Hải quân Thái Lan kể lại hành trình vào hang cứu các cầu thủ nhí

Đội trưởng Hải quân chỉ nhìn thấy một màu đen khi lần đầu vào trong hang, nơi 'nuốt chửng' 13 người và giấu họ bên trong.

Khi đội trưởng Hải quân Thái Lan, Anand Surawan, được thông báo về một đội bóng thiếu niên bị mất tích, anh đã nghĩ việc tìm kiếm rất đơn giản.

Các thợ lặn lần mò lối đi bằng một sợi dây thừng dẫn từ cửa hang tới chỗ các cậu bé trú ẩn. Ảnh: AFP.

Các thợ lặn lần mò lối đi bằng một sợi dây thừng dẫn từ cửa hang tới chỗ các cậu bé trú ẩn. Ảnh:AFP.

2h45 ngày 24/6, Hải quân Thái Lan ở bên ngoài lối vào hang Tham Luang, quận Mae Sai, nghe báo cáo chính thức về việc 12 cậu bé và huấn luyện viên của họ bị mắc kẹt bên trong. Đã vài giờ trôi qua kể từ khi cả đội biến mất, những gì còn lại của họ ở cửa hang chỉ là những chiếc xe đạp, balô và giày đá bóng.

"Tôi không thể tưởng tượng bên trong hang như thế nào. Tôi cứ tưởng sẽ có một chút ánh sáng", Anand Surawan nói với các phóng viên quốc tế tại họp báo ở Chiang Rai hôm 11/7. 

Tuy nhiên, ngay sau khi bước vào trong, Anand nhận thức được tầm khó khăn của công việc. Trước mặt anh là bóng tối giăng kín, "nuốt chửng" 13 người trong đội bóng và giấu họ bên trong hệ thống hang động dài 10 km.

"Một màu đen thăm thẳm. Khoảng cách từ lối vào đến ngã ba là gần 3 km. Người của chúng tôi phải trèo lên những vách đá dốc rồi vượt qua những đường hầm hẹp. Các bức vách đều trơn trượt, cho thấy hang động vừa bị ngập nước", Anand kể.

Ngày đầu tiên Hải quân Thái Lan vào trong hang, họ lội qua dòng nước tối tăm trên địa hình đá sắc nhọn, lởm chởm và lặn trong bóng tối. Họ tìm kiếm những người bị lạc từ 5h đến 16h và hoàn toàn mất ý thức về thời gian do thiếu ánh sáng tự nhiên.

Hải quân Thái Lan kể lại hành trình vào hang cứu các cầu thủ nhí - 1

Thời điểm đó, nước bắt đầu dâng lên, đầu tiên là 3 cm mỗi giờ, sau đó 8 cm rồi 13 cm. Nguy cơ một trận lũ quét tiềm ẩn buộc họ phải vội vàng rút quân.

Sau đó, nước lũ ngập vào các khoang nơi những người lính hải quân đã lần ra được dấu tay và dấu chân của những người mất tích.

"Chúng tôi sau đó thông báo cho thống đốc Chiang Rai rằng cần máy bơm", đội trưởng hải quân nhớ lại. "Chúng tôi không chắc liệu có bất kỳ điểm nào để nổi lên dọc theo tuyến đường dài 3 đến 4 km hay không".

Khi các thợ lặn khác nối đường dây dẫn từ khoang thứ ba đến ngã ba, hai thợ lặn người Anh - John Volanthen và Rick Stanton - đã tách ra để tìm tới một khoang rỗng cách đó vài trăm mét. Lúc Volanthen nổi lên mặt nước, anh nhìn thấy nhóm thiếu niên đang đứng, ngồi trên một mỏm đá - đó chính là 13 người mà anh và những thợ lặn khác đang tìm kiếm.

"Họ rời khoang thứ ba, tìm thấy những đứa trẻ và quay lại để báo tin cho chúng tôi", Anand kể lại. "Mất tổng cộng 5,5 giờ. Sau đó, chúng tôi đã gửi vào trong 4 thợ lặn hải quân Thái Lan đầu tiên".

Chúng tôi không thể bỏ họ lại

Theo đội trưởng Anand, thợ lặn làm việc trong hang Tham Luang không có ý thức về ngày hay đêm. Trời luôn tối và nước luôn lạnh.

"Chúng tôi không biết hiện tại là mấy giờ và chỉ để ý xem bao nhiêu tiếng đã trôi qua", Anand kể tiếp.

Bốn thợ lặn đầu tiên của Hải quân Thái Lan được triển khai để cung cấp thực phẩm và chăm sóc những người sống sót. Họ gồm ba sĩ quan và bác sĩ quân y Pak Loharnshoon. Mỗi người trong số họ mang theo bốn bình oxy cho hành trình tới mỏm đá. 

Danh sách 13 người bị mắc kẹt trong hang Tham Luang trong hơn 2 tuần. Đồ họa: Rafa Estrada.

Danh sách 13 người bị mắc kẹt trong hang Tham Luang trong hơn 2 tuần. Đồ họa:Rafa Estrada.

Cả đội đã mất liên lạc trong 23 giờ trước khi ba thợ lặn quay trở lại được khoang thứ 3, nơi đặt một trung tâm chỉ huy tạm thời. Ba người này được đưa đến bệnh viện trong tình trạng "rất xấu". Người còn lại gần như đã sử dụng hết bình oxy và không thể lặn quay lại.

"Họ chỉ còn ít dưỡng khí khi quay lại báo cáo tình hình. Đối với những người chỉ huy, thật căng thẳng khi giao nhiệm vụ cho người của mình nhưng không biết liệu họ sống hay chết", Anand tâm sự.

Trước nhiệm vụ giải cứu, không ai trong số các thợ lặn Hải quân Thái Lan có kinh nghiệm lặn hang động, nhất là những hang phức tạp đầy đường hầm chật hẹp như Tham Luang. Có những lúc, các thợ lặn thậm chí phải tháo bình oxy để vượt qua những chỗ thắt nút. Mỗi hành trình đều tối, lạnh và rình rập nguy hiểm.

"Nhưng có 13 người đang đợi và chúng tôi không thể bỏ họ lại. Vì vậy, chúng tôi đã chiến đấu, đặt thêm các bình oxy dọc tuyến đường cứu hộ. Mỗi chuyến đi mất từ 3 đến 10 giờ trước khi tôi có thể biết người của mình vẫn còn sống để trở về", Anand nói.

Anh hùng của Tham Luang

Trước khi ngày giải cứu thứ ba kết thúc, khi 5 người sống sót cuối cùng được sơ tán an toàn, cả thế giới đã lặng đi vì cái chết của đặc nhiệm Saman Kunan. Anh bị hết dưỡng khí trong khi đang làm nhiệm vụ.

Đặc nhiệm Saman Kunan, người thiệt mạng trong lúc làm nhiệm vụ. Ảnh: Facebook.

Đặc nhiệm Saman Kunan, người thiệt mạng trong lúc làm nhiệm vụ giải cứu đội bóng nhí kẹt trong hang Tham Luang. Ảnh:Facebook.

"Anh ấy tình nguyện tham gia cùng 4 thợ lặn nước ngoài và một thợ lặn Thái Lan đặt các bình oxy dọc đường. Các thợ lặn nước ngoài mất 3 giờ nhưng Saman và người đồng hương mất nhiều thời gian hơn", chỉ huy trưởng cho hay.

"7 giờ trôi qua và họ vẫn chưa xuất hiện. Nhưng tôi vẫn tự tin. Tôi nghĩ họ có thể đã quá mệt nên nghỉ ngơi một chút", Anand nhớ lại.

1h sáng, thợ lặn đồng hương của Saman quay lại một mình và báo tin buồn. "Đêm ấy, chúng tôi đã mất đi một người. Nhưng còn 13 người vẫn đang chờ chúng tôi. Chúng tôi phải tiếp tục dấn thân vào đó", Anand nói thêm. "Chúng tôi được đào tạo cho các nhiệm vụ nguy hiểm và luôn sẵn sàng đối mặt với mất mát".

Tuy nhiên, đội trưởng Hải quân Thái Lan cũng cho biết lực lượng của mình đã được bổ sung thêm kiến thức về lặn hang động từ các chuyên gia đẳng cấp thế giới, giúp họ cải thiện kỹ thuật để giảm nhẹ các nguy cơ.

Các cậu bé ra khỏi hang bằng cách nào

Hoạt động giải cứu đội bóng Wild Boars được mô tả là một trong những chiến dịch khó khăn nhất so với các cuộc giải cứu trong hang động trên toàn thế giới. Kể từ khi đội bóng được tìm thấy ngày 2/7, các nhân viên cứu hộ đã phải chạy đua với thời gian để sơ tán 13 người bị mắc kẹt.

Hơn 10.000 người gồm quân đội Thái Lan, hải quân, không quân, cảnh sát, chuyên gia lặn, kỹ sư, nhà địa chất, tình nguyện viên và nhiều người khác đã làm việc suốt ngày đêm để duy trì lượng oxy và ngăn nước chảy vào trong hang giữa những cơn mưa lớn.

Ngày 8/7, nhóm đầu tiên được đưa ra, gồm 4 bé trai tuổi từ 14 đến 16. Ngày tiếp theo là nhóm thứ hai - gồm 4 em tuổi từ 12 đến 14. Nhóm cuối cùng được giải cứu trong ngày thứ ba cùng với ba lính Hải quân Thái Lan và bác sĩ quân y, những người đã ở cùng đội bóng trong hang hơn một tuần.

Trong thời gian sơ tán, họ mặc đồ trùm toàn thân, đeo mặt nạ kín mít. Mỗi thành viên trong đội bóng 13 người được hộ tống bởi hai thợ lặn ở những đoạn rộng và được một kèm một khi đi qua đoạn thắt nút. Sau khi được đưa đến khoang thứ ba của hang, các cậu bé được đặt lên cáng và khênh ra xe cứu thương chờ sẵn ngoài cửa hang.

Theo phó chỉ huy của Hải quân Thái Lan, các cậu bé không tự lặn ra. "Các em chỉ phải duy trì nhịp thở trong khi thợ lặn đưa ra khỏi hang", vị phó chỉ huy tiết lộ.

Ngay sau khi chiến dịch kết thúc, máy bơm chính giúp hút nước từ hang ra trong hơn 2 tuần gặp trục trặc, The Guardian đưa tin. Mực nước trong hang bắt đầu tăng lên, buộc nhân viên cứu hộ phải bỏ lại nhiều thiết bị để chạy ra ngoài.

"Nó giống như một bộ phim. Nhưng với một kết thúc có hậu", trung tá Arpakorn Yookongkaew xúc động nói.

Đọc thêm

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'
(PLVN) - Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh vừa phối hợp với Trường Đại học TDTT Thượng Hải, Trung Quốc và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đồng tổ chức thành công Hội nghị Khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.

2 sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần này

2 sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần này
(PLVN) - Tuần này, thế giới hướng tới hai ngày lễ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc: Ngày Di dân Quốc tế (18/12) tôn vinh những đóng góp của người di cư và Ngày Quốc tế Đoàn kết Nhân loại (20/12) ) kêu gọi sự thống nhất và chia sẻ để xóa đói giảm nghèo.

Nhiều vụ việc đáng tiếc trên thế giới tuần qua

Nhiều vụ việc đáng tiếc trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Thế giới trải qua một tuần đầy biến động với hàng loạt vụ việc thương tâm: Nữ sinh Nhật Bản bị đâm chết tại nhà hàng, nhà sáng lập Mango tử nạn, xả súng kinh hoàng tại Pháp, cháy bệnh viện ở Ấn Độ…

Hành trình “dọn rác” mạng xã hội: Kinh nghiệm từ các quốc gia

Các đạo luật mới ra đời nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu các hành vi tiêu cực của người dùng trên mạng xã hội. (Nguồn: safegate.vn)
(PLVN) - Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, mạng xã hội không chỉ là nơi kết nối mà còn trở thành trung tâm phát tán thông tin. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, không gian này cũng trở thành “bãi rác” khổng lồ với những nội dung độc hại, tin giả và lời nói căm thù. Việc kiểm soát và “dọn rác” mạng xã hội đã trở thành thách thức không nhỏ đối với nhiều quốc gia trên thế giới.