Hải Phòng thực sự “thay da đổi thịt” sau 10 năm thực hiện Nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ tham quan khu trưng bày sản phẩm nông sản
Thủ tướng Chính phủ tham quan khu trưng bày sản phẩm nông sản
(PLVN) - Chiều 15/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 tại Hải Phòng.

10 năm thay da đổi thịt

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng khẳng định, sau 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, cả hệ thống chính trị và nhân dân Hải Phòng tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện; xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào lớn. Nông thôn Hải Phòng đã thực sự thay da đổi thịt.

Khi bắt đầu triển khai chương trình, số tiêu chí về nông thôn mới tại các xã trên địa bàn Hải Phòng bình quân đạt 5,76 tiêu chí/xã, nhiều xã mới đạt 2 - 3 tiêu chí.

Tuy nhiên, đến hết năm 2019, Hải Phòng có 139/139 (đạt 100%) xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, cao gần gấp đôi bình quân toàn quốc (đạt 50,26%).

Chất lượng nhiều tiêu chí đạt ở mức cao hơn so với chuẩn nông thôn mới như: đường giao thông trục thôn, xóm, nội đồng được bê tông hoá, tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp tưới, tiêu chủ động đạt 100%, tỷ lệ hộ nông thôn được sử dụng nước sạch nông thôn đạt 92,1%, tỷ lệ hộ nghèo còn 1%.

Huyện Kiến Thụy đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp
 Huyện Kiến Thụy đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp

Cùng với đó, Hải Phòng đã ban hành các cơ chế, chính sách kịp thời, đồng bộ triển khai thực hiện chương trình.

Năm 2016, Hải Phòng hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng hạ tầng xã nông thôn mới; xác định mức hỗ trợ bình quân cụ thể cho mỗi xã để hoàn thành, đạt chuẩn theo lộ trình từng năm. Theo đó,  từ  2016 đến 2017, có 25 xã được hỗ trợ 22 tỷ đồng/xã; năm 2018 có 15 xã hỗ trợ 24 tỷ đồng/xã; năm 2019 có 50 xã được hỗ trợ 25 tỷ đồng/xã.

Tổng vốn nguồn vốn ngân sách địa phương từ TP, huyện, xã đạt 25.727 tỷ đồng, chiếm 55% tổng nguồn vốn huy động để xây dựng Nông thôn mới. Mức đầu tư từ ngân sách tăng theo các năm, giai đoạn 2016 - 2019 tăng 2 lần so với giai đoạn 2010 - 2015. 

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng thông tin, sau 10 năm đã xây dựng Nông thôn mới, đã có 5.711 km đường giao thông được nâng cấp, cải tạo; 269 trạm bơm điện, kiên cố hóa; trên 4.600 km kênh mương được nạo vét; 393,65 km đường dây trung thế, hạ thế; 1.137 trạm biến áp; 559 công trình trường học các cấp; 629 công trình văn hoá; 50 chợ nông thôn; 48 công trình y tế, 37 hệ thống cấp nước đạt quy chuẩn nước đô thị. 

Đến nay, thu nhập đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 55 triệu đồng/người/năm, tăng 40 triệu đồng so với năm 2010 và tăng 18,05 triệu đồng so với năm 2015. Tốc độ tăng thu nhập bình quân hàng năm là 15,1%/năm.

Kết cấu hạ tầng nông thôn gồm giao thông, thuỷ lợi, trường học, văn hoá, thông tin truyền thông… được đầu tư mở rộng, nâng cấp cơ bản đồng bộ, hiện đại làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, nâng cao điều kiện sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đặc biệt là hệ thống giao thông, trường học các cấp được ưu tiên đầu tư.

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động hiệu quả các nguồn lực ngoài ngân sách để xây dựng nông thôn mới; người dân Hải Phòng đã đóng góp 6.588 tỷ đồng, huy động nguồn vốn tín dụng đạt 10.613 tỷ đồng.

Tính riêng giai đoạn 2016 -2019, nguồn vốn doanh nghiệp, hợp tác xã huy động ước đạt 3.153 tỷ đồng, bằng 6,3 lần giai đoạn 2010 - 2015.

Đến 2030, 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu

Trong thời gian tới, Hải Phòng tiếp tục xác định việc triển khai xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị.

Trong đó, mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025 được đưa ra là đến năm 2025, có 4 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu; có 30 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 20 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; 100 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 2 - 2,5 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,2 %; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đạt 100%.

Hải Phòng dành 3 tỷ đồng để tặng thưởng cho tập thể có thành tích trong phong trào NTM
 Hải Phòng dành 3 tỷ đồng để tặng thưởng cho tập thể có thành tích trong phong trào NTM

Đến năm 2030, Hải Phòng phấn đấu có 100% huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu; 100% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; từ 20 - 30% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; 250 - 300 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn gấp 2 lần so với năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,1 %; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%; duy trì tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đạt 100%; 50% số huyện chuyển thành quận.

Để động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hải Phòng đã tặng cờ thi đua cho 2 tập thể, bằng khen cho 84 tập thể và 298 cá nhân. Trong đó, cán bộ và nhân dân huyện An Dương được thưởng công trình phúc lợi trị giá 2 tỷ đồng; nhân dân và cán bộ xã An Thái, huyện An Lão và huyện Thủy Nguyên được thưởng 300 triệu đồng…Tổng số tiền thưởng lên tới 3 tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng, xây dựng NTM là thách thức rất lớn, nhiệm vụ nặng nề với Hải Phòng, thành phố có đến 55% dân cư sống ở nông thôn (1,1 triệu người), 53% diện tích là nông nghiệp. Là địa phương xuất phát sau trong xây dựng NTM, Hải Phòng đã nhanh chóng đạt những kết quả cơ bản. Theo Thủ tướng, tư tưởng thông, hành động quyết liệt, nhất quán đã giúp nghị quyết quan trọng của Đảng đi vào đời sống, bộ mặt nông thôn Hải Phòng đổi thay.

“Tôi được biết vừa qua, Thành phố quyết định đầu tư cho mỗi xã 25 tỷ đồng, chưa kể hỗ trợ xi măng. Đây là mức đầu tư lớn”, Thủ tướng nói. Nhưng xây dựng NTM không chỉ là vấn đề hạ tầng, mà chính là mức sống của người dân, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông nghiệp của Hải Phòng năm 2019 tăng gần 5 lần so với năm 2010. Tỉ lệ hộ nghèo còn 1%.

Hải Phòng đã thành công trong việc huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong tổng nguồn lực huy động gần 47.000 tỷ đồng thì có tới 45% là huy động từ xã hội.

Thủ tướngNguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
 Thủ tướngNguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

“Việc huy động ngày công, việc đóng góp đất của nhân dân tính ra gần 1.000 tỷ đồng, trong đó có hộ đóng góp 7 tỷ  đồng, có hộ 1 tỷ đồng, có hộ 1-2 triệu đồng tùy hoàn cảnh, thu nhập. Hình ảnh Nhà nước và nhân dân cùng làm trong phát triển hạ tầng rất đáng trân trọng”, Thủ tướng nói. Đây là bài học chung về dựa vào sức dân. Trong huy động, Hải Phòng đã phát huy dân chủ, không gò ép, không nợ nần, từ tinh thần tự nguyện của người mà làm các việc lớn.

Mười năm thực hiện chương trình NTM đã tạo sự chuyển biến cả về lượng và chất đối với Hải Phòng. Sự gắn kết giữa một đô thị hiện đại, một cảng biển lớn ở trung tâm với khu vực nông thôn xung quanh đã định hình tương đối rõ nét.

Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, sản xuất nông nghiệp nói riêng, kinh tế nông thôn nói chung còn nhỏ bé, phân tán về quy mô, phát triển dưới tiềm năng, lợi thế.  Sản xuất nông nghiệp nhiều nơi vẫn còn nhỏ lẻ manh mún. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm còn là mối lo ngại của người tiêu dùng. Chưa có nhiều mặt hàng nông sản có thương hiệu mạnh.

Quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa mạnh mẽ đã làm nhiều vùng nông thôn chưa giữ được vững chắc bản sắc, giá trị truyền thống. Môi trường nông thôn còn nhiều điểm đáng lo lắng. Nông thôn Hải Phòng phải là vùng nông thôn yên bình, an ninh, an toàn và văn hóa.

“Chính vì thế mà một câu hỏi lớn đặt ra là trong quá trình đô thị hóa, xây dựng NTM, những danh tiếng ‘Tiên Lãng sông nước bốn bề, có nghề trồng thuốc, có nghề chiếu gon’, thuốc lào Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, rượu nếp cái hoa vàng, nước mắm Cát Hải, chả chìa Hạ Lũng, mực khô Cát Bà… và những cái tên bao đời gắn liền với Hải Phòng, đặc biệt văn hóa truyền thống nông thôn Hải Phòng, sẽ còn hay mất? Những văn hóa quý báu ấy như thế nào? 10-20 năm nữa, truyền thống, nét đẹp văn hóa những làng quê của Hải Phòng sẽ ra sao?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Thủ tướng thăm một số mô hình phát triển kinh tế nông thôn được trưng bày tại hội nghị.
 Thủ tướng thăm một số mô hình phát triển kinh tế nông thôn được trưng bày tại hội nghị.

Ngày 8/7/2019, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Chương trình hành động số 76 thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, trong đó xác định chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nâng cao chất lượng xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững, đời sống vật chất khá giả,  môi trường sống an toàn, đời sống tinh thần phong phú,  giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc, Thủ tướng bày tỏ đồng tình và thống nhất những phương hướng mà Hải Phòng đề ra. Hải Phòng cần có số huyện, số xã NTM kiểu mẫu nhiều hơn số lượng dự kiến. Hải Phòng cần tiên phong trong xây dựng những miền quê NTM đáng sống, xanh, sạch, đẹp.  Từ nay đến cuối 2020, Hải Phòng cần có phương án cụ thể hơn nữa, được công bố rộng rãi hơn nữa về việc xây dựng NTM, nhất là các xã vùng hải đảo.

Cần xây dựng một nền nông nghiệp đặc trưng, tận dụng triệt để cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đó là nông nghiệp đô thị, nông nghiệp có vị trí chi phối trong vùng về công nghệ, về dịch vụ và chuỗi giá trị gia tăng, về chế biến, đặc biệt là xuất xứ hàng hóa, thanh toán điện tử, thương mại nội địa, xuất khẩu.

Trong xây dựng NTM giai đoạn tiếp theo, bảo tồn và phát triển cần phải song hành, không được thiên lệch, xây dựng NTM gắn với tôn tạo, giữ gìn di tích. Hải Phòng phải hiện đại, nhưng Hải Phòng cũng cần giữ gìn nét đẹp và tinh hoa truyền thống, trước hết là di sản văn hóa phi vật thể cùng với nông nghiệp sạch, hữu cơ đặc trưng, tạo nên một không gian du lịch hấp dẫn trong một bức tranh tổng thể phát triển.

Không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người nông dân, cải cách hành chính mạnh mẽ, không còn tham nhũng vặt. Đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, trong đó có xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt, kiên quyết nói không với túi nylon và đồ nhựa dùng một lần.

Xây dựng NTM là một cuộc cách mạng to lớn, lâu dài, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cuộc cách mạng ấy không dừng lại ở thời điểm tổng kết hay trong 5-10 năm tới, Thủ tướng nêu rõ.

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ cùng các lãnh đạo TP Hải Phòng đã đi tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm nông thôn.

Đọc thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích cá nhân

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.