Tham dự buổi lễ ký kết, có ông Nguyễn Đức Quyết, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP Hải Phòng, Đại tá Lê Nguyên Trường, Phó giám đốc công an TP Hải Phòng cùng đại diện lãnh đạo các phòng nghiệp vụ PC01,PC02, PC03, PC04, PC10, PC11 PA09 và lãnh đạo công an các quận huyện trên địa bàn TP Hải Phòng.
Ông Nguyễn Đức Quyết ,Phó giám đốc Sở Tư pháp TP Hải Phòng phát biểu khai mạc buổi lễ ký kết |
Phát biểu khai mạc lễ ký kết, ông Nguyễn Đức Quyết, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP Hải Phòng cho biết Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước có nhiệm vụ làm đầu mối, tham mưu Ban Giám đốc Sở Tư pháp tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Trong đó, Sở Tư pháp TP Hải Phòng sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong công an TP theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện phối hợp trực trợ giúp pháp lý. Đồng thời, Sở cũng sẽ phối hợp với cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ sở giam giữ; Công an các cấp; Công an cấp xã để triển khai thực hiện. Theo đó, hai bên sẽ thống nhất về việc niêm yết danh sách, số điện thoại của người trực, số điện thoại của người hỗ trợ trực, số điện thoại trực của Trung tâm…
Theo nội dung ký kết, sau khi phát hiện người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị hại, đương sự là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý… thì cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra… gọi điện thông báo ngay cho người trực hoặc người hỗ trợ trực; cung cấp họ tên, số điện thoại, địa chỉ của người đó hoặc người thân của họ (nếu có) cho người trực hoặc người hỗ trợ trực.
Sau khi tiếp nhận thông tin, người trực hoặc người hỗ trợ trực có trách nhiệm liên hệ ngay với người thuộc diện được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ để xác minh thông tin, hướng dẫn họ thực hiện các thủ tục để được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý. Trường hợp người thuộc diện được trợ giúp pháp lý là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị can không bị tạm giam, bị hại, đương sự trong vụ án hình sự, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, người trực hoặc người hỗ trợ trực hướng dẫn người thuộc diện được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ để thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý.
Đại diện Lãnh đạo Sở Tư Pháp TP Hải Phòng và lãnh đạo công an TP Hải Phòng thực hiện ký kết |
Phát biểu bế mạc, Đại tá Lê Nguyên Trường, Phó giám đốc công an TP Hải Phòng đề nghị lãnh đạo các đơn vị, địa phương cần quán triệt, triển khai đầy đủ nội dung Kế hoạch đến toàn thể cán bộ chiến sĩ tại các đơn vị, địa phương, nhất là lực lượng Điều tra viên, cán bộ điều tra, cán bộ quản lý giam giữ...; thực hiện nghiêm túc Kế hoạch và thường xuyên liên hệ với Sở Tư Pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý cho người dân.