Cô lừa bán cháu
Là trưởng bản, kiêm cán bộ phụ nữ uy tín ở xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An). Nơi nạn buôn người vẫn còn diễn biến phức tạp, Lô Thị Phương (51 tuổi) được xem là hạt nhân trong phong trào tuyên truyền, phổ biến luật mua bán người đến bà con dân bản. Ấy vậy mà đùng một cái, thông tin Phương bị bắt vì liên quan đến vụ mua bán người khiến chính quyền và nhân dân trong vùng vô cùng sửng sốt.
Đi tìm sự thật mọi người mới vỡ lẽ, vào cuối năm 2012, Phương từng tham gia vụ mua bán người sang bên kia biên giới. Nạn nhân bị lừa bán chính là cháu họ của Phương. Nguyên nhân vụ cháu họ bị mất tích suốt 7 năm cũng chỉ sáng tỏ khi nạn nhân trở về Việt Nam tố cáo hành vi phạm tội của Phương.
Theo diễn biến xảy ra vụ án, khoảng đầu tháng 11/2012, Phương nhận được điện thoại của Lương Thị Bích Lan (SN 1992, quê xã Nga My, huyện Tương Dương) là người yêu cũ của con trai Phương. Lan cho hay đang sinh sống và làm việc ở Trung Quốc, cần tìm phụ nữ đưa sang đây làm việc. Nếu Phương đồng ý tìm người giúp sẽ được trả 5 triệu đồng tiền công. Lan còn gợi ý cho “mẹ chồng hụt” đến rủ đích danh chị Lô Thị Mây (SN 1995, tên nạn nhân đã được thay đổi). Mây chính là bạn của Lan, đồng thời là cháu họ Phương.
Sau 7 năm bị lừa bán sang xứ người, Mây vẫn chưa ổn định được tâm lý sau cú sốc lớn. |
Khi được Lan hứa hẹn trả công cao, Phương tìm đến nhà Mây dụ dỗ, nói dối cần người vào miền nam làm công ty, sẽ có lương cao, có tiền đỡ đần bố mẹ. Do con gái mới 17 tuổi nên bố mẹ của Mây không đồng ý. Bị từ chối Phương trở về, 2 ngày sau quay trở lại tiếp tục thuyết phục Mây. Ở lần gặp gỡ này, ngoài việc cam đoan có con trai mình đi cùng vào miền nam, công việc ổn định, thu nhập khá, Phương còn hứa cho gia đình Mây 10 triệu đồng nếu cô đồng ý đi. Nghe vậy, gia đình đã đồng ý cho con gái đi làm thuê với điều kiện “chỉ làm 1 năm rồi về”.
Sau khi tìm được người, Phương thông báo cho Lan. Theo hướng dẫn của Lan, Phương đưa Mây ra TP. Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) rồi giao cho người của Lan đã chờ sẵn. Cũng tại đây, Phương nhận lại 15 triệu đồng, trong đó 5 triệu tiền công và 10 triệu trả cho gia đình Mây.
Trở về nhà, Phương cầm số tiền trên đưa cho gia đình Mây 10 triệu nói là “tiền công làm việc của Mây”. Một thời gian sau, Phương được tín nhiệm bầu làm trưởng bản kiêm cán bộ phụ nữ. Phương tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật về mua bán người, phòng chống ma túy cho bà con dân bản. Lúc này, nhờ được tiếp cận nhiều hơn về pháp luật, người phụ nữ này mới nhận ra việc làm lúc trước của mình là vi phạm pháp luật, nhưng Phương vẫn ém nhẹm hành vi phạm tội của mình, không trình báo với cơ quan công an.
Ngày cháu trở về nhà, cô "vào kho"
Về phía Mây, sau khi bị lừa sang Trung Quốc, Mây bị Lan bán cho một người đàn ông bản địa lấy làm vợ. Dù lúc đó Mây một mực chống cự nhưng vì không biết bấu bíu vào ai nên cô gái ấy đành buông xuôi. Cô sống lầm lũi như cái bóng trong nhà chồng.
Việc cô không sinh được con với người chồng càng khiến cuộc sống thêm ngột ngạt. Sau đó, gia đình chồng đã nhận một đứa trẻ về làm con nuôi. Mây được gia đình chồng giao nhiệm vụ chăm sóc đứa con nuôi ấy. Dù may mắn không bị chồng đánh đập nhưng cuộc sống bức bối nơi xứ người khiến Mây luôn khao khát được trở về quê nhà, đoàn tụ cùng bố mẹ và người thân.
Nhưng, ở nơi xa lạ, không người quen lại không biết tiếng khiến mọi việc đối với Mây càng trở nên khó khăn. Do bị gia đình chồng quản thúc chặt nên Mây cũng không có tiền bạc trong người. Đó cũng là lý do Mây nhiều lần muốn trốn chạy nhưng không được.
Về phía gia đình Mây, khi đồng ý cho con gái đi làm, cha mẹ Mây cứ đinh ninh con mình đi làm công ty theo như lời Phương nói. Quãng thời gian này, ông Phi vướng lao lý vì phạm tội liên quan đến ma túy, phải đi thi hành bản án 7 năm tù. Cuộc sống gia đình bị xáo trộn, sau hơn một năm vẫn không thấy con gái trở về khiến họ nghi ngờ nhưng vì ông Phi đang phải đi chịu án chẳng ai còn tâm trạng đi tìm người.
Năm 2017, ông Phi trả án xong. Về đến nhà, ông mới biết con gái mình mất tích. “Nghi ngờ đã bị Phương lừa bán Mây nên chúng tôi đến đòi người nhưng không được. Chúng tôi cũng chỉ biết con mình bị lừa bán sang Trung Quốc thôi chứ không biết địa chỉ cụ thể. Do đó, việc tìm kiếm cũng không thực hiện được”, ông Phi nhớ lại.
Suốt thời gian sau đó, gia đình ông sống trong buồn phiền vì mất tin tức con gái. Ông chia sẻ: Ngày nào cũng thương nhớ con, nhưng chỉ biết khóc thầm. Cho đến một ngày cuối năm 2019, cả nhà ông như vỡ òa khi thấy đứa con tưởng đã mất trở về bằng xương, bằng thịt. “Hôm đó, chúng tôi đã ôm nhau khóc trong nước mắt. Sau 7 năm bị lừa bán, cuối cùng gia đình tôi đã được đoàn tụ. Nhìn con gái gầy đi khiến tôi càng xót xa”, ông Phi xúc động.
Cũng từ đây, cô gái trẻ mới kể lại hành trình bỏ trốn từ Trung Quốc về Việt Nam. Theo đó, do nuôi ý định bỏ trốn nên Mây thường theo dõi những người Việt sang Trung Quốc làm thuê hoặc buôn bán. Một ngày cuối năm 2019, Mây nói dối gia đình chồng đi chợ rồi bỏ trốn ra đến khu vực cửa khẩu. Tại đây, nhờ sự giúp đỡ của những người Việt Nam, Mây đã bắt được xe về quê nhà, đoàn tụ cùng người thân, kết thúc 7 năm bị lừa bán, làm dâu trong nước mắt nơi xứ người.
Sau khi trở về Việt Nam, Mây dã làm đơn tố cáo Phương lên cơ quan công an, Phương bị bắt ngay sau đó. Ngày 16/11, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Lô Thị Phương về tội “Mua bán người”.
Trước bục khai báo, bị cáo thừa nhận mọi hành vi phạm tội. “Trong vụ án này, bị cáo được trả 5 triệu đồng tiền công. Nhưng, quá trình đưa Mây đi Móng Cái, bị cáo đã dùng tiền đó vào việc đi lại, ăn uống, thành ra chẳng được bao nhiêu. Khi bị hại từ Trung Quốc trở về, bị cáo biết hành vi của mình là sai nên gia đình Mây đòi 30 triệu bồi thường, bị cáo không dám từ chối. Bị cáo biết mình sai rồi, xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”, bị cáo Phương trình bày trước tòa.
Dù bị lừa bán, nhưng trước tòa, bị hại đã có lời xin giảm án cho bị cáo. Vì với họ, dù sao bị cáo cũng là người trong họ mình. Với tội Mua bán người, bị cáo Lô Thị Phương bị tòa tuyên phạt 4 năm tù. Trong vụ án này còn có Lương Thị Bích Lan là người đặt vấn đề, sắp xếp, chỉ đạo trong suốt quá trình Phương lừa chị Mây rồi bán cô gái này. Tuy nhiên, trong quá trình trao đổi, thỏa thuận giữa Phương và Lan đều thông qua điện thoại, không trao đổi trực tiếp. Cơ quan điều tra đã xác minh, Lan không có mặt tại địa phương nên chưa ghi được lời khai, chưa đủ căn cứ để khởi tố bị can. Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra, làm rõ.
Phiên tòa kết thúc, Phương chỉ kịp quay xuống chào chồng con trước khi lên xe cảnh sát trở lại trại tạm giam. Riêng bố con chị Mây thì lặng lẽ rời tòa cùng mấy người thân. Sau cú sốc bị lừa bán sang Trung Quốc, hiện tinh thần Mây vẫn chưa ổn định hẳn nên gia đình luôn ở bên, động viên.