Vạch mặt nhiều thủ đoạn tinh vi
Qua công tác kiểm tra thực tiễn, thời gian qua, lực lượng Hải quan TP HCM đã phát hiện hàng loạt hành vi về buôn lậu, gian lận thương mại mà rất nhiều đối tượng đã thực hiện.
Trong đó, đáng chú ý nhất là việc lợi dụng cơ chế quản lý rủi ro trong thông quan hàng hoá đối tượng buôn lậu sử dụng phương thức “Chọn luồng” (cùng 1 lô hàng khai báo nhiều tờ khai ở cùng một Chi cục hoặc khác Chi cục, nếu luồng đỏ thì hủy tờ khai, chọn luồng vàng, xanh để thông quan hàng hoá).
Các đối tượng cố tình khai nhiều mặt hàng nhưng trong đó chỉ có một mặt hàng và ngược lại, trọng lượng nhiều nhưng khai ít, khai sai hoàn toàn so với thực tế hàng hóa. Cố tình khai báo qua mặt hàng khác có thuế thấp, giá thấp để tiêu chí rủi ro phân luồng xanh, vàng, đỏ (tỷ lệ kiểm tra 5-10%) hoặc cố tình khai thuế rất cao nhưng trong đó có mặt hàng cấm, hàng giả, hàng nhập khẩu có điều kiện... Đặc biệt, nhiều đối tượng còn sử dụng phương thức thay đổi cảng đích, thay đổi người nhận hàng gây khó khăn trong việc theo dõi đối tượng.
Thời gian gần đây, lực lượng Hải quan TP HCM còn phát hiện nhiều trường hợp sai phạm mặt hàng ở loại hình phi mậu dịch với các thủ đoạn khai báo không đúng số lượng thực tế, khai báo sai xuất xứ để gian lận về giá, tránh né nộp giấy phép.
Việc thành lập nhiều công ty, ghi địa chỉ sai, hoặc không có địa chỉ đúng, doanh nghiệp không có bảng hiệu, thường xuyên thay đổi trụ sở (địa phương không nắm được) cũng được nhiều đối tượng lợi dụng triệt để. Sau khi bị phát hiện, các đối tượng lấy công ty đã thành lập lâu (trên 1 năm), khai báo không giống hàng bách hóa để gây khó khăn trong công tác sàng lọc thông tin...
Càng về cuối năm càng phức tạp
Tình hình buôn lậu và gian lận thương mại qua các cửa khẩu ngày càng diễn biến hết sức phức tạp. Một số mặt hàng thường các các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại phổ biến nhất là thuốc lá điếu; rượu, bia ngoại; đường kính; bánh, kẹo, sữa; hàng bách hóa (có xuất xứ từ Trung Quốc); quần áo may sẵn; ôtô các loại (bao gồm xe, phụ tùng mới và đã qua sử dụng); hàng điện tử cao cấp và linh kiện (điện thoại di động, máy tính bảng, thiết bị nghe nhìn, đồng hồ đeo tay đã qua sử dụng)...
Các mặt hàng như: ngoại tệ, tiền giả, thẻ tín dụng giả, phôi thẻ tín dụng, thiết bị in thẻ tín dụng; kim khí quí (chủ yếu là vàng), đá quí; gia súc, gia cầm (đông lạnh, kém chất lượng); mỹ phẩm, tân dược, đông dược, thuốc thú y (dược phẩm có chất gây nghiện – hướng thần); đồ chơi trẻ em có tính độc hại tới giáo dục nhân cách, đồ chơi nguy hiểm; tài liệu, ấn phẩm (độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, tuyên truyền phản động chống phá Nhà nước); vũ khí, pháo, đèn trời các loại; công cụ hỗ trợ, chất nổ; ma túy (các chất ma túy tổng hợp); sản phẩm từ động vật hoang dã quí hiếm: ngà voi, sừng tê giác... cũng được các đối tượng tuồn vào ngày một nhiều.
Chỉ tính riêng vài năm trở lại đây, lực lượng Hải quan TP HCM đã phát hiện gần 800 trường hợp vi phạm về thuế, đã tiến hành xử phạt và kiến nghị xử phạt với tổng số tiền hơn 33 tỷ đồng. Đặc biệt có gần 30 trường hợp có dấu hiệu hình sự nên đã chuyển tới cơ quan tố tụng.
Đánh giá về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại qua các cửa khẩu trên địa bàn, đại diện Cục Hải quan TP HCM chia sẻ: với đặc thù địa bàn rộng lớn, có nhiều cửa khẩu cảng biển, cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế… nên công tác quản lý gặp không ít khó khăn. Từ khi triển khai Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS với việc thông quan hàng hóa tự động theo quản lý rủi ro, một mặt tạo thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng đó làm cho tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp hơn, đã phát sinh nhiều thủ đoạn mới, nguy cơ rủi ro cao trên nhiều lĩnh vực như: Ma túy; sở hữu trí tuệ - hàng giả; trị giá tính thuế, thuế suất và chuyển giá; tạm nhập - tái xuất; xuất xứ; hoàn thuế; chính sách chuyên ngành; ô nhiễm môi trường…
“Với chương trình thông quan điện tử hiện nay, doanh nghiệp có thể biết trước thông tin phân luồng cho lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu của mình. Đối với hàng xuất khẩu khi doanh nghiệp nhận được thông tin phân luồng (miễn kiểm tra thực tế hàng hoá) có thể đưa những container hàng hoá không đúng với khai báo để xuất khẩu. Đối với các lô hàng nhập khẩu doanh nghiệp cố tình khai báo sai: trường hợp được miễn kiểm tra thực tế hàng hoá (doanh nghiệp thực hiện trót lọt); trường hợp phải kiểm tra thực tế (luồng đỏ) hoặc có sự phối hợp công tác của các lực lượng chức năng, doanh nghiệp đối phó bằng cách xin sửa chữa, khai bổ sung cho phù hợp với bộ chứng từ thật hay xin hủy tờ khai sau đó khai lại tờ khai khác…”- đại diện Cục Hải quan TP HCM quan ngại về việc lợi dụng chính sách để buôn lậu, gian lận thương mại.
Để hạn chế tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn, lực lượng Hải quan TP HCM đã có nhiều nỗ lực, giải pháp bước đầu đem lại những hiệu quả nhất định.