Làm rõ tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo vượt cấp
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Trần Quang Phương nhấn mạnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) là cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo (KNTC). Qua giám sát, trao đổi, Đoàn giám sát hy vọng sẽ có được bức tranh toàn cảnh về KNTC trong lĩnh vực đất đai; đồng thời, việc giám sát cũng nhằm đánh giá chính xác hơn kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, vướng mắc làm cơ sở để tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đất đai, tài nguyên môi trường, nâng cao năng lực, trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết KNTC.
Phó Chủ tịch QH cũng yêu cầu làm rõ việc triển khai, quán triệt, cụ thể hóa các văn bản của Đảng, Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC trong lĩnh vực ngành TN&MT; làm rõ công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ TN&MT trong thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật KN, Luật TC trong quản lý đối với lĩnh vực đất đai để đảm bảo không phát sinh vi phạm, hạn chế KNTC…
Trình bày Báo cáo kết quả đánh giá bước đầu đối với báo cáo của Bộ TN&MT, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của QH Bùi Thị Quỳnh Thơ cho biết, Báo cáo của Bộ TN&MT đã phản ánh khá toàn diện tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC của Bộ trong 5 năm qua, tuy nhiên, Tổ công tác nhận thấy trong báo cáo vẫn còn một số nội dung nêu chung chung, chưa cụ thể, chưa phân tích, đánh giá đầy đủ.
Do đó, Tổ công tác đề nghị Bộ TN&MT bổ sung, làm rõ một số vấn đề. Trong đó, đối với việc giải quyết các vụ việc KNTC, tranh chấp đất đai theo thẩm quyền, Tổ công tác đề nghị Bộ TN&MT đánh giá bổ sung về các vụ việc còn tồn đọng, chưa giải quyết và gửi kèm phụ lục tóm tắt sơ lược nội dung các vụ việc còn tồn đọng; tình hình giải quyết KN, TC vượt cấp, nguyên nhân và đề xuất giải pháp trong thời gian tới.
Cơ sở cho đề xuất điều chỉnh pháp luật về đất đai
Báo cáo và làm rõ thêm các nội dung theo yêu cầu của Đoàn giám sát tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, trong kỳ báo cáo, tổng số đơn KN mà Bộ tiếp nhận là 18.202 lượt đơn, tương ứng với 9.159 vụ KNTC, trong đó đa số vụ việc KN trong lĩnh vực đất đai. KN trong lĩnh vực đất đai chủ yếu liên quan đến việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giá bồi thường, hỗ trợ; việc thu hồi đất và trình tự, thủ tục thu hồi đất; tranh chấp đất đai và đòi lại đất cũ. Việc giải quyết các vụ việc KNTC đã được thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục.
Qua thảo luận tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn Giám sát đánh giá, nhìn chung, tình hình công dân đến Trụ sở tiếp công dân của Bộ có xu hướng giảm trong 2 năm gần đây. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị báo cáo đánh giá về chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp công dân của Bộ gắn với việc giải quyết KNTC; chỉ rõ những tồn tại, hạn chế để có biện pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này, góp phần giải quyết dứt điểm các KNTC phát sinh, hạn chế KNTC vượt cấp, bức xúc, kéo dài.
Các đại biểu cũng đề nghị Bộ TN&MT chỉ rõ nguyên nhân các vụ việc KN còn tồn đọng, chưa giải quyết là do vướng mắc pháp luật hay do công tác thực thi. Đối với tranh chấp đất đai, số vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền trách nhiệm giải quyết của Bộ còn tồn đọng là 38/268 (chiếm 14% số vụ việc phải giải quyết), đề nghị Bộ làm rõ nội dung các KN, tranh chấp này, làm cơ sở cho việc đề xuất điều chỉnh pháp luật về quản lý đất đai. Một số ý kiến cũng lưu ý, Bộ cần đánh giá thêm trường hợp công dân lợi dụng quyền KNTC để gây mất an ninh, trật tự, thậm chí để vu khống, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác…
Chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 65 vụ việc qua KNTC
Trước đó, ngày 31/3, Đoàn Giám sát đã có buổi làm việc với Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết KNTC từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021. Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Tổng TTCP Trần Ngọc Liêm cho biết, theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, so với giai đoạn 2011-2016, số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước các cấp để KNTC, kiến nghị, phản ánh tăng 67,6%; số lượt đoàn đông người tăng 9,2%, nhưng số vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước giảm 16,1%.
Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 169.713/175.315 vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền, đạt 96,8%. Qua giải quyết KNTC, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 337,3 tỷ đồng, 19,3ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 2.007 tỷ đồng, 74,9ha đất; kỷ luật 328 tập thể, 2.696 cá nhân. Về số liệu xử lý hành chính và chuyển điều tra xử lý hình sự, trong giai đoạn báo cáo, thông qua công tác giải quyết KNTC, cơ quan hành chính các cấp đã chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 65 vụ việc.
Ngành Thanh tra tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC, đã tiến hành 7.531 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 12.339 cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hiện, chấn chỉnh công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, kiến nghị xử lý trách nhiệm hành chính đối với 2.059 tổ chức, 3.472 cá nhân có hành vi vi phạm trong thực hiện.