Văn bản nêu rõ, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Y tế về phòng chống dịch bệnh COVID-19, Sở Tư pháp đề nghị các tổ chức bổ trợ tư pháp trên địa bàn tăng cường phổ biến, quán triệt, triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, chính quyền địa phương và cơ quan y tế về thực hiện phòng chống dịch COVID-19 đến toàn thể nhân viên, người lao động trong đơn vị.
Các tổ chức bổ trợ tư pháp cần bố trí, sắp xếp công việc đảm bảo phù hợp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc nhưng phải đảm bảo đúng thủ tục, trình tự theo quy định của pháp luật và nguyên tắc duy trì hoạt động bình thường, hạn chế không để xảy ra tình trạng đình trệ công việc của đơn vị ảnh hưởng đến tổ chức, công dân.
Chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định các biện pháp kiểm soát nhằm bảo đảm an toàn phòng chống dịch đối với nhân viên, người lao động và tổ chức, công dân đến làm việc tại đơn vị.
Cùng với đó, Sở Tư pháp yêu cầu các đơn vị cần thường xuyên thực hiện các quy định về 5K Chung sống an toàn với đại dịch COVID-19; chủ động khai báo y tế đến Trạm Y tế nơi cư trú, Tổ COVID-19 cộng đồng khi có bất kỳ một trong các biểu hiện bất thường như ho, sốt, đau họng, khó thở, đau người-mệt mỏi-ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác; tiếp xúc với người nhiễm/nghi ngờ nhiễm COVID-19 để được thực hiện sàng lọc COVID-19 chủ động.
Kịp thời báo cáo chính quyền địa phương nơi đặt trụ sở để xử lý các tình huống phát sinh trong phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị. Thường xuyên tự thực hiện, tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên cho nhân viên, người lao động đang làm việc tại đơn vị. Chỉ sử dụng các test xét nghiệm đã được Bộ Y tế công bố, cấp phép lưu hành.
Bộ Tư pháp trước đó đã có hướng dẫn các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát, diễn biến phức tạp, để phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho nhân viên, người lao động trong các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp, người dân, doanh nghiệp đến giao dịch, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp chỉ đạo các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp thực hiện một số công việc như: Tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Người đứng đầu tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, trong đó lưu ý các biện pháp sau: Những nội dung công việc nào có thể thực hiện trực tuyến hoặc thông qua các phương tiện thông tin liên lạc (điện thoại, bưu chính, mạng Internet…) thì sử dụng các phương thức giao dịch đó; Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn khi giao tiếp.
Người đứng đầu các tổ chức chịu trách nhiệm bố trí đầy đủ phương tiện phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế.
Trong thời gian qua Sở Tư pháp Thanh Hóa đã có nhiều biện pháp trong đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh. Sở Tư pháp Thanh Hoá đã ban hành Công văn số 1656/STP-PBGDPL ngày 23/8/2021 tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Trên cơ sở các hướng dẫn của Sở Tư pháp về công tác tuyên truyền, các địa phương đã chủ động, tăng cường công tác tuyên truyền trên địa bàn với nhiều hình thức, đảm bảo các quy định của pháp luật đến được với người dân. Trên tinh thần để pháp luật đến với người dân được đầy đủ, kịp thời và nhanh chóng ngoài công tác chỉ đạo để chính quyền cơ sở tăng cường phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh trên hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở cũng như việc đăng tải các quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh trên cổng thông tin điện tử của ngành, Trang thông tin điện tử về Phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh.
Sở Tư pháp đã chủ động in và cấp phát hơn 35.000 tờ rơi về các quy định của pháp luật đối với việc xử lý một số hành vi vi phạm pháp luật trong phòng chống dịch bệnh để tuyên truyền chống dịch COVID-19.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"