Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng qua đạt mức khả quan với kim ngạch trên 6 tỷ USD/tháng. Nhập khẩu có xu hướng chững lại và giảm nhẹ do tác động của chính sách của Nhà nước và các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chặt hoạt động nhập khẩu, khuyến khích xuất khẩu, sử dụng nguyên liệu trong nước phục vụ cho sản xuất, điều chỉnh tỷ giá, điều chỉnh thuế một số mặt hàng để góp phần hạn chế nhập siêu. Tuy nhiên, để “chữa căn bệnh” nhập siêu, các ngành chức năng vẫn cần có những biện pháp dài hơi.
Nhập siêu đã giảm nhưng vẫn cao
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, nhập siêu tháng 8 của Việt Nam ước tính khoảng 900 triệu USD tương đương 15% kim ngạch xuất khẩu, giảm so với tháng 7. Tám tháng nhập siêu đạt 8,15 tỷ USD tương đương 18,3% kim ngạch xuất khẩu và nếu không tính xuất khẩu vàng thì nhập siêu 8 tháng 2010 vào khoảng 9,8 tỷ USD chiếm khoảng 22% kim ngạch xuất khẩu (trong khi mục tiêu của Chính phủ đề ra là 20%). Theo ý kiến một số cơ quan quản lý, mức nhập siêu này vẫn trong phạm vi có thể “chấp nhận được”. Nhưng điều đáng nói là tính chung từ đầu năm đến nay, nhập siêu đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2009.
Hàng giày dép đang gặp khó khăn trong xuất khẩu. Ảnh: Duy Lê |
Bà Phạm Thị Loan, ủy viên Ủy ban tài chính và ngân sách Quốc hội cho biết, mặc dù nhập siêu trong thời gian qua đã giảm nhưng vẫn còn ở mức độ cao. Một số năm gần đây, việc nhập siêu của Việt Nam ngày càng lớn; cán cân thương mại mất cân đối với 10 tỷ USD mỗi năm. Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam ở mức thấp, năm nay chỉ còn 15 tỷ USD. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc là sản phẩm thô, gạo, nông thuỷ sản, khoáng sản, trong khi nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu, thậm chí cả hàng tiêu dùng trong nước có thể sản xuất được.
Theo Bộ Công Thương, các biện pháp nhằm hạn chế nhập siêu của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào nhóm các mặt hàng hạn chế nhập khẩu (hàng tiêu dùng). Thực tế cho thấy, tỷ trọng của nhóm này rất thấp, chỉ chiếm 8,8% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong khi đó, nhóm hàng cần nhập khẩu lại chiếm tỷ trọng 82,6% và rất khó để việc áp dụng các biện pháp giảm nhập siêu. Bên cạnh đó, việc tăng tỷ giá USD/VND vừa qua góp phần khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu cũng chưa đạt được kết quả như mong đợi. Thực tế, không ít hàng hóa xuất khẩu tăng giá đầu vào do phần lớn phải nhập khẩu nguyên liệu.
“Bài thuốc” nào hạn chế nhập siêu ?
Bộ Công Thương nhận định, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã dần hồi phục, song dư âm của suy giảm kinh tế năm 2009 vẫn tác động đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Năng lực sản xuất nhiều mặt hàng nông sản, khoáng sản của ta đã đến một mức độ nhất định và khó có khả năng tăng trưởng cao như: lúa gạo, cà phê, cao su, thủy sản, dầu thô, than đá. Trong khi đó, hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là dệt may và da giày tiếp tục gặp khó khăn.
Hiện thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là các nước Đông Á (chiếm từ 55 đến 76,7%), sau đó là Trung Quốc. Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc rất lớn. Năm 2009, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 2,9 tỷ USD, trong khi nhập khẩu 9,8 tỷ USD (nhập siêu gần 7 tỷ USD). Đó là số liệu nhập khẩu chính ngạch, chưa nói tới nhập tiểu ngạch, biên mậu. Thâm hụt thương mại của Việt Nam từ Trung Quốc trong 2 quý đầu năm nay chủ yếu diễn ra ở các nhóm mặt hàng như máy móc thiết bị, vật liệu dệt may, da giày. |
Theo chu kỳ nhu cầu, nhập khẩu trong những tháng cuối năm sẽ tăng. Những giải pháp về đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu và giảm nhập siêu, tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong sản xuất cũng như trong đấu thầu các dự án, tuy đã thu được những kết quả nhất định, song vẫn mang tính “thời vụ” chưa đạt yêu cầu đề ra và chưa bền vững. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, gần đây các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành công nghiệp và công nghiệp chế biến đang dần giảm mạnh, chỉ được khoảng từ 20% đến 30% vốn đầu tư trong khi trước đây tỷ lệ này tới 70-80%. Vốn đầu tư nước ngoài đang chuyển vào lĩnh vực bất động sản, dịch vụ, du lịch. Sự dịch chuyển dòng vốn như vậy sẽ rất nguy hiểm cho tăng trưởng xuất khẩu và có thể dẫn đến nhập siêu tăng cao trong thời gian tới. Ngoài ra, cơ cấu và khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng rất hạn chế, và điều này cũng gây sức ép rất lớn đối với tình hình nhập siêu của Việt Nam.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, để tiếp tục thực hiện hạn chế nhập siêu và khuyến khích xuất khẩu, Bộ Công Thương đã cùng với các bộ ngành liên quan tìm ra các giải pháp hỗ trợ tốt nhất doanh nghiệp. Đó là các giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh và mua hàng xuất khẩu thông qua các nhóm hàng đã được quy định, không chịu lãi suất cao như lãi suất thỏa thuận của các loại hình thức kinh doanh khác. Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-BCT về việc triển khai các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu năm 2010; hạn chế lạm phát cao, ổn định kinh tế vĩ mô, đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%. Bộ yêu cầu các bộ, ngành liên quan cùng các hiệp hội, ngành hàng tiếp tục đề xuất và thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, khai thác tốt những thị trường hiện có và những thị trường tiềm năng để nâng cao kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản và thủy sản; nắm bắt tình hình và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu; xem xét điều chỉnh cơ cấu thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng ưu tiên các dự án sản xuất, trong đó khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu, giảm tỷ trọng các dự án đầu tư vào các lĩnh vực phi sản xuất. Các tập đoàn, tổng công ty rà soát tình hình thực hiện việc nhập khẩu máy móc thiết bị, vật tư nguyên vật liệu trong thời gian qua; xác định các chủng loại máy móc thiết bị, vật tư nguyên liệu trong nước đã sản xuất được bảo đảm chất lượng phù hợp để tổ chức đấu thầu hoặc chỉ định thầu trong nước; sử dụng tối đa các sản phẩm sản xuất trong nước.
Việt Hùng