Mở rộng kinh doanh, doanh nghiệp “lao dốc”
Kinh doanh trong lĩnh vực in ấn, quảng cáo, Cty Trường Hồng đã mở rộng sản xuất kinh doanh bằng việc thực hiện Dự án Nhà máy in và sản xuất bao bì carton tại huyện Thủy Nguyên. Ngày 19/6/2013, UBND TP Hải Phòng cấp giấy chứng nhận đầu tư nhà máy sản xuất, in bao bì carton cho Cty trên diện tích đất hơn 1ha. Sau khi hoàn thành việc xây dựng nhà xưởng, kho bãi, nhà máy đã triển khai hoạt động sản xuất.
Để xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh mới, Cty Trường Hồng đã vay của Eximbank Hải Phòng 17,5 tỷ đồng, với lãi suất hơn 20%/năm. Hai bên ký nhiều hợp đồng vay vốn với và thỏa thuận thế chấp tài sản bằng chính nhà xưởng mới xây dựng.
Do gặp đúng thời kỳ kinh tế khó khăn, dự án chưa phát huy hết công suất thiết kế nên Cty Trường Hồng chưa có nguồn thu để trả nợ vay ngân hàng đúng hạn. Bên cạnh đó, mức lãi suất cũng khá cao nên tình trạng nợ nần của Cty Trường Hồng càng nghiêm trọng.
Bà Phạm Thị Bích Hồng - Giám đốc Cty Trường Hồng cho rằng, việc công ty không trả được nợ và lâm vào tình trạng phá sản cũng có nguyên nhân từ bên cho vay. Cụ thể, Eximbank Hải Phòng thẩm định, phê duyệt, quản lý cho vay thu nợ quá cẩu thả, vi phạm nhiều quy định tại Quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước. Nhân viên tín dụng của Eximbank Hải Phòng chỉ dựa trên báo cáo sổ sách, không kiểm tra sâu sát thực địa sản xuất kinh doanh, tình hình lắp đặt vận hành thử và hoạt động chính thức của dây chuyền thiết bị.
Bên cạnh đó, khi doanh thu từ dự án mới đạt 12% công suất thiết kế, lợi nhuận gộp chưa được 3 tỷ, Eximbank Hải Phòng đã thu nợ gốc 3,8 tỷ và lãi 7,4 tỷ trên dư nợ gốc 17,5 tỷ. Trong lúc dự án gặp khó khăn, Eximbank Hải Phòng không những lạm thu nợ sai, gây suy kiệt tài chính cho doanh nghiệp mà còn từ chối cho vay vốn lưu động và không cơ cấu lại nợ thực chất để giãn nợ về thời gian, kỳ hạn và ân hạn phù hợp cho doanh nghiệp. Đặc biệt, do chỉ quan tâm đến việc thu hồi nợ nên cơ sở sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị kê biên, bán đấu giá, khiến cho công ty hoàn toàn sụp đổ.
Bên cho vay cũng có lỗi?
“Bi kịch” của Cty Trường Hồng, một câu hỏi đặt ra là: vì sao một dự án rất khả thi mà lại thua lỗ và doanh nghiệp bị đẩy đến chỗ phá sản. Phải chăng, doanh nghiệp làm ăn nhỏ thì sống mà đầu tư lớn thì sẽ “chết” và việc phải vay tiền ngân hàng với nhiều rủi ro đã khiến nhiều doanh nghiệp không chịu lớn?
Tiến sỹ kinh tế Phạm Ngọc Long - Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ phân tích, Eximbank Hải Phòng từ chối cho vay vốn lưu động trong lúc dự án rất cần vốn sau khi dây chuyền máy móc thiết bị lắp đặt hoàn chỉnh đi vào hoạt động; Đơn vị này còn chối miễn, giảm lãi vốn vay, gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ ngay khi dự án gặp khó khăn; chấm dứt cho vay và không thực hiện đúng quyền quy định Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và quy định pháp luật về cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi phí cho khách hàng. Đây chính là những vấn đề mấu chốt khiến doanh nghiệp “cạn máu” và…chết.
Ngày 18/3/2015, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hải Phòng đã tổ chức cuộc họp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Cuộc họp kết luận theo hướng: Eximbank Hải Phòng nên xem xét cơ cấu lại nợ thực chất giúp Cty Trường Hồng sớm khôi phục sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ hai tuần sau đó, Eximbank Hải Phòng “vịn’’ vào Quyết định số 07/2013/QĐST-KDTM của Tòa án để tiếp tục đề nghị cưỡng chế kê biên toàn bộ tài sản thế chấp của Cty Trường Hồng.
Theo Luật sư (LS) Ngô Trung Kiên (Đoàn LS tỉnh Hà Giang), việc cưỡng chế phát mại tài sản không phải là cách duy nhất và cách làm này có thể khiến cả ngân hàng và doanh nghiệp thiệt hại. Nếu bán tài sản để thu hồi nợ, giá bán sẽ không thể trả hết được nợ do chênh lệch rất lớn giữa giá trị đầu tư và giá bán đấu giá. Do vậy, việc bán tài sản để thu hồi nợ sẽ khiến cho doanh nghiệp bị mất tài sản nhưng dư nợ của ngân hàng thì vẫn còn, để lại đống nợ không có khả năng thu hồi do doanh nghiệp hết nguồn vốn, tài sản để kinh doanh.
Cũng theo LS Kiên, việc tái cơ cấu lại hoạt động của doanh nghiệp và việc ngân hàng tham gia công tác tái cơ cấu để quản lý “con nợ” là cách mà pháp luật cho phép và là thông lệ nhiều tổ chức tín dụng trọng và ngoài nước đã áp dụng nhằm “vực dậy” con nợ, “dưỡng nguồn” cho khoản nợ, tức là mở ra cho doanh nghiệp một con đường thoát mà bên cho vay vẫn thu hồi được vốn.
Bi kịch của Cty Trường Hồng không phải là cá biệt. Để cứu một doanh nghiệp cũng là trách nhiệm của bên cho vay trong một xã hội cộng sinh, khi ngân hàng cũng cần hỗ trợ khách hàng phát triển bền vững để nuôi dưỡng nguồn thu của mình. Ngược lại, chỉ tìm cách thu hồi nợ bằng việc bán tài sản của khách hàng, ngân hàng đặt mình vào con “đường cụt” khi đẩy khách hàng vào đường chết.