Ngày 20/2, Viện khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa & Thể thao, Bảo tàng Hải Phòng bắt đầu khai quật 400m2 diện tích ao cá nhà ông Đào Văn Đến (khu Đầm Thượng, thôn 11, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng). Đây là khu vực vừa phát lộ 13 chiếc cọc gỗ được cho là liên quan đến chiến trận Bạch Đằng năm 1288.
Khu vực ao được tiến hành khai quật |
Trao đổi với PLVN, Tiến sĩ Bùi Văn Hiếu - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm nghiên cứu Khảo cổ học dưới nước (Viện khảo cổ học) - cho biết, công việc trước tiên của đoàn khảo cổ là xác định vị trí của từng chiếc cọc. “Trên diện tích 400m2 này, ít nhất phải mất 10 ngày để xác định được thêm còn chiếc cọc nào nữa không. Chúng tôi đã bịt tất cả các đầu cọc lại để bảo vệ cọc trong thời gian tiến hành khai quật. Dự kiến, việc khai quật có thể kéo dài hết tháng 3” - Tiến sĩ Bùi Văn Hiếu chia sẻ.
Cán bộ của Viện khảo cổ học vẽ lại vị trí các cọc |
Theo ghi nhận của báo PLVN, trong sáng 20/2, toàn bộ 13 cọc gỗ đã được bịt lại bằng vải mềm, được cắm cờ vàng để dễ nhận diện. Để phục vụ cho công tác khai quật. Khoảng 10 nông dân thực hiện tát bùn ra khu vực giữa ao đồng thời bắt đầu đào lớp bùn khu vực phát lộ cọc.
Ông Đào Văn Đến - chủ sở hữu chiếc ao vừa phát lộ 13 cọc gỗ - cho biết, năm 2014, gia đình ông mua lại toàn bộ diện tích khoảng 2.300m2 gồm ao và vườn tại thôn 11, xã Lại Xuân. Quá trình thả cá ở đây, ông Đến nhiều lần muốn chặt bỏ những cọc gỗ này đi nhưng không được vì cọc quá chắc. Toàn bộ diện tích này ông Đến mua lại của gia đình ông Hoàng Văn Oanh.
Một chiếc cọc nằm sát bờ kè ao |
“Ông Oanh đã từng rút 10 chiếc cọc ở ao lên. Không chỉ vậy, ông Oanh còn phát hiện ra 1 phản gỗ dài tầm 4m, rộng 80cm được khoét ở giữa, trông rất giống hình dáng của 1 chiếc thuyền. Phản gỗ này sau đó cũng được vớt lên”, ông Đến cho biết.
Khu vực ao nhà ông Hiệp từng có 30 cọc gỗ tương tự |
Qua tìm hiểu, khu vực Đầm Thượng nói trên được người dân địa phương gọi là khu vực chân cọc, đoạn chạy dài từ bến Đụn về khu vực trang trại của ông Đến. Trên thực tế, có nhiều gia đình đã phát hiện ra những chiếc cọc tương tự trên diện tích sinh sống cũng như canh tác nhưng không ai trình báo với cơ quan chức năng.
Ông Hoàng Văn Hiệp (60 tuổi, hàng xóm nhà ông Đến) cho hay, trong thời gian ông sinh sống 20 năm trên mảnh đất 1,6 mẫu Bắc bộ tại khu Đầm Thượng, ông đã nhiều lần phát hiện những chiếc cọc gỗ trên vườn cũng như ao nhà mình. Năm 2004, ông Hiệp phát hiện tới 30 chiếc cọc gỗ tại khu vực ao của mình. Tuy nhiên, do không biết là cọc gì nên ông chuyển các cọc lên bờ.
Ông Hiệp mô tả lại vị trí những chiếc cọc từng được ông phát hiện cho PV |
“Em ruột tôi chính là Hoàng Văn Oanh (đã mất). Năm em tôi về đây ở, cậu ấy phát hiện ra cây gỗ có khoét máng ở giữa. Sau đó, anh em tôi xẻ ra thành hơn chục cái hoành để dựng nhà. Nhưng trước khi dựng nhà, chúng tôi có đi xem thầy thì được thầy dặn đó là gỗ quý, không được phép sử dụng. Do đó, chúng tôi đành mang các hoành gỗ đã xẻ đến công đức tại chùa Phi Liệt”, ông Hiệp kể lại. Ông Hiệp cũng chỉ cho PV khu vực trại gà khoảng 300m2 gần đó cũng dày đặc cọc gỗ, hiện đã được lấp để chăn nuôi.
Theo nhận định ban đầu của Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, khu vực phát hiện 13 cọc gỗ mới này nằm ở ngã ba sông Kinh Thầy, sông Đá Vách và sông Đá Bạc. Ao nuôi cá của gia đình ông Đào Văn Đến vốn là cồn đất nằm chính giữa ngã ba sông nói trên và cũng là nơi giáp ranh địa giới hành chính của 3 tỉnh thành: Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương.
Toàn bộ 13 cọc được bịt lại để bảo vệ |
Được biết, để tạo điều kiện cho gia đình ông Đến khi dừng việc nuôi thả cá năm 2020 phục vụ hoạt động khai quật, UBND huyện Thủy Nguyên quyết định hỗ trợ gia đình 25 triệu đồng.