"Chồng tôi kiên nhẫn hơn tôi rất nhiều. Ông ấy làm các việc vặt không tên quanh nhà như đổ thêm nước rửa chén vào chiếc bình sắp cạn, quét những mảng thức ăn vụn trên sàn nhà do chú chó Smokey của chúng tôi làm vương vãi ra hoặc sắp xếp lại đống hoa tai, vòng cổ lộn xộn của tôi trên bàn trang điểm.
Ông ấy cũng là một chuyên gia gập quần áo, một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn cao độ.
Có một ngày, tôi vội đến văn phòng. Lôi hộp cá ngừ ra khỏi tủ lạnh, tôi dáo dác nhìn quanh xem túi nhựa đựng thực phẩm để đâu trong bếp. Thật kỳ diệu, chiếc túi mà tôi tìm thấy sạch bong, không dính lấy một vết thực phẩm cũ. "Ai đó" đã vệ sinh nó sạch sẽ để dùng tiếp cho những lần sau. "Ai đó" không biết vội là gì.
Và rồi tôi thấy ông ấy đứng đó. "Em muốn anh biết là em để ý từng việc anh là, kể cả những việc nhỏ nhất. Cám ơn anh vì đã vệ sinh những chiếc túi này", tôi lí nhí. Ông ấy chỉ mỉm cười.
Tất nhiên, tôi cũng phải giải thích rằng không phải lúc nào cuộc hôn nhân của tôi cũng đẹp như vậy. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là, khi chung sống với nhau một thời gian dài, chúng ta đều phải học cách tôn trọng và quan tâm tới người kia. Nếu như có công việc nào đó mà tôi làm giỏi, tôi thường phải chịu trách nhiệm về việc đó. Nhưng sẽ đến lúc mà bạn cảm thấy mệt mỏi khi phải làm mãi một việc. Và bạn đời của bạn cũng vậy.
Vì thế, hãy dành thời gian quan sát và để ý. Hãy vị tha với những thói quen xấu của bạn đời. Khi tôi trò chuyện với các bệnh nhân của mình về điều này, tôi thường nghe họ hỏi "Tôi có cần phải cám ơn ông ấy mỗi lần ông ấy xếp bát đã rửa lên giá hộ tôi không? Tôi đã nấu nướng rồi mà. Ông ấy cũng phải có lần giúp vợ rửa dọn chứ".
Câu trả lời tất nhiên là không rồi. Cám ơn suốt sẽ biến bạn thành kẻ ngớ ngẩn và khách sáo.
Điều quan trọng là bạn đã để ý tới việc chồng bạn/vợ bạn làm và thể hiện cho họ biết là bạn biết ơn họ, đánh giá cao hành động của họ.
Tôi sử dụng những bài tập về thái độ để giúp tạo ra một không khí tích cực, vui vẻ, đầy hy vọng trong mỗi gia đình. Nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey từng kêu gọi mọi người hãy viết "nhật ký biết ơn", trong đó mỗi ngày, họ hãy viết vào đó 5 điều mà mình muốn cám ơn cuộc đời nhất. Tôi chỉ mở rộng ý tưởng đó khi yêu cầu các bệnh nhân viết ra một thứ mỗi ngày - mà họ cảm thấy hạnh phúc và biết ơn về bạn đời của mình. Hãy để tờ giấy đó ở nơi nào mà cả hai đều có thể đọc được. Tốt hơn hết là cả gia đình đều có thể đọc được.
Hãy nhớ rằng, chúng ta - các bậc phụ huynh - chính là hình mẫu cho hành vi của con trẻ. Khi chúng được nghe những lời tử tế, dịu dàng, yêu thương mà bố mẹ dành cho nhau, chúng sẽ bắt chước một cách vô thức. Ngược lại, nếu phải thường xuyên nghe những lời tiêu cực, hoặc chẳng bao giờ được nghe những lời ngọt ngào, chúng cũng sẽ nói năng với người khác như vậy.
Năm 2013, khi George Saunders phát biểu tại Đại học Syracuse, ông ấy đã nói rằng điều hối tiếc nhất trong đời là "không thể hiện sự tử tế ra bên ngoài".
Đó chính là điều tôi muốn nói. Hãy dành thời gian để tâm đến những hành động nhỏ nhất và tử tế với người bạn đời của mình, khi bạn chứng kiến họ đã cố gắng - dù sự cố gắng đó thành công hay không.
Tôi có thể đảm bảo rằng khi không cảm thấy được tôn trọng, bạn và cô ấy/anh ấy chắc chắn sẽ cảm thấy tổn thương. Do đó, chỉ một câu 2 từ đơn giản "Cám ơn" cũng có thể làm nên kỳ tích".