Trường hợp “đặc biệt”, đương sự không có quyền yêu cầu THA trở lại
Theo quy định tại Điều 50 Luật THADS, việc THA bị đình chỉ thi hành trong trường hợp đương sự có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được THA có văn bản yêu cầu cơ quan THADS không tiếp tục việc THA, trừ trường hợp việc đình chỉ THA ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, thực tiễn cho thấy tình trạng người phải THA lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người được THA, đã đạt được thỏa thuận không tiếp tục việc THA dẫn đến việc cơ quan THADS đình chỉ THA theo quy định, sau đó người phải THA lật lọng, người được THA yêu cầu cơ quan THADS tiếp tục THA nhưng việc THA đã bị đình chỉ. Việc này vừa ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người được THA, vừa gây khó khăn cho cơ quan THA.
Do đó, nhằm giúp người được THA cân nhắc kỹ lưỡng hơn, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của họ đã được bản án, quyết định ghi nhận, Dự án Luật quy định theo hướng rõ ràng hơn về nội dung đơn yêu cầu đình chỉ THA và về hậu quả của việc đình chỉ THA.
Cụ thể, Dự án Luật quy định đình chỉ THA khi đương sự có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được THA có văn bản yêu cầu cơ quan THADS đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ quyền, lợi ích được hưởng theo bản án, quyết định, trừ trường hợp việc đình chỉ THA ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba. Trong trường hợp này, đương sự không có quyền yêu cầu THA trở lại.
Mua được tài sản đấu giá nhưng án bị hủy: Không đình chỉ thi hành án
Điều 50 Luật THADS 2008 cũng đã quy định việc THA bị đình chỉ thi hành trong trường hợp bản án, quyết định bị Tòa án tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ. Tuy nhiên, căn cứ Bộ luật Dân sự về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba ngay tình mua được tài sản bán đấu giá, Thông tư liên tịch số 14 ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục THADS và phối hợp liên ngành trong THADS đã quy định trường hợp bản án, quyết định bị kháng nghị đã được tổ chức thi hành một phần thông qua bán đấu giá nay bị hủy, sửa thì cơ quan THADS có trách nhiệm hoàn tất thủ tục và tiến hành giao tài sản cho người trúng đấu giá, trừ trường hợp thủ tục bán đấu giá vi phạm quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, thuyết minh Dự án Luật Sửa đổi, Bộ Tư pháp nhận định do Luật THADS không có quy định nên trong thực tế việc áp dụng còn lúng túng, thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng có tính hiệu lực pháp lý cao, thậm chí có trường hợp chấp hành viên còn bị khởi tố hình sự với tội danh “Ra quyết định trái pháp luật” vì thực hiện thủ tục giao tài sản cho người trúng đấu giá.
Do đó, trên cơ sở luật hóa quy định hiện hành của Thông tư liên tịch số 14, Nghị định 125/CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS về thủ tục THADS, phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba ngay tình, phù hợp với thực tiễn, tránh việc khiếu nại, tố cáo, bảo vệ chấp hành viên, Dự án Luật đã bổ sung quy định: Không đình chỉ THA trong trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc hủy.
Trong trường hợp này, cơ quan THADS vẫn tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế THA để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp trình tự, thủ tục bán đấu giá vi phạm quy định của pháp luật do có lỗi của người mua được tài sản bán đấu giá; hoặc người phải THA, người được THA và người mua được tài sản bán đấu giá có thỏa thuận khác.
Với những quy định này, quyền lợi của các bên đương sự trong quá trình THA sẽ được bảo đảm tốt hơn, đặc biệt khắc phục tình trạng mua được tài sản đấu giá nhưng thực tế lại không nhận được tài sản do những bất cập của pháp luật hiện hành.
Đình chỉ thi hành án:
1. Thủ trưởng cơ quan THADS phải ra quyết định đình chỉ THA trong các trường hợp sau đây:
…c) Đương sự có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được THA có văn bản yêu cầu cơ quan THADS đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ quyền, lợi ích được hưởng theo bản án, quyết định, trừ trường hợp việc đình chỉ THA ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Trong trường hợp này, đương sự không có quyền yêu cầu THA trở lại.
(Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS)