Ngâm rượu theo tin đồn
Mới tuần rồi, ông bạn Trung mua được một con rắn hổ chúa to bằng bắp chân ngâm rượu nên gọi tôi đến xem. Trong chiếc bình lớn ngập rượu, một con rắn to được quấn 5-6 vòng, mang bạnh ra cả gang tay, đầu ngóc cao, chiếc lưỡi chẻ đôi thò ra khỏi mồm dài khoảng 5-6cm. Mọi người đoán là rắn đực vì bụng nó vẫn phẳng phiu, không có dấu hiệu của sự chửa đẻ.
Con rắn đó nguyên của một người mang từ Lào về kính biếu một sếp. Vợ sếp này đã bán cho Trung. Trong nhà ông bạn tôi có vô số bình rượu các loại ngâm đủ thứ từ bào thai dê, đầu kỳ đà, kỳ nhông, nhung hươu đến rượu rắn biển, rắn hổ mang chúa. Trung còn trẻ và không mê rượu nên ngâm để chơi và để đãi khách.
Không chỉ Trung mà nhiều người Việt hiện nay có trào lưu con gì quý, bổ, cây gì tốt cũng ngâm. Có người ngâm cả một con gấu khổng lồ, có người ngâm bào thai hổ. Tại nhiều nhà thuốc đông y, gần đây nhiều người cầm những mẩu đơn chép tay hay photo đến tìm mua thuốc về ngâm rượu tẩm bổ. Trong những bài thuốc này, có nhiều trường hợp khăng khăng đó là bài “Nhất dạ ngũ giao” nức tiếng của vua Minh Mạng truyền lại, có tác dụng tăng cường sinh lực, tăng khả năng “chăn gối”.
Trong khi đó, việc ngâm rượu với nhiều động vật khác cần hết sức cẩn trọng, nếu không hậu quả sẽ khôn lường. Bởi vì, kể cả rượu ngâm động vật và rễ cây khi hòa vào nhau rất dễ sinh ra độc tố. Trong dân gian, nhiều người rất tùy tiện khi lấy những loại động vật như bọ cạp, tổ kiến, cây đinh lăng, củ sâm… cho vào ngâm rượu làm thuốc, mà cũng không cần biết cách ngâm như thế nào, liều lượng ra sao, chúng có tốt thật không hay có hại?
Hàng nghìn loại chỉ là ngâm… bừa
Theo nguyên cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Trần Đáng, có tới 2/3 trong số 1.720 loại rượu được coi là bổ ở Việt Nam chưa được khoa học chứng minh tác dụng, chỉ là dân gian truyền miệng. Ông Trần Đáng là người từng chủ trì nghiên cứu về chất lượng rượu tại 21 địa phương, ở bảy vùng sinh thái trong cả nước cho hay có tới 1.720 loại rượu được coi là bổ đã được thống kê ở thị trường Việt Nam như rượu rắn, rượu ngâm bìm bịp, rượu táo mèo, sâu chít, rượu hòa tiết ba ba, tiết rắn; thậm chí có cả rượu ngâm mật cá trắm, ngâm ốc sên.
Tuy nhiên, đến nay, chưa thấy ai công bố công dụng của chúng là tốt, là đúng. Ông Trần Đáng thông tin thêm, qua thống kê ở 21 tỉnh thành, có 372.000 cơ sở sản xuất rượu thủ công, 6.000 cơ sở sản xuất rượu công nghiệp. Trong số các cơ sở sản xuất thủ công, chỉ 2,5% có chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tất cả những loài bò sát, côn trùng đều tiềm ẩn những yếu tố gây độc, người dùng không nên tùy tiện ngâm tẩm. Những người bị bệnh gan, thận, cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường không được uống rượu ngâm, kể cả rượu ngâm các loài động vật quý hiếm. Ông Trần Đáng cho rằng bổ cũng cần liều lượng, chưa có tài liệu khẳng định mật cá trắm độc, nhưng có người tham quá uống cả cái mật, dẫn đến viêm ống thận cấp tính và suy thận cấp tính.
Ở Việt Nam có một điều rất lạ, nhiều người dân thường hành động theo phong trào, thấy người ta làm cũng học theo mặc dù không hề biết công dụng, mục đích của việc mình đang làm. Thực tế, đã có nhiều bài học đáng tiếc xảy ra khi uống rượu ngâm với nhiều loại tạng phủ động vật khiến không ít trường hợp đã đột tử vì rượu ngâm. Cho nên, việc uống rượu theo tin đồn mà thiếu đi sự thận trọng đồng nghĩa với việc họ đang rước tử thần vào nhà.
Rượu ngâm huyết ba ba. |
Tiền mất tật mang
Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân (53 tuổi, ngụ huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) trong tình trạng đau đầu dữ dội, nôn ra máu và dần rơi vào trạng thái hôn mê sau khi uống rượu ngâm bọ cạp.
Theo người nhà bệnh nhân, vào lúc sáng sớm, ông này uống khoảng 300ml rượu ngâm bò cạp, sau đó có các biểu hiện bất thường như trên và được nhanh chóng đưa đi cấp cứu. Các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị chảy máu trong đầu, phải phẫu thuật mới qua cơn nguy kịch.
Mới đây, Khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã điều trị cho 3 bệnh nhân bị ngộ độc do uống rượu ngâm với củ gấu tàu. Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết, gấu tàu là vị thuốc thông thường, được dùng ngâm rượu để xoa bóp khi bị đau mỏi xương khớp, rất ít người sử dụng để uống bởi gấu tàu rất độc. Vì vậy, người dân không được dùng loại củ này để ngâm rượu uống.
Một trường hợp khác, một người đàn ông ở Hải Phòng lo lắng đi khắp các bệnh viện vẫn chưa tìm ra bệnh vì tự dưng trên đầu có một khối u di chuyển hết ở đầu thì xuống má, chạy lòng vòng rồi xuống cổ… Khối u ngày càng to và di chuyển ngày càng nhanh khiến người này suy sụp tưởng sắp chết. May mắn, một chuyên gia ký sinh trùng cho anh làm huyết thanh chẩn đoán phát hiện người bệnh bị nhiễm giun lươn giai đoạn ấu trùng di chuyển. Nguyên nhân do uống rượu huyết rắn nhiễm giun lươn, giun có trong tiết rắn nổi lên trên khi pha rượu, người này uống phải và mắc bệnh.
TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cảnh báo: Thực tế chưa có cơ sở khoa học để chứng minh rượu huyết có khả năng tăng cường “sức mạnh” quý ông, nhất là khi số lượng huyết được pha vào rượu không nhiều nên không có tác dụng.
Ngược lại, rượu huyết pha chế ở các nhà hàng thường không sạch sẽ, quá trình lấy huyết đã khiến máu động vật nhiễm vi khuẩn, nhiễm ấu trùng. Ấu trùng sán thường di chuyển qua đường máu. Máu thỏ, dê chứa rất nhiều ký sinh trùng sán, máu khỉ có thể có HIV, máu rùa sống dưới bùn nên có thể có vi khuẩn than, máu một số loài cá có sán ấu trùng… nên khi uống sống, trực tiếp chắc chắn cơ thể sẽ nhiễm bệnh.
Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai mỗi năm tiếp nhận 10-15 trường hợp ngộ độc nặng có nguyên do từ việc uống các loại rượu ngâm tẩm từ rễ, lá cây, các loài động vật, côn trùng, bò sát. Một số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mất kiểm soát, rối loạn hành vi; còn lại các trường hợp ngộ độc nặng đều rơi vào trạng thái hôn mê sâu, suy hô hấp, trụy mạch, với những biến chứng nguy hiểm như hạ đường huyết, nhiễm toan, rối loạn nước điện giải, thậm chí tử vong... Có những trường hợp dù được cứu sống nhưng để lại những di chứng nặng nề như suy gan, tổn thương thần kinh vĩnh viễn...