Hầm chui Kim Liên (Hà Nội): Tại sao người tham gia giao thông luôn thấy bất an?

Mỗi khi đi qua hầm chui Kim Liên người tham gia giao thông luôn cảm thấy bất an.
Mỗi khi đi qua hầm chui Kim Liên người tham gia giao thông luôn cảm thấy bất an.
(PLVN) - Sau không ít vụ tai nạn giao thông thương tâm, người dân Thủ đô đã ngầm coi hầm chui Kim Liên  như một điểm đen giao thông của TP và cho rằng, cần sớm có giải pháp cải tạo bề mặt và phân bố lại giao thông ở khu vực này để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Mỗi khi đi qua khu vực hầm chui Kim Liên, nhiều người dân cảm thấy bất an. Tâm lý này khá dễ hiểu khi mà khu vực hầm Kim Liên đã từng xảy ra không ít vụ tai nạn thương tâm. Như vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng đêm 22/4 giữa xe tải hạng nặng và xe máy khiến một nạn nhân tử vong tại chỗ.

Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan điều tra, tại thời điểm trên, lái xe Phạm Văn Giáp trú tại xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ điều khiển xe ô tô theo hướng từ đường Đào Duy Anh đi về phía đường Đại Cồ Việt.

Khi đi đến khu vực đường dẫn vào hầm đường bộ Kim Liên thì va chạm với xe máy Jupiter do anh Nguyễn Gia Tùng (SN 1996, trú tại thị trấn Cầu Gỗ, huyện Yên Thế, Bắc Giang) điều khiển, đi cùng chiều khiến anh Tùng tử vong tại chỗ. 

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa, nhân viên của một cửa hàng thời trang trên phố Xã Đàn, cho biết: “Những ngày này mỗi khi bắt buộc phải đi qua hầm Kim Liên tôi khá lo sợ. Đặc biệt là sau vụ tai nạn của cô giáo Quỳnh”.

(Cô Trần Thị Quỳnh (trú tại quận Đống Đa, SN 1976) cùng bạn là Đinh Thị Hải Yến (trú tại quận Hai Bà Trưng) lưu thông hướng từ Xã Đàn về Đại Cồ Việt, khi tới hầm Kim Liên, bất ngờ bị xe Mercedes do Lã Trung Hiếu điều khiển đâm từ phía sau. Vụ tai nạn khiến 2 nạn nhân tử vong tại chỗ hôm 1/5 - PV).

Hầm cơ giới tại nút giao thông Kim Liên là hầm chui cơ giới đầu tiên tại Hà Nội, có chiều dài đường hầm 644m, rộng 18,5m, chiều cao thông xe trong hầm 4,7m. Công trình được khởi công từ năm 2006 và được đưa vào hoạt động năm 2009.

Việc xây dựng hầm Kim Liên tại nút giao thông quan trọng đã giúp giảm thiểu tối đa hiện tượng ùn tắc vào giờ cao điểm. Thế nhưng, từ khi đưa vào hoạt động cho đến nay đã không ít vụ va chạm xảy ra ở đây mà một phần nguyên nhân được cho là do tổ chức giao thông cũng như thiết kế của hầm chưa hợp lý.

Theo quan sát thực tế của phóng viên, hầm Kim Liên khá hẹp, độ dốc lớn, thiếu ánh sáng, bề mặt hầm trơn, ma sát kém. Trong khung giờ cao điểm, hàng dài phương tiện nối đuôi nhau qua hầm. Mặc dù từ đầu đường dẫn vào hầm đã có vạch kẻ chia hai làn đường dành cho xe máy và ô tô, nhưng trên thực tế, các phương tiện vẫn thường luồn lách, chen lấn để di chuyển.

Đặc biệt hai yếu tố được xem là có tác động lớn tới người lưu thông qua đây chính là tiếng ồn và gờ phân cách trơn trượt. Gờ phân cách trong hầm rất trơn, nếu xe máy lấn làn sẽ bị lạng bánh, cùng với đó là ánh sáng yếu, đường dốc, trơn. Tiếng ồn của xe cộ di chuyển trong hầm dội lại gây cảm giác đau đầu và dễ bị giật mình cho người tham gia lưu thông.

Về những bất cập ở hầm Kim Liên, theo TS. Nguyễn Ngọc Long - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, nguyên nhân xảy ra tai nạn có nhiều, nhưng cũng không thể bỏ qua việc mặt cắt ngang của hầm quá hẹp so với lưu lượng phương tiện.

Cộng thêm việc lưu thông hỗn hợp giữa ô tô và xe máy nên nguy cơ tai nạn cao hơn. Ở hầm Thủ Thiêm (TP HCM), dù vẫn được tổ chức hai chiều, mỗi chiều hai làn, nhưng bố trí ô tô và xe máy đi riêng nên ít xảy ra va chạm hơn.

Bên cạnh thiết kế chưa hợp lý, thì ý thức tham gia giao thông chưa cao của người dân cũng là một yếu tố dẫn đến tình trạng tai nạn thường xuyên xảy ra ở khu vực hầm này. Nhiều người khi đi xuống hầm, mặc dù biết có độ dốc lớn nhưng vẫn không giảm ga mà lao xuống rất nhanh, không kiểm soát tốc độ. Không những thế, tình trạng đột ngột dừng đỗ xe ngay trong hầm cũng thường xuyên xảy ra.

Đến lúc Hà Nội phải nghiên cứu, đánh giá lại hạ tầng khu vực hầm Kim Liên để tổ chức lại giao thông tại nút giao thông này. Bản thân TS. Nguyễn Ngọc Long khi lưu thông dưới hầm Kim Liên cũng khá hoảng hốt vì tiếng ồn lớn, ánh sáng thiếu, khiến người lái xe cảm giác sợ hãi nên mất tập trung. Cùng đó, mật độ xe quá đông tạo cho tâm lý tham gia giao thông càng phải “đua nhau” chen đi trước gây mất an toàn giao thông.

Phía đơn vị phụ trách hầm Kim Liên thừa nhận, hầm đang có tồn tại là khi mưa hay bị thấm nước và có độ dốc, ánh sáng trong hầm tối hơn bên ngoài. Hiện, đơn vị đang khắc phục bằng cách xẻ rãnh để thoát nước nhanh hơn. Thời gian tới bên phía đơn vị sẽ đề xuất thảm lại toàn bộ mặt hầm, tham khảo ý kiến chuyên gia và người dân để đưa ra tổ chức lại giao thông cho phù hợp. 

Đọc thêm

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.