Theo hãng tin TASS, thông tin trên được Đô đốc Sergey Avakyants của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga công bố ngày 20/5.
"Xin lưu ý rằng, năm nay, Hạm đội của chúng tôi sẽ nhận tàu ngầm tuần dương chiến lược đầu tiên thuộc Dự án Borei-A Knyaz Oleg và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên thuộc Dự án Yasen-M Novosibirsk. Tàu Knyaz Oleg sẽ được trang bị tên lửa đạn đạo Bulava và tàu tuần dương đa nhiệm Novosibirsk sẽ mang các tên lửa hành trình Kalibr và Oniks”, ông Avakyants cho biết trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Krasnaya Zvezda của Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 291 năm thành lập Hạm đội.
Dự kiến, năm nay, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga cũng sẽ tiếp nhận tàu ngầm diesel-điện thứ ba thuộc Đề án 636.3 có tên Magadan.
Vị Đô đốc nhấn mạnh, với sự xuất hiện của tàu ngầm này, Hạm đội Thái Bình Dương sẽ vận hành 6 tàu ngầm diesel-điện tàng hình được trang bị tên lửa hành trình Kalibr.
Năm 2022, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga cũng sẽ tiếp nhận tàu hộ tống Rezkiy được đóng theo Đề án 20380 tại Nhà máy đóng tàu Amur. Tàu chiến này hiện đang được thử nghiệm neo đậu.
Ngoài ra, các tàu quét mìn đại dương thuộc Dự án 12700 Pyotr Ilyichyov và Anatoly Shlemov do Nhà máy đóng tàu Sredne-Nevsky chế tạo cũng sẽ bổ sung vào kho tác chiến của Hạm đội Thái Bình Dương trong năm nay.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa Knyaz Oleg được đóng hàng loạt theo Dự án đóng tàu 955A (Borei-A) của Nga.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, các tàu ngầm lớp Borei-A ít ồn ào hơn và có hệ thống kiểm soát cơ động, độ sâu và vũ khí được cải thiện so với các tàu Borei.
Tất cả các tàu ngầm lớp Borei có thể mang theo 16 tên lửa đạn đạo Bulava. Chúng cũng được trang bị ống phóng ngư lôi 533mm.
Tờ National Interest trong một bài viết năm 2018 xếp các tàu ngầm hạt nhân Borei của Nga vào danh sách những loại vũ khí nguy hiểm nhất mà nhân loại phát minh ra.
Theo tạp chí này, các tàu Borei được trang bị 16 tên lửa đạn đạo Bulava, mỗi chiếc số đó có tới 10 đầu đạn hạt nhân với tầm bắn 8.000 km. Ngoài ra, các tàu ngầm này cũng được trang bị ống phóng ngư lôi 533mm.
Còn các tàu hộ tống tên lửa thuộc dự án 20380 của Nga là sản phẩm của Cục thiết kế hàng hải trung tâm Almaz.
Các tàu này được sản xuất nhằm phục vụ các hoạt động ở khu vực biển gần, chiến đấu với tàu mặt nước và tàu ngầm của đối phương, yểm trợ pháo cho lực lượng tấn công đổ bộ.
Điểm đáng chú ý ở các tàu này là chúng được trang bị tên lửa hành trình Kalibr. Theo giới chức Nga, đây là tên lửa có khả năng triệt hạ mục tiêu ở khoảng cách 2.600 km và có thể vượt qua bất kỳ hệ thống phòng không cũng như lá chắn tên lửa nào.
Bởi, trong chuyến bay, tên lửa này của Nga liên tục thay đổi chiều cao và phương hướng, khiến đối phương khó lòng phát hiện. Kalibr được đánh giá là có những tính năng vượt trội tên lửa “Tomahawk” của Mỹ.