trình tự, thủ tục cho việc soạn thảo, ban hành, thu hồi hay xử lý văn bản cá biệt trái pháp luật”, bà Hòe cho hay.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hòe, với danh nghĩa là một trong những hình thức để truyền tải và thực hiện mục tiêu quản lý nhà nước, quyết định hành chính đã góp phần quan trọng trong việc giúp cơ quan hành chính nhà nước tổ chức, quản lý toàn diện các mặt của đời sống xã hội theo quy định pháp luật. Trường hợp cơ quan, người đã ban hành văn bản tự phát hiện văn bản do mình ban hành chưa đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp hay chưa hiệu quả, khả thi, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn thì có thể căn cứ vào các quy định về nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước trong Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương…, quy định về xử lý văn bản trái pháp luật trong Luật Khiếu nại để tiến hành thu hồi hoặc xử lý sớm nhất nội dung chưa phù hợp của văn bản để đảm bảo không có hậu quả phát sinh. “Thực ra, đó là động thái tốt của cơ quan quản lý nhà nước khi phát hiện văn bản của mình có vấn đề”, bà Hòe cho hay.
Tuy nhiên, bà Hòe cũng nhấn mạnh, xét về mặt tổng thể, việc phải thu hồi văn bản chỉ nên là các trường hợp hãn hữu bởi trên thực tế, để ra được một quyết định hành chính, cơ quan hành chính nhà nước phải căn cứ vào kết quả nghiên cứu, thực tiễn quản lý nhà nước và thẩm quyền ban hành văn bản để đảm bảo ban hành văn bản đáp ứng yêu cầu về tính hợp hiến, hợp pháp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hiệu quả khi áp dụng.
Trước thực tế tình trạng các cơ quan nhà nước rút lại văn bản sau khi đã ban hành có xu hướng gia tăng thời gian qua, bà Hòe cho rằng phải chăng cần xem xét thêm về tính chuẩn mực, về quá trình tham mưu, nghiên cứu của cơ quan ban hành văn bản hoặc vấn đề thực tiễn phát sinh quá nhanh chóng mà cơ quan nhà nước không thể theo kịp.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, về lâu dài, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, ban hành văn bản quy định đầy đủ, toàn diện về trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành, xử lý văn bản hành chính trái pháp luật hoặc văn bản không đảm bảo tính hợp lý, khả thi.