Hải Phòng, một vùng duyên hải đồng bằng Bắc Bộ, từng là một trong những quê hương của nghệ thuật chèo với những phường gánh chèo giàu truyền thống và mạnh cách tân. Do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện địa lý Hải Phòng từ lâu tạo cho mình một bản sắc văn hóa không lẫn với những vùng miền khác. Tính thoáng rộng, cởi mở, sự chân chất mạnh mẽ, đậm đà và tiên tiến là những phẩm chất vốn có của văn hóa Hải Phòng.
Cảnh trong vở kịch “Tắt đèn” Ảnh: Thu Hiền
|
Song, ở đây tôi chỉ xin trình bày về một khía cạnh của văn hóa Hải Phòng. Đó là một vùng đất sân khấu với những chuyển biến mang tính lịch sử thời đại vào thế kỷ 20- thế kỷ đổi mới cực kỳ lớn lao của sân khấu Việt
Các đoàn cải lương Phương Đông, Kịch nói Hải Phòng, Chèo Hải Phòng đều đã nổi tiếng với nhiều vở diễn đậm chất Hải Phòng, với những nghệ sĩ tầm cỡ quốc gia, nhất là thời kỳ từ năm 1955 đến 1985. Nhưng không phải ai cũng để ý đến hiện tượng Hải Phòng từng là nơi có những sinh hoạt sân khấu đi vào lịch sử sân khấu Việt
Thời kỳ nửa đầu thế kỷ 20, nhất là vào những thập niên 30, 40... Hải Phòng từng là nơi hội tụ của nhiều đoàn cải lương miền Nam ra lưu diễn ở miền Bắc. Từ thập niên 20 thế kỷ 20, Hải Phòng đã có rạp hát Lạc Mộng Đài thu nhận một số tiết mục cải lương, trong đó có gánh Phán Liên ở Cẩm Phả do một số nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của Nam Bộ, tiêu biểu là nghệ sĩ kiêm soạn giả Tư Hợi và một vài nghệ sĩ khác của cải lương Quy Nhơn như Đào Tư Nhung, một nữ học trò do Tư Hợi đào tạo. Ngoài ra, bản thân Lạc Mộng Đài còn thu nạp vào đoàn mình một số nghệ sĩ có tài như nghệ sĩ Bảy Lão
Một sự kiện khác rất đáng chú ý, là vào năm 1930, sau khi ban cải lương Tân Thanh ở Hà Nội tan rã, một số nghệ sĩ của ban này về Hải Phòng thành lập Hội các nghệ sĩ danh tiếng Hà Nội (Union des celebres artistes hanoiens), viết tắt là U.C.A.H. Sau một thời gian luyện tập, ban Cải lương của U.C.A.H trình diễn trước khán giả Hải Phòng tại rạp Mộng Lạc Đài vở “Màn bí mật”. Tiếp đó, vào những năm đầu của thập niên 30, thế kỷ 20, trong khi nhiều gánh cải lương ở các tỉnh như Lạng Sơn, Bắc Giang và ở cả Hà Nội tan rã..., đất Hải Phòng vẫn nồng nhiệt chào đón gánh Thanh Kỳ (thành lập ở Thái Nguyên do ông Nhương, một nhà thầu khoán, và ông Bình đứng ra làm chủ) trình diễn các vở “Tội của ai“ (Tội quy thùy), “Lỡ tay trót đã nhúng chàm” và “Tiếng nói trái tim” (của Năm Châu). Ở Hải phòng, gánh Thanh Kỳ sống được, nhưng sau đó, khi trở về Thái Nguyên, gánh này cũng tan.
Còn về Kịch nói, Hải Phòng là một cái nôi sinh ra và nuôi dưỡng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Lê Đại Thanh, Thế Lữ, Song Kim..., cũng như sinh ra và nuôi dưỡng nhiều đoàn kịch.
Năm 1938, nhóm kịch Thế Lữ do chính tác giả của bài “Nhớ rừng” nổi tiếng chủ trì. Trong khi hoạt động ở ban kịch Tinh Hoa, Thế Lữ, Song Kim và một số nghệ sĩ khác vẫn miệt mài sáng tạo ở nhóm kịch Thế Lữ - để đến đêm 29-2-1938 ra mắt vở “Kim Tiền” (của Vi Huyền Đắc) tại Nhà hát lớn Hải Phòng. Cộng tác đắc lực với Nhóm kịch Thế Lữ có cả họa sĩ Tô Ngọc Vân, nhạc sĩ Văn Cao, Lưu Hữu Phước... Ngoài Song Kim, nhóm kịch Thế Lữ còn có các đào nổi danh tài sắc một thời như Minh Trâm, Thanh Hương, Lan Bình, Lê Mai và kép hài trứ danh Tú Mỡ. Nhóm kịch Thế Lữ, ngoài vùng đất hứa Hải Phòng, còn đi lưu diễn ở Hà Nội, Vĩnh Yên và một số tỉnh khác ở Bắc Bộ... và ở đâu cũng được tán thưởng. Theo dư luận đương thời, đây là nhóm (sau gọi là ban kịch) có uy tín vào bậc nhất so với các ban khác. (1)
Cảnh trong vở chèo “Trầu cau” Ảnh: Thu Hiền
|
Từ nhóm kịch Thế Lữ, năm 1942, nhà thơ, nhà văn, nhà đạo diễn kiêm diễn viên nổi tiếng này thành lập Nhóm những người yêu sân khấu (Compagnie des amis du theatre) tại Hà Nội, sau đó chính thức trở thành Ban kịch Thế Lữ, tiền thân của Đoàn kịch Anh Vũ. Tại Hải Phòng và Hà Nội, Ban kịch Thế Lữ âm thầm chuẩn bị một chương trình kịch mục phong phú với hơn 10 vở diễn từ kịch bản của tác giả nhà văn, nhà viết kịch Mai Phương, Đoàn Phú Tứ, Khái Hưng và nhất là Vi Huyền Đắc. Nhắc đến Ban kịch Thế Lữ, NSND Song Kim nhớ lại hoàn cảnh khó khăn của Ban ở buổi đầu thành lập, về tài chính, các thành viên chủ chốt, những người sáng lập quỹ của Ban lúc bấy giờ là Phạm Văn Đôn, Trịnh Như Lương, Phạm Văn Khoa, Trần Đình Thọ và Thế Lữ. Bốn người trên có khả năng dư dật hơn về tài chính, nên việc góp 500 đồng vào quỹ đối với họ không khó khăn lắm. Riêng Thế Lữ lúc đó “rỗng túi” nên phải đi cầm mảnh đất của bà cụ thân sinh ở Hải Phòng để lấy 500 đ nộp vào quỹ sáng lập với tư cách là “người sáng lập chủ yếu” của Đoàn (2) . Với ban kịch Thế Lữ, khán giả Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh khác được xem vở “Kim tiền”. “Ông Ký cóp”, “Minh Kha”, “Lệ Chi Viên”, “Ghe”, “Khóc lên tiếng cười”, “Đồng bệnh”... với các nghệ sĩ: từ Lê Đại Thanh (cha đẻ của Lê Mai, Lê Chức...) Huyền Kiêu, Nguyễn Tuân, Tú Mỡ, Linh Tâm, Huyền Cân (nhạc sĩ), Kỳ Ngung... đến Giáng Kiều, Phương Khanh, Kim Bình... và tất nhiên cả Song Kim.
Tiếp tục truyền thống của Ban kịch Thế Lữ, tại Hải Phòng, thời kỳ sau 1945, nhiều ban kịch, đoàn kịch diễn những vở có nội dung tiến bộ, yêu nước, cách mạng đã ra đời. Ban kịch Tiền Phong của Thành bộ Việt Minh Hải Phòng mà trực tiếp là tổ chức Văn hóa cứu quốc Hải Phòng lúc đầu chỉ có 7 thành viên, sau dần dần phát triển mở rộng mạnh mẽ. Ban kịch này đã trình diễn các vở Tô Hiệu (Nguyễn Công Mỹ) Bắc Sơn (Nguyễn Huy Tưởng), Về Hồ (Hoàng Công Khanh)... Giống như nhiều ban kịch thời đó, Ban kịch Tiền Phong vừa trình diễn kịch, vừa hát những ca khúc cách mạng, vừa diễn thuyết truyền thống cách mạng.
Những vở diễn của ban kịch Tiền Phong đã được đông đảo quần chúng Hải Phòng và các vùng ngoại vi, lân cận nhiệt liệt tán thưởng. Hồi đó quần chúng nhân dân xem những cảnh kịch diễn ra trên sân khấu cũng như là chính cuộc đời vậy. Với tất cả sự hồn nhiên và say mê của mình, quần chúng không phân biệt rạch ròi, như ta bây giờ, hai khái niệm sự thật đời sống và sự thật nghệ thuật. Có lần khi công diễn ở Kiến An, tại một làng quê, lúc vở kịch đang diễn ra thì một bà cụ thấy các anh đánh được nhiều thực dân, đã mừng rỡ cố lách đám đông len vào, cởi ruột tượng, lấy hai đồng bạc giấy (...) đặt vào tay các anh để thưởng công ! Các anh cảm động nhận lấy rồi lại dâng vào quỹ Độc lập của làng” (3).
PGS Tất Thắng (Hội NSSK Việt
--------------------------------------------
(1)- Phan Kế Bính- Huỳnh Lý. Bước đầu tìm hiểu lịch sử kịch nói Việt nam (trước Cách mạng tháng Tám) NXB Văn hóa- Hà Nội 1978. tr. 60)
(2- Song Kim, Những chặng đường sân khấu- NXB Sân khấu – Hà Nội 1995.tr.95
(3) Ban kịch Tiền Phong hoạt động. Báo Dân chủ (H Phòng số ra ngày 26-11-1945.