Căng tóc, lấy kim khêu răng rắn
Gần 30 năm qua, ông Trần Văn Ngãi (51 tuổi, ngụ đội 4, xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) đã cứu hàng nghìn người thoát chết vì bị rắn độc cắn. Từ những ngày còn trong quân ngũ, ông đã là cứu tinh của các đồng đội, của đồng bào dân tộc nhờ những bài thuốc tự chế, và tiếp tục chữa bệnh cứu người khi xuất ngũ trở về quê hương.
Ông cho biết, sau khi bị rắn cắn vào tay hoặc chân, ngay lập tức cần sơ cứu bằng cách buộc băng ép (garô) ở phía trên vết cắn 3 - 5cm. Có thể garô bằng các loại dây có tại chỗ lúc đó như: dây thun, dây chuối, dây quai nón..., phải dùng dây bản to để giảm tổn thương. Công đoạn này, nạn nhân hoặc người nhà có thể tự làm được. Nguy hiểm nhất là vị trí bị rắn cắn ở vùng không thể garô được, như ở mặt, bụng và cổ. “Buộc garô ở cổ thì còn nhanh chết hơn bị rắn cắn vì… không thở được. Bởi vậy, ngay khi bị rắn “đả thương” phải tức tốc tới thầy thuốc” - ông Ngãi nói.
Để tìm răng rắn còn cắm lại trên người nạn nhân, ông Ngãi dùng sợi tóc, hoặc sợi chỉ kéo qua vết thương, rồi lấy chiếc kim khêu răng ra. Tiếp theo, dùng dao lam rạch vết thương rộng thêm khoảng 1cm để nặn máu độc. Theo ông Ngãi, nọc độc của rắn cạp nia và cạp nong như nhau. Nọc rắn hổ mang nhẹ hơn nhưng nếu không nhanh chóng cứu chữa thì cũng… chết.
Ông Ngãi cho người bệnh uống nước cây thuốc để giải độc trong cơ thể, rồi lấy bã cây đó đắp vào vết thương. Để thuận tiện, kịp thời trong chữa trị, ông tận dụng những loại cỏ cây hoa lá gần gũi, có sẵn trong vườn nhà, hoặc mọc đầy ở bờ ao, bờ ruộng.
Đụng độ phải rắn độc là chuyện thường tình đối với những người nông dân ở vùng đất lúa. Thế nên nhiều hôm ông Ngãi phải bỏ dở bữa rượu ngon để đi cứu người. “Những người bị loại rắn độc nhẹ cắn thì chỉ ít ngày điều trị là khỏi. Còn người bị rắn cực độc cắn đã ở trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”, việc cứu chữa phải hết sức khẩn trương” - ông Ngãi nói.
Ví dụ trường hợp chị Phạm Thị Thu (ở đội 4, xã Nghĩa Thành). Xuống bếp nấu cơm, chị vô tình cầm phải con rắn cạp nia lẫn trong đống củi. Mải vơ củi cho vào bếp, đến khi kéo đứt đầu con rắn, chị mới tá hỏa nhận ra, liền sau đó choáng váng, xỉu dần. Gia đình hoảng hốt đi gọi người cứu.
Một thầy lang cao tuổi cứu chữa cả buổi sáng cho chị nhưng không có dấu hiệu giảm bệnh, tới giờ cơm trưa, người nhà liền tới cầu cứu ông Ngãi.
“Khi tôi đến, toàn thân chị ấy đã tím đen, người cứng đơ, mắt trợn ngược, gia đình họ đã tính tới chuyện đóng ván để tổ chức lễ tang. Tôi kiểm tra tình hình nhiễm độc và lấy thuốc cho bệnh nhân uống. Sau mấy ngày túc trực cứu chữa, chị Thu tỉnh dần, bị nhiễm độc nặng nên phải mấy tháng tích cực điều trị mới giải hết chất độc trong người” - ông Ngãi nhớ lại. Từ ngày chị Thu thoát chết, dịp Tết nào vợ chồng chị cũng mang quà cáp tới biếu ân nhân nhưng ông Ngãi không nhận.
Chính vì biết ông chữa bệnh không lấy tiền, thời quân ngũ ông đã được nhiều thầy thuốc giỏi yêu quý mà truyền dạy cho các bài thuốc trị rắn cắn. Đến tận bây giờ, mỗi lần cứu người được gia đình họ biếu đủ loại quà cáp nhưng ông nhất mực từ chối. Có lần, ông Ngãi chữa cho con trai của một giám đốc doanh nghiệp ở phố Lu (huyện Bảo Thắng, Lào Cai).
Đứa bé sùi hết bọt mép, gần chết nhưng ông vẫn cứu được. Người cha ngỏ ý tặng “thần y” một suất đất mặt đường để cảm tạ ơn cứu mạng, song ông nhất quyết không lấy. “Nếu nhận thì bây giờ tôi đã giàu to” - nhìn túp lều nhỏ dựng cạnh ao cá của mình, ông Ngãi cười khà khà.
Cạo dãi rắn “lấy độc trị độc”
Ở cách nhà ông Ngãi vài trăm mét là nhà “thần y” Nguyễn Văn Quản (100 tuổi, đội 1, xã Nghĩa Thành), một trong những người sống thọ nhất làng từ trước đến nay. Ông Quản cho biết: “Phương pháp chữa bệnh của tôi là lấy độc trị độc, lấy nước dãi của rắn để chữa”.
Cây rau rệu - một vị thuốc có thế chế ngự ngội độc rắn |
Theo ông lý giải, sau khi cắn người, rắn còn để lại nước dãi dính xung quanh miệng vết thương. Ông lấy thanh nứa nhỏ cạo lấy phần nước dãi đó, rồi kết hợp với một số thảo dược tạo ra bài thuốc cứu người.
Có một thanh niên nửa đêm lọ mọ úp nơm bắt cá ở sông, chẳng may bị rắn độc cắn. Dù chân tay bủn rủn dần nhưng đầu óc anh đang tỉnh táo, vẫn cố chạy tới nhà ông Quản nhờ cứu giúp. Sau một hồi chữa trị, bệnh nhân khỏe lại dần. Một thời gian sau, lại chính người bố của anh này bị rắn độc mổ khi đi đắp máng nước trên đồng lúc gần nửa đêm. Đang say giấc, nhưng nghe tiếng kêu cứu, ông Quản bật dậy tìm cách cứu sống bệnh nhân.
Nhiều người được ông cứu sống đã đem của ngon vật lạ đến biếu nhưng ông không nhận, chỉ cười bảo: “Khi tôi qua đời, tới thắp cho tôi nén nhang là được rồi!”.
Theo lời kể, thời trai trẻ ông Quản nổi tiếng cường tráng khiến những đô vật trong vùng cũng phải nể sợ. Gặp hai con trâu to đang húc nhau dưới ruộng, ông lao vào ghì tay tách sừng chúng ra. Con nào còn hăng, ông cầm đuôi kéo lê lên bờ. Ở tuổi 25 – 26, ông đã bắt rắn thuần thục nhờ sức khỏe hơn người. Những con rắn to bằng cổ tay người lớn, một chân ông Quản giẫm vào đuôi, một tay bóp chặt hầu khiến nó không thể “vật” lại.
Sau khi lấy thanh nứa cạo sạch răng độc, ông đeo con rắn trên mình vác đi chơi khiến nhiều người kinh hãi. “Những con rắn to khỏe và độc, nếu tay mình không đủ sức giữ, nó vật lại được cắn cho thì chỉ có chết” - ông Quản nói.
Mỗi khi có khách tới chơi nhà, ông lại ôm bình rượu rắn ra mời. Ai cũng trầm trồ khen ngon và “bái phục” khi biết những con rắn nằm trong bình do chính tay ông bắt được. “Cũng may, mấy năm trở lại đây rắn rết ít dần, người nông dân cũng đã biết sử dụng găng tay, đeo ủng khi ra đồng nên giờ tôi cũng… nhàn” - ông Quản vui vẻ nói./.