Theo Press TV, nhóm nghiên cứu đến Nhật Bản vào giữa tháng 10 từ căn cứ ở Polynesia thuộc Pháp, là một phần của sứ mệnh quốc tế thực thi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Bình Nhưỡng bằng cách thực hiện các chuyến giám sát từ một căn cứ của Mỹ ở Okinawa.
“Liên hợp quốc gửi cho chúng tôi thông tin về các tàu bị nghi ngờ có hành vi bất hợp pháp,” và sau đó một kế hoạch bay được vạch ra, AFP dẫn lời Trung úy Guillaume, Chỉ huy nhóm giám sát, cho biết.
Nhóm giám sát của hải quân Pháp thu thập càng nhiều thông tin càng tốt về các tàu để gửi cho Liên hợp quốc thực hiện điều tra các vi phạm Nghị quyết 2375 và 2397 liên quan đến hạn chế việc bán, cung cấp và chuyển khí đốt tự nhiên và dầu mỏ cho Triều Tiên, báo cáo cho biết.
"Chúng tôi là con mắt của Liên hợp quốc trong khu vực", Trung úy Guillaume nói. “Trong bối cảnh căng thẳng quốc tế trong khu vực, mục tiêu là tránh làm xấu tình hình Chúng tôi phải cứng rắn nhưng lịch sự”.
Triều Tiên đã phải chịu các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế khắc nghiệt kể từ năm 2006 liên quan đến các chương trình tên lửa đạn đạo và các hoạt động hạt nhân của nước này. Mỹ cũng đã áp đặt một số vòng trừng phạt của riêng mình đối với Triều Tiên.
Các lực lượng Pháp đã tham gia các sứ mệnh giám sát thường xuyên kể từ năm 2018 để thực thi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên, cùng với 8 quốc gia khác, và dưới sự giám sát của Cơ quan điều phối thực thi chịu trách nhiệm thực hiện các nghị quyết của Liên hợp quốc.
Đối với Pháp, những sứ mệnh này cũng là một cách để tăng cường ảnh hưởng của nước này trong khu vực, đặc biệt là sau khi công bố chiến lược quân sự Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào năm 2019.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã áp đặt các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên vào năm 2017 nhằm vào hoạt động xuất khẩu than, quặng sắt, hải sản, dệt may và các sản phẩm khác nhằm hạn chế nguồn ngoại tệ của nước này.